Cần điều tiết để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản!

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 23/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu thực tế, thị trường bất động sản luôn rình rập các cơn 'sốt nóng' hay 'đóng băng', tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, nếu không được ngăn chặn, có giải pháp kịp thời sẽ gây ra lạm phát hoặc giảm phát, khủng hoảng tiền tệ hay tài chính, cao hơn là khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản, người dân khốn đốn...

Công cụ thuế giúp Singapore kiểm soát giá bất động sản

Theo đại biểu, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng nhưng hiện nay chúng ta chưa điều tiết được thị trường này. Trong khi cử tri yêu cầu lần sửa đổi luật này làm sao "xóa bỏ tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất", "để người nghèo không nghèo thêm vì bất động sản", để các thế hệ sau của chúng ta không trở nên vô vọng với ước mơ "có được một ngôi nhà để ở".

ĐBQH Trần Văn Khải.

Ông đề nghị cụ thể hóa các chính sách nhằm điều tiết thị trường bất động sản ngay tại Điều 8, bảo đảm tính ổn định lâu dài của chính sách; tạo động lực phát triển thông qua chính sách thông thoáng, thuận lợi. Điều tiết, cơ cấu lại thị trường bất động sản hợp lý, tạo đột phá trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, đưa ra "liều thuốc" hữu hiệu để ứng phó kịp thời, chủ động với "căn bệnh mãn tính" của thị trường bất động sản là "sốt nóng" và "cảm lạnh" đến "đóng băng" nhiều năm qua...

ĐBQH Trần Văn Khải cũng cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển bền vững, đại đa số người dân có nhà, Singapore đã dùng công cụ thuế để điều tiết. Họ đánh thuế lũy tiến bất động sản, mua căn nhà thứ hai phải trả thuế 7% giá trị bất động sản, 10% cho căn thứ ba. Nếu người nước ngoài mua nhà phải đóng thuế 15% giá trị bất động sản; nếu mua và bán bất động sản ngay trong năm đầu tiên mua thì phải đóng thuế 16% giá trị căn nhà; bán vào năm thứ hai so với năm mua đóng thuế 12%, năm thứ ba là 8%, năm thứ 4 đóng 4%, sau 4 năm còn 0%.

ĐBQH Phạm Đức Ấn.

"Sau khi chính phủ Singapore áp dụng các chính sách trên được vài năm, giá bất động sản toàn Singapore được kiểm soát, không ngừng giảm ở tất cả các phân khúc", đại biểu dẫn kinh nghiệm nước bạn.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, giá bất động sản có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu giá bất động sản tăng, giá cả, chi phí hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo; giá bất động sản đều phải phản ánh vào giá cả. Mặc dù cần tôn trọng quy luật thị trường nhưng cũng cần phải quy định các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản.

Tranh luận giao dịch bất động sản nên qua sàn hay không?

Đề cập Điều 57 của dự thảo luật quy định chủ đầu tư bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) bày tỏ băn khoăn.

ĐBQH Phạm Thị Kiều.

"Quy định như vậy không chỉ xung đột trực tiếp với Điều 119 Bộ Luật Dân sự về hình thức của giao dịch dân sự mà còn tạo ra những rào cản khi phát sinh thêm thủ tục xác nhận qua sàn giao dịch, phát sinh thêm chi phí lớn cho giao dịch bất động sản" - bà lý giải. Không những vậy, dù Điều 57 quy định về các giao dịch phải thông qua sàn giao dịch nhưng lại quy định luôn cả giao dịch thuộc diện khuyến khích thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đối tượng khuyến khích ở đây hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc và làm rõ.

ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho rằng, sàn giao dịch bất động sản là doanh nghiệp thông thường, không phải cơ quan quản lý nhà nước, không phải là chủ thể cung cấp dịch vụ công theo nhiệm vụ của Nhà nước. Do đó, việc bắt buộc các chủ thể khác phải sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp thông thường tạo nên sự bất bình đẳng, vi phạm các nguyên tắc về bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, xung đột với Luật Công chứng. Vì theo Luật công chứng, hoạt động công chứng là việc công chứng nhận tính xác thực hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự.

Tranh luận về nội dung trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, trên thế giới, nhiều nước đã có những quy định chặt chẽ đối với sàn giao dịch bất động sản. Do đó, người dân rất yên tâm với việc giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch.

ĐBQH Hoàng Văn Cường.

"Bất động sản là một loại hàng hóa thì rất quen thuộc với tất cả mọi người. Thế nhưng, khi được đưa vào giao dịch trên thị trường thì lại là một loại hàng hóa rất đặc biệt. Vì vậy, thị trường bất động sản gồm có 3 bộ phận cấu thành: người mua, người bán và người môi giới. Ba yếu tố này không thể thiếu khi cần một thị trường hoàn chỉnh và chúng ta dù không quy định về môi giới bất động sản thì trên thực tế người dân khi đi giao dịch bất động sản vẫn cứ tìm đến một người trung gian", đại biểu phân tích.

Vì vậy, để minh bạch thị trường bất động sản, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị dự án luật quy định trách nhiệm pháp lý của người môi giới bất động sản. "Nếu như gặp rủi ro pháp lý, người môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông bổ sung.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/can-dieu-tiet-de-nguoi-ngheo-khong-ngheo-them-vi-bat-dong-san--i697943/