Cần đảm bảo tính bền vững của tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Như vậy, rừng không chỉ có giá trị ở gỗ, lâm sản, cảnh quan mà còn có thể khai thác cả tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, để có thể khai thác được giá trị mới này từ rừng, ngoài cơ sở pháp lý cần thiết, tính bền vững của tín chỉ carbon rừng cũng là vấn đề Việt Nam cần phải quan tâm.

Ngoài khoản tiền dịch vụ môi trường rừng, đầu năm 2024, nhiều người dân ở thôn Nà Nghịu, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa được nhận thêm một khoản tiền từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Mặc dù khoản tiền này không quá lớn nhưng là sự động viên kịp thời để những người bảo vệ rừng tại Nà Nghịu có thêm động lực tăng gia sản xuất, tối ưu hóa nguồn tiền vừa được nhận.

Đây là kết quả thu được khoản chi trả từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Thế giới. Theo đó 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tương tương 10,3 triệu tấn CO2 đã được thỏa thuận bán với đơn giá 5 USD/tấn thu về 51,5 triệu USD. Hiện số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tình Bắc Trung Bộ. Trong đó, Thanh Hóa được giải ngân 162 tỉ đồng.

Nhờ đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, muốn khai thác được giá trị mới này từ rừng, ngoài diện tích rừng thì chất lượng rừng cũng là vấn đề Việt Nam cần phải đảm bảo.

Hiện Việt Nam mới dừng lại ở việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới. Và 5 USD/tấn carbon rừng cũng mới là con số khiêm tốn so với thị trường thế giới. Nhưng đây là điểm khởi đầu quan trọng cho quá trình xây dựng và thương mại hóa tín chỉ carbon rừng của Việt Nam. Khi việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng diễn ra thường xuyên, không chỉ người trồng và bảo vệ rừng có thêm nguồn thu, diện tích rừng và chất lượng rừng cũng sẽ được cải thiện.

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Kim Thanh - Sỹ Cường - Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-dam-bao-tinh-ben-vung-cua-tin-chi-carbon-rung-216424.htm