Cần đề cao 'tiếng nói' của người lao động khu vực phi chính thức

Người lao động khu vực phi chính thức khó tiếp cận với bảo hiểm xã hội (BHXH) hay do mô hình hoạt động BHXH hiện nay chưa phù hợp, đang là câu hỏi cần sớm giải đáp để người dân tự nguyện đóng bảo hiểm, được tiếp cận và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội.

Các chuyên gia góp ý cho việc mở rộng BHXH tự nguyện tại tọa đàm “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức

Với hệ thống BHXH và an sinh xã hội hoàn thiện, tại nhiều quốc gia trên thế giới khái niệm lao động chính thức và phi chính thức hầu như không tồn tại. Theo đó, hệ thống BHXH bao gồm lương hưu, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội… luôn bình đẳng trong cách tính giữa các loại hình lao động. Từ đó, cho thấy có nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh câu chuyện BHXH và lao động phi chính thức ở Việt Nam.

Ở nước ta người lao động khu vực phi chính thức khó tiếp cận với BHXH hay do mô hình hoạt động BHXH hiện nay chưa phù hợp với sự phát triển? Để tìm giải pháp cho câu hỏi này, mới đây, báo Kinh tế & Đô thị đã phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm với chuyên đề “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức”.

Người lao động “hững hờ” với lương hưu tự nguyện?

Theo ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), chỉ có 1,9% lao động phi chính thức đóng BHXH tự nguyện, đây là con số rất thấp

Thông tin tại tọa đàm “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức”, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, trong mấy chục triệu lao động phi chính thức, chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào.

"Thực tế này đã và đang dẫn đến tình trạng "lọt lưới an sinh" ở phần không nhỏ người lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản…" - ông Tạ Việt Anh nói và nhấn mạnh, ngoài những thiệt thòi trong quá trình lao động, khi về già, lao động phi chính thức cũng không có các khoản tài chính hỗ trợ như lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí, mai táng phí… Khi đó, họ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất an toàn tài chính hoặc cuộc sống phụ thuộc vào con cháu, vào xã hội.

Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu không có chính sách phù hợp để giảm số lao động phi chính thức hoặc mở rộng BHXH tự nguyện cho khu vực lao động tự do, lực lượng lao động "lọt lưới" an sinh có thể càng ngày càng lớn

Tương tự, ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, trong hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã giải quyết bài toán việc làm rất hiệu quả, nổi bật là kết quả việc mở cửa đầu tư. Nhờ đó, cả nước đã chuyển đổi cơ bản lực lượng lớn lao động phi chính thức ở nông thôn thành lao động chính thức. Đây là mấu chốt để đảm bảo an sinh xã hội cho lượng lớn lao động. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy nhóm lao động phi chính thức đang có dấu hiệu phát triển, không chỉ từ nhóm lao động nông thôn, người lao động mất việc rút BHXH một lần mà các hình thức kinh tế mới xuất hiện (kinh tế số, kinh tế chia sẻ) cũng gia tăng nhiều lao động phi chính thức như bán hàng online, tài xế công nghệ…

Về nguyên nhân dẫn đến việc lao động phi chính thức không mặn mà với BHXH thì có rất nhiều. Tuy nhiên, mấu chốt hiện nay vẫn là do chưa có nhiều quyền lợi cho người tham gia nên kém hấp dẫn.

Bàn về vấn đề này, Nhà báo Đan Hà – Báo Công Lý cho rằng, thời gian đóng BHXH và độ tuổi đóng BHXH không phải rào cản lớn nhất. Điều người lao động quan tâm chính là quyền lợi được hưởng từ việc tham gia BHXH phải đảm bảo cuộc sống của họ khi về già, cần nhìn thẳng vào thực tế này để thay đổi: “Thực tế lương đi làm với nhiều lao động phi chính thức hiện không đủ sống, họ phải trông mong gì vào đồng lương hưu từ BHXH vốn chỉ ở mức cơ bản. Trong khi đó, nhu cầu của người già ngoài ăn, mặc, ở, còn có tiền thuốc thang, khám bệnh…Tôi tin rằng, chỉ cần lương hưu tự nguyên tương xứng với quá trình đóng BHXH, đảm bảo cuộc sống hôm nay và ngày sau, thì người lao động sẽ tự giác tham gia” - Nhà báo Đan Hà phân tích.

Nhà báo Đan Hà - Báo Công Lý kiến nghị, nếu người chồng tham gia BHXH tự nguyện chẳng may qua đời, thì người vợ được hưởng lương hưu của chồng. Điều này giúp người tham gia yên tâm về quyền lợi của họ được đảm bảo trước mọi rủi ro trong cuộc sống

Chia sẻ với PV Báo Kinh tế & Đô thị, chị Dương Thị Diễm Trâm (buôn bán hàng online, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều hơn một lần chị đã suy nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên sau đó lại không thực hiện vì nhận thấy bài toán kinh tế không đảm bảo.

“Nếu đóng ít thì về già số tiền nhận được hàng tháng chẳng đáng là bao, mà nếu đóng nhiều thì lợi ích kinh tế mang lại không tương xứng. Tôi ví dụ, thay vì đóng vào BHXH tôi tự tích góp số tiền dành dụm của mình, mua nhà, mua đất…có thể sử dụng cho thuê hàng tháng để “tiền đẻ ra tiền”. Chưa kể, sau này về già, biết đâu giá trị của căn nhà, miếng đất đó tăng lên, còn giúp mình làm giàu, có của cải cho con cho cháu. Trong khi đó, đóng vào BHXH, đồng ý hàng tháng có lương hưu, nhưng đồng tiền thời điểm đóng vào không giống với đồng tiền khi nhận lại, vì lạm phát, rớt giá” – chị Dương Thị Diễm Trâm nói.

Ngược lại, anh Lê Tấn Vũ (chạy xe ôm công nghệ, ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ nguyên nhân chưa tham gia BHXH tự nguyện là vì chưa có đủ năng lực tài chính.

“Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng tiền tôi kiếm được, khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cũng mong muốn được tham gia BHXH để sau này có lương hưu dưỡng già nhưng với số tiền đó thì sinh hoạt hằng ngày và nuôi con học hành còn thiếu, nên tôi không có điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện” - anh Lê Tấn Vũ tiếc nuối.

Linh hoạt chính sách, xây dựng một hệ thống BHXH toàn vẹn

Có thể khẳng định, rất khó khăn để mở rộng hệ thống BHXH tự nguyện trong nhóm lao động phi chính thức. Vì vậy, cần mở rộng chính sách rất sát sườn với người lao động.

Theo luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, BHXH về bản chất là một khoản bù đắp cho phần thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Bảo hiểm xã hội gồm BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Trên mặt pháp lý, hai loại bảo hiểm này có sự khác nhau tương đối lớn và đặc biệt là về chế độ hưởng của người tham gia. Trong khi BHXH có các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì BHXH tự nguyện chỉ có chế độ tử tuất và chế độ hưu trí.

Các chuyên gia nhận định, việc phát triển lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện là hết sức khó khăn, nhưng không phải là không thể

“Tôi cho rằng cần tăng tính liên thông cho hai loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện. Tức là cho phép đối tượng của BHXH tự nguyện tham gia có điều kiện vào loại hình BHXH bắt buộc (khi người lao động có đủ điều kiện), để hưởng các quyền lợi như những người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay. Đồng thời, cũng có thể mở ra cơ hội cho đối tượng của BHXH bắt buộc được tham gia vào loại hình BHXH tự nguyện nhằm tăng mức hưởng lương hưu và các chế độ khác cho người lao động” – luật sư Lê Thu Thảo đề xuất.

Cũng theo luật sư Lê Thu Thảo, để hướng tới một hệ thống BHXH toàn vẹn, BHXH toàn dân, thì trước hết phải rút ngắn khoảng cách giữa tư duy BHXH bắt buộc và tự nguyện, rút ngắn sự phân biệt rạch ròi giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức.

“Trên thực tế, có rất giải pháp để mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức như: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; nâng cao kỹ năng cho cán bộ bảo hiểm; …Song, suy cho cùng, nòng cốt nhất vẫn là BHXH tự nguyện phải tạo những ưu điểm về quyền lợi mà người lao động khu vực phi chính thức cảm thấy phù hợp để tham gia” – luật sư Lê Thu Thảo nói thêm.

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng cũng đưa ra đề xuất 5 nhóm giải pháp mà các bên liên quan có thể thực hiện để mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức, gồm:

Thứ nhất, công tác truyền thông chưa tốt nên người lao động chưa hiểu hết lợi ích của BHXH tự nguyện. Do đó, cơ quan BHXH và các cơ quan truyền thông cần có nội dung, cách thức tuyên truyền phù hợp để người lao động có thể tiếp cận và dễ nắm bắt.

Thứ hai, cần hoàn thiện thể chế để làm sao khuyến khích người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động, bởi thực tế có nhiều lao động phi chính thức làm việc ở khu vực chính thức vì họ không được giao kết hợp đồng lao động. Khi đó, người lao động sẽ được tham gia BHXH bắt buộc.

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định trong quan hệ lao động, tăng cường các chế tài xử lý đối với hành vi trốn đóng BHXH, kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thứ tư, nghiên cứu bổ sung thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện. Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhắc đến trợ cấp thai sản mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đề xuất trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Trợ cấp này hoàn toàn do ngân sách chi trả, người lao động không phải đóng thêm phí BHXH.

Thứ năm, giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo an sinh xã hội vẫn là tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề giúp người lao động tham gia thị trường lao động, chuyển lao động phi chính thức thành lao động chính thức.

Phát động cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng"

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm: “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH với lao động phi chính chức”, Báo Kinh tế & Đô thị thông báo tổ chức cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng”. Được biết, đây là năm thứ 3 cuộc thị được tổ chức với 18 giải cá nhân, 1 giải tập thể với tổng giải thưởng trị giá 195 triệu đồng.

“Bảo vệ nhóm người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc ít người, người nghèo… là điểm chung mà Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cùng hướng đến. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, chúng tôi tìm được tiếng nói chung để đưa cuộc thi ngày càng lan tỏa đến đông đảo truyền thông và bạn đọc"- GS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-de-cao-tieng-noi-cua-nguoi-lao-dong-khu-vuc-phi-chinh-thuc.html