Cần dự báo đồng thời quy mô, địa điểm và thời điểm xảy ra trượt lở

Trượt lở đất là tai biến địa chất rất lớn nhưng công tác dự báo rất khó vì phụ thuộc đồng thời vào nhiều yếu tố (địa hình, đất đá, các yếu tố ngoại sinh như phong hóa, mưa…), và để có thể ứng dụng được kết quả dự báo phải dự báo được đồng thời cả ba yếu tố: quy mô, địa điểm và thời điểm xảy ra trượt lở.

Trượt lở đất tại Đoàn kinh tế 337.

Trượt lở đất tại Đoàn kinh tế 337.

Chuyển sang nghiên cứu dự báo

Thiếu thông tin của một trong ba yếu tố (quy mô, địa điểm và thời điểm) thì dự báo chẳng giúp được gì đáng kể.

Vì những khó khăn như thế, hai mươi năm trước đây Chính phủ đã chi tiền cho nghiên cứu trượt lở đất ở quy mô lớn, như đề tài cấp Nhà nước năm 2004 của TS. Trần Trọng Huệ “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các loại hình tai biến địa chất trên lãnh thổ Việt Nam” (trong đó có trượt lở đất); Chương trình KC-08 năm 2006 của GS.TS. Nghiêm Xuân Yêm “Nghiên cứu đánh giá trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá một số vùng nguy hiểm ở miền núi Bắc bộ”, và hiện nay đang triển khai Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở các vùng miền núi Việt Nam tỷ lệ 1/50.000” do Viện Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện.

Thế nhưng, từ kết quả của các đề tài, đề án trên chúng ta vẫn chưa dự báo cụ thể được thời điểm xảy ra trượt lở, bằng chứng là đã có nhiều sự cố trượt lở xảy ra gần đây ở miền Trung làm chết 112 người, gây bức xúc dư luận.

Câu hỏi đặt ra là: “Quảng Nam đã có bản đồ cảnh báo sạt lở do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, vậy bản đồ này được sử dụng như thế nào?”, PGS.TS. Trần Tân Văn lý giải: “Có thể là do công tác chuyển giao kết quả của chúng ta còn chậm, hoặc kết quả còn tương đối khó hiểu đối với người sử dụng, hoặc chưa chuyển giao được một cách rộng khắp đến mọi đối tượng là cộng đồng địa phương ở các cấp huyện, xã hoặc làng bản. Ngược lại, về phía người được chuyển giao có thể thấy khó tiếp thu, hoặc chủ quan vì những năm trước trượt lở ít xảy ra hơn. Cũng có thể là chúng ta đã hết sức cảnh giác, hết sức quan tâm nhưng đợt mưa lũ lịch sử này thực sự quá lớn, quá khốc liệt, vượt quá mọi khả năng chống chịu, ứng phó của chúng ta”.

Không bàn đến cái đúng, cái sai của cơ quan thực hiện đề án, của người thụ hưởng kết quả của đề án, tôi cho rằng ngay cả các đề án thực hiện gần đây, mới chỉ cảnh báo trượt lở như 20 năm trước các nhà khoa học đã làm, tức là không dự báo được trượt lở một cách cụ thể, dẫn đến kết quả của các đề án không phục vụ hiệu quả công tác phòng chống trượt lở để giảm thiểu thiệt hại. Chính vì vậy, cần thiết phải chuyển sang nghiên cứu dự báo trượt lở.

Đơn giản để dự báo

Ngay trong nhóm nguyên nhân gây trượt, khi nào chúng đóng vai trò là nguyên nhân và khi nào chỉ đóng vai trò là yếu tố ảnh hưởng, cần tách bạch sự khác biệt này làm cho bài toán trở nên đơn giản hơn để dự báo. Theo đó, chống trượt lở chỉ có thể áp dụng cho các khối trượt nhỏ, đơn lẻ, đã được quan trắc theo dõi đầy đủ. Đối với một vùng lãnh thổ để hạn chế tổn thất thì chỉ có thể áp dụng công tác phòng.

Nhiều nhà khoa học đề xuất quy hoạch lại dân cư, tránh các vùng có nguy cơ trượt lở. Làm được như vậy thì quá tốt nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn do tốn nhiều kinh phí và mất nhiều thời gian; do địa hình vùng núi không dễ tìm được quỹ đất đáp ứng yêu cầu; do dân miền núi có nhiều phong tục tập quán không dễ thuyết phục để di dời theo quy hoạch…

Do đó, việc di dời tạm thời trong những ngày mưa lũ thì dễ hơn nhiều. Như vậy đòi hỏi công tác nghiên cứu dự báo trượt lở thành công để bảo đảm phương án di dời tạm thời khả thi. Việc cấp kinh phí để nghiên cứu dự báo trượt lở sẽ rẻ, bền vững hơn rất nhiều so với phương án quy hoạch lại dân cư nêu trên, cần thiết được Chính phủ, các bộ, các tỉnh cân nhắc quyết định.

Đối với dự báo trượt cho một khối trượt cụ thể, với khoa học công nghệ hiện nay việc đó quá dễ dàng. Khi phát hiện một sườn dốc đã xuất hiện kẽ nứt căng ở trên sườn có nguy cơ trượt, chỉ việc lắp đặt các thiết bị dây rung hoặc căng kế ta sẽ biết được lúc nào xảy ra trượt. Trường hợp đơn giản nhất chỉ việc lắp đặt thiết bị đo chuyển vị lấy số liệu quan trắc lập biều đồ chuyển vị theo thời gian sẽ xác định được thời điểm trượt sẽ xảy ra. Chúng tôi đã áp dụng cho khối trượt ở vai phải của đập thủy điện Trung Sơn, ngăn ngừa được trượt.

PGS.TS. Phạm Hữu Sy (Liên hiệp Khảo sát địa chất – Xử lý nền móng công trình)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/can-du-bao-dong-thoi-quy-mo-dia-diem-va-thoi-diem-xay-ra-truot-lo-294702.html