Cần định hướng thẩm mỹ cho trẻ

Người ta có cảm giác như âm nhạc tràn trề trên các phương tiện thông tin đại chúng: Truyền hình, phát thanh, băng đĩa, karaoke… trong các cuộc thi chuyên nghiệp, không chuyên, các game show, truyền hình thực tế...

Tuy nhiên, sự xuất hiện có phần xô bồ của những ca khúc kém chất lượng ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ âm nhạc của lớp trẻ, nhất là ở các em nhỏ.

Ảnh hưởng của nhạc thị trường

Những ca khúc thảm họa hiện nay đang tràn ngập thị trường, có thể kể đến các ca khúc như “Da nâu”, “Bà xã tôi number one”, “Thà rằng anh không nhìn thấy”…

Nhờ những ca khúc như thế này, các ca sĩ, nhạc sĩ “tự phong” vừa nổi tiếng mà lại vừa kiếm được tiền từ các trang mạng đăng tải ca khúc của họ mà không quan tâm đến công chúng hay khía cạnh nghệ thuật của tác phẩm.

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai - Giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật T.Ư - kể : “Có lần tôi ra một cửa hàng băng đĩa, cầm đĩa nào lên tôi cũng thấy trên mặt đĩa in tên các bài hát có chữ “yêu”, không là “yêu” thì là chữ “tình” hoặc là “anh và em”...

Tôi hỏi cô bán hàng tại sao chỉ bán những đĩa về tình yêu thì nhận được câu trả lời những đĩa đó mới bán chạy. Thế mới biết tình yêu của lớp trẻ bây giờ được quan tâm ghê gớm như thế nào. Riêng tôi chợt có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn.

Vui vì trong cuộc sống hòa bình, chủ đề tình yêu lên ngôi chứng tỏ cái “tôi”, cảm xúc nho nhỏ đời thường của con người được chú ý, được đề cao.

Buồn vì sự lên ngôi có phần thái quá. Điều đáng nói hơn, không ít những ca khúc hời hợt, nhạt nhẽo, thậm chí là na ná nhau, hát lên không để lại ấn tượng cho người nghe; lời ca có phần xô bồ, dễ dãi, gây phản cảm”.

Có lẽ chưa bao giờ số lượng nhạc trẻ lại xuất hiện ồ ạt như hiện nay. Chính vì sự ồ ạt đó đã tạo nên những ca khúc sáo rỗng về lời ca, sự tầm thường của giai điệu như những ca khúc chỉ vỏn vẹn 4 câu như: “Em có một ước ao, em có một khát khao, làn da nâu, làn da nâu”.... Các thần tượng ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố hở hang, scandal hơn là tài năng thực sự…

Cần sự định hướng từ gia đình và nhà trường

Theo nhạc sĩ Lê Mây, trẻ em hiện nay đang bị lợi dụng trong các chương trình giải trí. Không thiếu những cậu bé, cô bé hát lời yêu đương với những ca từ chỉ dành cho người lớn.

Dường như trẻ em đang bị biến thành con rối trẻ thơ và bị biến thành con rối trong cuộc chạy đua của phụ huynh ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng. Trong các chương trình, bé được ăn mặc, trang điểm, đánh hông, liếc mắt chẳng khác gì ca sĩ thị trường.

Nhạc sĩ Lê Mây cũng cho rằng, lớp ca sĩ trẻ chạy theo thị hiếu hát nhạc thị trường vì so với cát - xê cao ngất ngưởng của các “sao” nhạc thị trường thì cái giá của ca sĩ nhạc chính thống chỉ là cò con, chưa kể thù lao cho nhạc công giao hưởng và nghệ nhân nhạc cổ còn bèo bọt hơn nhiều.

Các thần tượng ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực của họ. Vì thế, định hướng thẩm mỹ âm nhạc đúng đắn cho thế hệ trẻ Việt Nam đang trở thành một vấn đề cấp thiết.

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai cho rằng, một vấn đề hết sức quan trọng phải đặc biệt quan tâm là giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ em, trước hết là từ gia đình và nhà trường.

Đối với xã hội, cần tạo mọi điều kiện phổ biến rộng rãi những tác phẩm có chất lượng cao cùng sự biểu diễn của những ca sĩ tài năng thật sự. Trẻ em, ngay từ khi bắt đầu đi học, phải được trang bị kiến thức cơ bản về âm nhạc.

Lớn hơn một chút, cần thường xuyên tiếp cận với âm nhạc dân tộc và âm nhạc thính phòng để các dòng âm nhạc không loại trừ nhau mà bổ sung hoàn thiện cho nhau, góp phần làm cho đời sống âm nhạc đa dạng, phong phú và lành mạnh. Nếu được giáo dục tốt thì người nghe sẽ có “bộ lọc” tốt, không bị lôi cuốn vào môi trường âm nhạc bị ô nhiễm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần siết chặt, kiểm duyệt có định hướng với những ca khúc thị trường, đồng thời cần tôn vinh các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc và đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng để cải thiện và nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ. Tuy nhiên, cùng với đó, cha mẹ cũng cần làm tốt nhiệm vụ định hướng thẩm mỹ cho con mình, trong đó thẩm mỹ âm nhạc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/can-dinh-huong-tham-my-cho-tre-2372051-b.html