CẦN GIẢI PHÁP XỬ LÝ NHỮNG PHÁT SINH TỔNG MỨC ĐẦU TƯ TẠI CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trong phiên chất vấn ngày 6/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp khắc phục với những đơn vị liên quan đến việc phát sinh tổng mức đầu tư tại các dự án trọng điểm, quan trọng.

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa chấm dứt

Tổng thư ký Bùi Văn Cường cho biết, lĩnh vực đầu tư công hiện nay đã từng bước khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm tạo sự lan tỏa, kết nối liên vùng. Trong lĩnh vực giao thông vận tải: đã ban hành đầy đủ các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, vấn nạn nợ đọng xây dựng cơ bản tại các dự án hạ tầng sử dụng vốn ngân sách nhà nước vẫn là vấn đề đại biểu Quốc hội lo ngại. Dù ngay từ năm 2014, tại Chỉ thị số 23/CT- TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Các bộ, ngành, địa phương để phát sinh nợ đọng từ đầu tháng 1/2015 (thời điểm Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực thi hành) sẽ bị xử lý vi phạm theo các quy định tại luật này. Dù tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đã từng bước được khắc phục. Song vì nhiều lý do, vấn nạn này vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, thậm chí, một số khoản nợ đọng được ghi nhận từ trước năm 2014 vẫn đang phải treo gác, chưa thể thanh toán cho các đơn vị thi công.

Vẫn tồn đọng nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước đến hết ngày 31/12/2022 tại 51 dự án chưa được xử lý của Bộ Giao thông (ảnh minh họa)

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giao thông, tổng số các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước đến hết ngày 31/12/2022 tại 51 dự án chưa được xử lý của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào khoảng 986,317 tỷ đồng. Số nợ này gồm nợ đọng xây dựng cơ bản (đã có biên bản nghiệm thu A-B) là 865,197 tỷ đồng, trong đó phát sinh trước ngày 1/1/2015 khoảng 73,773 tỷ đồng, chủ yếu là phần phải trả theo các quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; phát sinh từ ngày 1/1/2015 về sau khoảng 791,424 tỷ đồng; nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước chưa được xử lý khoảng 121,12 tỷ đồng. Toàn bộ khoản nợ nói trên vẫn đang được cập nhật lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công để được cân đối bố trí vốn.

Trên thực tế, ngay cả việc rà soát, cập nhật, bổ sung, chuẩn xác các thông tin số liệu liên quan đến các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản nợ thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách nhà nước cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của nhiều bộ, ngành, địa phương, bất chấp sự đôn đốc, thúc giục thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xử lý nghiêm khắc các đơn vị có dự án phát sinh tổng mức đầu lớn hoặc các lỗi thiết kế nghiêm trọng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã chỉ rõ thực tế có tới 2/3 tổng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được ưu tiên dành cho lĩnh vực GTVT. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông lớn đã đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư và kéo dài tiến độ. Trong số này có những công trình vừa triển khai thi công nhưng đã phải kiến nghị bổ sung một lượng vốn rất lớn dù khi trình chủ trương đầu tư, các đơn vị liên quan đều khẳng định là đã làm rất kỹ, nhưng vẫn có 3 dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long phải xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện. Đó là cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ giao thông Vận tải xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc phát sinh tổng mức đầu tư tại các dự án nói trên và rõ giải pháp khắc phục?

Đại biểu Lê Hoàng Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, Bộ GTVT được giao 64 dự án với tổng số vốn khoảng 300.000 tỷ đồng. Hiện nay đã triển khai được 60 dự án, về cơ bản các dự án triển khai tốt, tuân thủ tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Cụ thể đối với 3 dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long phải xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện là cầu Rạch Miễu 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân phát sinh vốn là phải bổ sung chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, khi khảo sát lập các dự án nói trên rơi đúng vào giai đoạn dịch Covid-19 nên công tác khảo sát chưa thật chính xác nhưng chủ yếu là tăng chi phí sau khi cập nhật đơn giá giải phóng mặt bằng do địa phương quy định.

Cụ thể, tại bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chi phí giải phóng mặt bằng được các chủ đầu tư tính toán theo khung giá đất do HĐND các tỉnh ban hành. Trong bước thực hiện đầu tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND các tỉnh thực hiện, giá bồi thường tính theo giá đất cụ thể và được xác định trên cơ sở khảo sát giá thị trường. Thực tế, giá đất theo mặt bằng thị trường lớn hơn nhiều so với khung giá đất được ban hành, dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ, có chất lượng các công việc trong công tác tư vấn đầu tư xây dựng công trình.

Về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý theo quy định. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thông tin, Bộ sẽ xử lý nghiêm khắc, nghiêm túc các đơn vị tư vấn để xảy ra sai sót, kể cả xử phạt tiền, cấm tham gia đấu thầu đối với những dự án phát sinh tổng mức đầu lớn hoặc các lỗi thiết kế nghiêm trọng.

Sớm hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc để đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn

Liên quan đến giải pháp và thời gian hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Việt Nam theo tiêu chuẩn, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị, giải pháp bố trí trạm dừng nghỉ trên cao tốc thế nào khi hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đi vào vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng chân?

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Cùng quan tâm đến lĩnh vực giao thông, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết nguyên nhân tại sao chưa thực hiện được yêu cầu tại Nghị quyết số 62, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT.

Đại biểu Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Còn đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị các giải pháp cụ thể để không xảy ra tình trạng cao tốc đi vào khai thác sớm hư hỏng, sửa chữa, gây thất thoát lớn, lãng phí như tuyến Đà Nẵng Quảng Ngãi, Hà Nội, Lào Cai… trong thời gian vừa qua, trong khi thời gian hoàn thành mục tiêu 3000 km cao tốc đã rất gấp rút và cận kề vào năm 2025.

Trả lời đại biểu liên quan đến hoàn chỉnh các vấn đề liên quan đến đường cao tốc, như bố trí trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn thắng đã nhận trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu: vừa chạy vừa xếp hàng. Trong khi đó, nếu khai thác tốt các trạm dừng nghỉ sẽ mang lại hiệu quả các trạm dừng nghỉ. Bộ Giao thông đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư trong thực hiện xã hội hóa. Trước đây, chưa có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ, do vậy Bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.

Hiện nay, đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, 9 trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 đang trong quá trình triển khai. Còn với giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiến hành song song với quá trình hoàn thiện tuyến đường.

Về ý kiến đại biểu liên quan đến chất lượng các tuyến cao tốc, Bộ trưởng khẳng định có nhưng chỉ xảy ra ở một, hai vị trí, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ Giao thông luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và theo chuẩn quốc tế. Bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, trong đó có khó khăn về tài chính. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần được giải quyết nhanh nhất. Bộ chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội và Chính phủ về chất lượng các công trình giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Về tháo gỡ khó khăn cho dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ đã quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT, Nhiệm vụ này đã được triển khai từ lâu, nhưng có nhiều vấn đề phức tạp trong việc tháo gỡ cho các dự án này. Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành kết luận, yêu cầu Bộ Giao thông và Chính phủ giải trình một số vấn đề trong đó, ngoài 8 dự án trên, các địa phương có gặp khó, cần làm rõ để có giải pháp tháo gỡ; làm rõ nguồn vốn, các vấn đề liên quan đến pháp lý. Bởi 8 dự án đều triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực. Hiện nay Bộ Giao thông đã tích cực triển khai các bước tháo gỡ khó khăn, trong đó, nhà đầu tư cần hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo tồn vốn… Bộ Giao thông đã tổng hợp và giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháo gỡ 8 dự án BOT.

Trả lời vấn đề quan tâm của đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về vấn đề khi nào có thể vận hành được đường cao tốc đạt tốc độ tối đa, giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông? Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc của Việt Nam được chia thành 4 cấp, với tốc độ để tính toán thiết kế từ cao nhất đến thấp nhất lần lượt là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và thấp nhất là 60 km/giờ.

Hiện nay, do khó khăn trong cân đối vốn đầu tư nên nhiều tuyến cao tốc, trong đó có một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư phân kỳ (làn dừng xe khẩn cấp gián đoạn, các yếu tố hình học như đường cong đứng, đường cong nằm, độ dốc,… đạt yêu cầu đưa vào cấp ngay từ giai đoạn đầu) và giai đoạn trước mắt được khai thác vận tốc 80km/h, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng và khai thác với tốc độ 100 -120km/h.

Trong quá trình đưa các dự án đường cao tốc thực hiện phân kỳ vào khai thác, Bộ GTVT đã nhận diện được vấn đề về tốc độ khai thác trong giai đoạn phân kỳ đầu tư và đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và ban hành lại tiêu chuẩn. Sau khi đánh giá, Bộ GTVT đã cho phép một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, tình trạng giao thông, an toàn giao thông trên tuyến được khai thác đến tốc độ 90km/h. Việc điều chỉnh tốc độ tối đa sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81804