Căn cứ lập hồ sơ giám định lại mức suy giảm khả năng lao động

Ông Lê Chí Bình (Quảng Ninh) làm công việc khai thác mỏ hầm lò, bị tai nạn lao động với tỷ lệ thương tật là 70%.

Theo quy định tại công ty của ông Bình, trường hợp người lao động bị thương tật trên 61% sẽ không được làm việc dưới mỏ hầm lò mà phải chuyển lên làm việc tại mặt bằng. Tuy nhiên, ông Bình nhận thấy sức khỏe vẫn đáp ứng được điều kiện của công việc.

Ông Bình hỏi, ông có thể xin đi khám đánh giá lại sức khỏe để đủ điều kiện làm việc trong môi trường hầm lò được không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 về giám định mức suy giảm khả năng lao động:

"1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;

b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;

c) Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị".

Đề nghị ông Bình căn cứ tình hình bản thân để lập hồ sơ đề nghị khám giám định lại theo quy định pháp luật.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/can-cu-lap-ho-so-giam-dinh-lai-muc-suy-giam-kha-nang-lao-dong-102240408152031637.htm