Cần giải pháp chặn đứng tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Sáng 5/10, VUSTA phối hợp với Ủy ban xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (đứng) và TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì hội thảo.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo các cơ quan bộ ngành Trung ương, có ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi

Phát biểu khai mạc Hội thảo Về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu và sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và bảo vệ quyền, lợi ích của người dân.

TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo.

Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nhằm kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Cùng với đó, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung những quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có 10 nội dung lớn như đã đề cập trong Tờ trình và dự thảo Luật, trong đó có nội dung được nhiều người quan tâm là:

Vấn đề bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng;

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; quy định về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội;

Quang cảnh hội thảo.

Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn được hưởng lương hưu;

Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương;

Về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, VUSTA tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật này.

Cần giải pháp chặn đứng tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Góp ý về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 (đoàn đại biểu QH TP Hà Nội), Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển cộng đồng nhấn mạnh đến việc phải có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm (chậm đóng hoặc không đồng). Điều này, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hàng ngàn lao động.

PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 (đoàn đại biểu QH TP Hà Nội), Viện trưởng viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển cộng đồng phát biểu tại Hội thảo.

Dẫn số liệu, bà An cho biết, số nợ bảo hiểm xã hội chiếm 17,4 % trên tổng số tham gia bảo hiểm bắt buộc. Tiền nợ bảo hiểm khó thu hồi do doanh nghiệp giải thể ngưng hoạt động chủ bỏ trốn... là trên 4.000 tỷ.

“Đây là vấn đề rất lớn, vì vậy nên đưa vào luật điều khoản để ngăn chặn, chặn đứng việc này. Nếu không thì phải yêu cầu các doanh nghiệp có quỹ phòng để nếu xảy ra sự cố có tiền đền bù và trả cho người lao động”, bà Bùi Thị An đề nghị.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày, tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động “trốn đóng bảo hiểm xã hội” từ 6 tháng trở lên; hoặc quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên...

ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ông Giới cho rằng, chúng ta rất cần có quy định chế tài đủ mạnh, cứng rắn, quyết liệt. Tuy nhiên, ông Giới đề nghị cần phân biệt rõ hành vi "trốn đóng" và "chậm đóng" bảo hiểm là như thế nào? Tại sao?

Việc rút bảo hiểm một lần cũng nhận được nhiều quan tâm, nêu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo.

Ông Giới cho rằng, muốn giảm tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, giữ họ lại hệ thống an sinh (nghĩa là không rút bảo hiểm nữa); thì cần có các cơ chế tài chính để hỗ trợ khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn hoặc rủi ro trong cuộc sống.

Ví dụ: Cho vay lãi suất thấp từ ngân hàng chính sách xã hội, tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT, tiếp tục hỗ trợ chế độ thai sản, hỗ trợ gia cảnh (đóng học phí cho con cái, chi phí gửi trẻ), hoặc kéo dài thêm thời gian hỗ trợ thất nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Phó tổng giám đốc, Chủ tịch công đoàn Tạp chí Kinh tế VN, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, theo đánh giá chung là vấn đề khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội, nên có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội.

“Tuy nhiên, cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút, hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng quyền lợi hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần”, bà Diệp nói.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Phan Xuân Dũng đánh giá về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/can-giai-phap-chan-dung-tinh-trang-doanh-nghiep-no-bao-hiem-1908013.html