Căn cứ, dẫn chứng cụ thể chỉ ra hạn chế, yếu kém

Để có căn cứ, dẫn chứng cụ thể giúp chỉ ra những hạn chế, yếu kém để kiến nghị khắc phục, nhất là với các cơ quan tố tụng, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Điện Biên phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhằm khai thác thông tin trung thực, khách quan, có đối chiếu và kiểm chứng phục vụ công tác thẩm tra. Qua đó, Báo cáo thẩm tra của Ban mang tính xây dựng, gợi mở và phản biện, thể hiện được chính kiến của Ban và có những kiến nghị xác đáng, khả thi, là cơ sở quan trọng, gợi mở cho các đại biểu HĐND thảo luận làm sáng tỏ các vấn đề trước khi quyết nghị.

Chủ động phối hợp, tham gia ngay từ đầu

Thực hiện yêu cầu đổi mới của Thường trực HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong quy trình xây dựng chính sách, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, UBND tỉnh tham gia ngay từ đầu trong các giai đoạn, quá trình soạn thảo nghị quyết. Theo đó, từ danh mục nghị quyết dự kiến đã được phê duyệt, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh chủ trì tham mưu có sự phối hợp với các Ban HĐND tỉnh trong các bước xây dựng nghị quyết, họp lấy ý kiến thông qua dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Điện Biên giám sát đầu tư công tại huyện Điện Biên. Ảnh: A. NGUYÊN

Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ động tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu các nội dung thẩm tra được phân công; kịp thời chuyển các tài liệu để thành viên của Ban, đại biểu chuyên trách có thời gian nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, trong trường hợp có ý kiến khác nhau, cần thiết, Ban đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp với UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn của UBND để trao đổi, nghe giải trình những nội dung chưa rõ hoặc còn ý kiến khác nhau trước khi có ý kiến chính thức với UBND tỉnh.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình làm việc với các cơ quan, địa phương liên quan. Thông qua tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo dự thảo nghị quyết. Từ đó, làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu để yêu cầu giải trình, làm rõ nội dung, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời, tổ chức phiên họp Ban để thẩm tra nội bộ, thống nhất nội dung dự thảo báo cáo thẩm tra.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nên công tác thẩm tra được đồng bộ, sát hơn về quan điểm giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo nghị quyết, chất lượng công tác thẩm tra. Các báo cáo thẩm tra về lĩnh vực nội chính tại kỳ họp đã phản ánh kịp thời, đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri; cung cấp thông tin giúp các đại biểu HĐND tỉnh có thêm cơ sở để nghiên cứu, xem xét, thảo luận và quyết định nội dung liên quan tại các kỳ họp.

Khai thác thông tin khách quan, có đối chiếu, kiểm chứng

Theo lãnh đạo Ban pháp chế HĐND tỉnh Điện Biên: trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra, giám sát qua các nhiệm kỳ trước, căn cứ các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết.

Cụ thể như: tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực tế; lựa chọn những vấn đề chưa rõ, cần có cơ sở để đánh giá xác thực, sâu, kỹ. Để có căn cứ, dẫn chứng cụ thể giúp chỉ ra những hạn chế, yếu kém để kiến nghị khắc phục, nhất là với các cơ quan tố tụng (Công an, Tòa án, Cục Thi hành án dân sự), Ban Pháp chế HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan Viện Kiểm sát (có Quy chế phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh) nhằm khai thác thông tin một cách trung thực, khách quan, có đối chiếu và kiểm chứng, thu thập được nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho công tác thẩm tra, đánh giá. Qua đó, Báo cáo thẩm tra khi hoàn thiện mang tính xây dựng, gợi mở và tính phản biện, thể hiện được chính kiến của Ban và có những kiến nghị xác đáng, khả thi, là cơ sở quan trọng, gợi mở cho các đại biểu HĐND thảo luận làm sáng tỏ các vấn đề trước khi quyết nghị.

Đơn cử tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thẩm tra Dự thảo nghị quyết “Quy định về chức danh, việc kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn bản, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh”. Nghị quyết đã được 100% đại biểu HĐND thông qua, cử tri và những người hưởng lợi trực tiếp đồng tình ủng hộ cao.

ANH NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/can-cu-dan-chung-cu-the-chi-ra-han-che-yeu-kem-i363386/