Căn cứ buộc thôi việc đối với công chức

Bạn N.H.T - email:tuyenthang0302@xxx phản ánh: Tôi là một công chức bắt đầu làm việc từ năm 2003. Đến tháng 4.2014 tôi làm đơn xin chuyển công tác đi tỉnh khác (đã được UBND huyện chấp nhận). Nhưng vì lý do công việc đặc thù, phải báo cáo quyết toán song tôi mới đi được. Đến cuối tháng 8.2014, tôi hoàn tất mọi công việc và quyết toán xong. Đến đầu tháng 9.2014, tôi đi liên hệ chuyển công tác. Cho tới mãi tháng 2.2015, tôi vẫn chưa chuyển công tác được, trong thời gian trên tôi không được trả lương. Và trong tháng 2.2015, UBND huyện đã ra quyết định buộc thôi việc, với lý do bỏ nhiệm sở. Tôi bỗng nhiên bị mất việc cho tới giờ. Tôi phải làm thế nào?

Cán bộ công chức phải tuân thủ các quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan.

Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều - Văn phòng luật sư số 6, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời: Theo quy định tại Điều 14, Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật với công chức, thì công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc khi có các hành vi vi phạm pháp luật: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo; sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp; vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức. Để xử lý kỷ luật công chức phải tuân thủ theo các quy định từ Điều 15 đến Điều 20 nghị định trên. Do đó, bạn có thể đối chiếu với các quy định trên để xem mình có thuộc trường hợp bị buộc thôi việc không. Nếu việc xử lý kỷ luật có dấu hiệu không đúng với các quy định trên, bạn có quyền khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật theo Điều 21 Nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Bạn đọc có số điện thoại 0909110xxx gọi đến số đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động hỏi: Tôi là công nhân, đóng BHXH 417.000 đồng/tháng. Vậy khi nghỉ việc, hưởng chế độ BHXH một lần, tôi sẽ nhận được bao nhiêu tiền một tháng?

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014 và Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội, thì nếu bạn chưa có đủ 20 năm đóng BHXH và sau khi chấm dứt HĐLĐ 12 tháng mà không tham gia BHXH ở đâu nữa thì đủ điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Khoản 2, Điều 8, Nghị định 115/2015 quy định: Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Về tiền lương đóng BHXH, theo quy định hiện hành, NSDLĐ hằng tháng được quyền trích trừ từ tiền lương của NLĐ 8% tham gia và Quỹ BHXH, 1% vào Quỹ BHTN, 1,5% vào Quỹ BHYT, tổng cộng 10,5%. Ngoài ra, NSDLĐ phải đóng 22% tiền lương vào Quỹ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Như vậy, số tiền 417.000 đồng là phần đóng của bạn cho các quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Bạn nên căn cứ vào tiền lương đã đóng BHXH hằng tháng và thời gian đã tham gia BHXH của bạn từ năm nào để tính cho chính xác số tiền được nhận khi đủ điều kiện hưởng BHXH một lần.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: tuvanphapluat@laodong.com.vn hoặc đến 51 Hàng Bồ, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Q. Hùng - N. Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/can-cu-buoc-thoi-viec-doi-voi-cong-chuc-613035.bld