CẦN CÓ SỰ SO SÁNH, ĐỐI CHIẾU VIỆC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI HÀ NỘI, ĐÀ NẴNG VÀ TP.HỒ CHÍ MINH

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ sơ kết 03 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh tại phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu cho rằng cần có đánh giá tổng thể, toàn diện về hiệu quả của từng mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện hoặc đang thí điểm thực hiện tại các địa phương, đồng thời cần có sự so sánh, đối chiếu giữa các địa phương để nhận diện các quy định phù hợp chung.

Nhiều kết quả tích cực khi triển khai mô hình chính quyền đô thị

Chính phủ đã có các Báo cáo về Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; Báo cáo Kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Báo cáo Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Theo các báo cáo, tại Đà Nẵng, qua hơn 02 năm triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cơ quan hành chính quận, phường đổi mới cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy tính chủ động, tăng thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường và được đánh giá là hợp lý. Công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân quận, phường ổn định, thông suốt, hiệu quả. Theo kết quả khảo sát cho thấy 62,6% cán bộ, công chức, viên chức các cấp đánh giá tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành từ Ủy ban nhân dân thành phố đến Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân phường là tốt hơn.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, trong gần 03 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá ổn định, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế đạt kết quả bước đầu tích cực, các nguồn lực xã hội được phát huy; các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đặc biệt là thông tin truyền thông và y tế ngày càng phát triển, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho Nhân dân; thực hiện tốt phát triển nguồn lực, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, chăm lo cho gia đình chính sách, việc chỉnh trang và phát triển đô thị đạt nhiều chuyển biến tích cực.

Các đại biểu khách mời tham dự phiên họp

Các đại biểu khách mời tham dự phiên họp

Đối với Hà Nội, khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã góp phần tăng tính chủ động cho các quận, thị xã có năng lực tổ chức triển khai, có nguồn lực tốt. Qua theo dõi, đánh giá, chính quyền các cấp, trong đó có các quận và thị xã Sơn Tây đã thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của thành phố, cũng như quan tâm, đảm bảo các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của dân cư đô thị.

Kể từ khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội vẫn đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức bộ máy cũng như trong hoạt động quản lý nhà nước, hệ thống chính trị hoạt động tốt góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện bài bản.

Cần đánh giá về ưu, nhược điểm của từng mô hình gắn với đặc điểm, bối cảnh cụ thể của từng địa phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban

Cho ý kiến thẩm tra, các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị các Báo cáo của Chính phủ và tán thành với nhiều nội dung trong các Báo cáo. Theo đó, các Báo cáo đã làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc sau 03 năm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cũng như các kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Đồng thời cho rằng, việc Quốc hội cho phép áp dụng các mô hình chính quyền đô thị khác nhau ở các địa phương là để có sự so sánh, đối chiếu nhằm tìm ra mô hình phù hợp, có thể áp dụng một cách rộng rãi, thống nhất trên cả nước. Tuy nhiên, do các Báo cáo của Chính phủ trình bày kết quả sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở mỗi thành phố một cách riêng lẻ, chưa có sự so sánh, đánh giá về ưu, nhược điểm của từng mô hình gắn với đặc điểm, bối cảnh cụ thể của từng địa phương nên chưa có cái nhìn tổng thể, khách quan, toàn diện về những điểm nổi trội, ưu việt của từng mô hình, khó có thể đánh giá, lựa chọn mô hình phù hợp hoặc có những sự điều chỉnh cần thiết.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Do đó, đề nghị Chính phủ, trên cơ sở kết quả sơ kết việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở cả 03 thành phố, cần đề xuất cụ thể phương án, lộ trình tiếp tục thực hiện. Đối với thành phố Hà Nội, thống nhất mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội để quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi). Đối với thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, nếu thấy cần phải có sự điều chỉnh trong các Nghị quyết của Quốc hội để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập thì cần sớm lập hồ sơ đề nghị Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Trường hợp qua tổng kết thấy rằng các nội dung này đã chín, đã đủ cơ sở để áp dụng chính thức, đồng bộ thì lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chính quyền đô thị hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2025).

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng vào thời điểm thích hợp cần nghiên cứu xây dựng luật về chính quyền đô thị. Đại biểu làm rõ, không chỉ có 3 đô thị lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh mà còn nhiều tỉnh/thành khác, thậm chí là các thành phố thuộc thành phố vận hành và quản lý với tính chất như chính quyền đô thị. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất trong cả nước, tạo điều kiện phát triển đồng đều cho các địa phương nhất là những nơi là đô thị loại 1, đô thị đặc biệt cần có luật về mô hình chính quyền đô thị để áp dụng chung thống nhất trong cả nước, trên cơ sở luật hóa các nội dung đã thí điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá tổng thể, toàn diện về hiệu quả của từng mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện hoặc đang thí điểm thực hiện tại các địa phương, cần có sự so sánh, đối chiếu giữa các mô hình đang thực hiện, chỉ ra ưu điểm, hạn chế, bất cập, những điểm phù hợp và không phù hợp, nội dung nào phù hợp với địa bàn này nhưng lại không phù hợp với địa bàn khác

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh đánh giá về mô hình chính quyền đô thị phải gắn với và cái gì thì phù hợp với với cái địa bàn đô thị cụ thể này mà không phải phù hợp với địa bàn khác. Cái vấn đề rất quan trọng phải chỉ ra cái chỗ đó như tôi đã nói là đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nó khác hẳn đô thị Đà Nẵng đấy cũng là đô thị cả nhưng mà nó rất khác nhau, cho nên là cái đánh giá về mô hình chính quyền đô thị phải gắn với từng địa bàn cụ thể để có cơ sở tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, thấy được những điểm phù hợp đối với từng loại đô thị bởi đô thị trực thuộc Trung ương sẽ khác với đô thị thuộc thành phố, thuộc tỉnh, khác với thành phố thuộc thành phố, khác với quận, thị xã; ngay cả cacs thành phố trực thuộc Trung ương cũng có quy mô, tính chất khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm, đối với mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 lần này sẽ đánh giá để luật hóa các quy định phù hợp trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới. Đối với mô hình chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, qua thực tiễn triển khai cho thấy có những vấn đề vướng mắc, do đó, đề nghị có đề xuất đối với việc sửa đổi các nghị quyết để tháo gỡ các vướng mắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành với đa số ý kiến tại phiên họp cho rằng thời gian thực hiện các nghị quyết không còn nhiều, do đó cần tiếp tục triển khai thực hiện để có tổng kết đánh giá toàn diện để từ đó có đề xuất phù hợp. Trong đó, có ý kiến đề nghị xây dựng luật về chính quyền đô thị, có ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định về chính quyền đô thị một cách đầy đủ, cụ thể hơn./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81097