Cần có những quầy sách báo trên tuyến phố đi bộ Bạch Đằng

Thông tin về việc UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất phương án tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng thuộc quận Hải Châu với thời gian bắt đầu từ cuối tháng 4-2024 đến cuối năm 2028 đã tạo được sự quan tâm chú ý của dư luận với tâm thái phấn khởi, háo hức chờ đợi. Bởi nó khẳng định quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc làm mới và nâng cấp các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu người dân và du khách.Những quầy sách báo cũng có thể là một 'phép thử' về thị hiếu du khách trên tuyến phố đi bộ này. Thị hiếu đa dạng thì sách báo cũng cần đa dạng. Sách trẻ em cho độc giả nhí, sách về kỹ năng sống, tiểu thuyết cổ điển với những bản in xưa cũ đã bạc màu thời gian, tiểu thuyết, tản văn theo phong cách hiện đại của các nhà văn trong và ngoài nước. Kể cả sách bằng tiếng nước ngoài. Những cuốn sách ấy du khách có thể mua ở bất cứ đâu, nhưng trong lúc bước chân trên phố đi bộ, họ có thể tiện thể mà mua được cuốn sách mình yêu thích, quyển sách sẽ là điều nhắc nhớ họ về thành phố bên sông Hàn.Dễ đã 10 năm trước, bên bờ sông Hàn lộng mát, đã từng có 4, 5 quầy sách báo hiện hữu, giờ chỉ còn như một hoài niệm. Có dịp đến Paris, bên bờ sông Seine, hay dưới chân đồi Montmartre, du khách thập phương có phút giây sống chậm bên những quầy sách đã có từ hàng trăm năm trước! Đà Nẵng lẽ nào không có được những điểm nhấn trong sinh hoạt tinh thần của thành phố như vậy?

Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng cần có những quầy sách báo như điểm nhấn trong sinh hoạt tinh thần của thành phố. Ảnh: ST

Các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài thành phố cũng đã nhanh chóng loan tin với các đầu đề gợi mở: Đà Nẵng sẽ làm gì trên phố đi bộ đầu tiên ở đường Bạch Đằng? Phố đi bộ tổ chức hoạt động gì? Quy mô và không gian phố đi bộ sẽ được hình dung ra sao…

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc họp bàn với các sở, ngành liên quan, nhắc nhở các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện đề án lưu ý rút kinh nghiệm về tổ chức các dự án phố đi bộ - chợ đêm trước đây, từ đó yêu cầu: quy hoạch phố đi bộ Bạch Đằng phải thể hiện được sự gắn kết tổng thể, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu gắn kết; sản phẩm đưa vào trưng bày phải bảo đảm chất lượng, mang tính đặc trưng vùng miền, tạo sự độc đáo, khác lạ. Tất nhiên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có ý kiến chỉ đạo cụ thể kiên quyết của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo quận, tin rằng hình ảnh những cái bàn nhựa, ghế xếp bày bán cá viên chiên, bán dạo lèo tèo, xe điện trẻ em, bán đồ chơi trẻ em... đầy sân chật bãi sẽ không thể diễn ra. Để đạt được yêu cầu của một phố đi bộ “đẳng cấp”, nhiều nội dung công việc đã được tính đến. Cụ thể như: tổ chức thí điểm các hoạt động đi bộ thư giãn, ngắm cảnh sông Hàn về đêm, trải nghiệm check-in, các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật và các dịch vụ phục vụ du lịch đạt chất lượng cao để phục vụ du khách và người dân. Song song với đó là việc lắp đặt hệ thống âm thanh, chiếu sáng nghệ thuật dọc tuyến phố đi bộ để tăng cường tính thẩm mỹ và tạo cảm giác mở rộng không gian phố đi bộ…

Chắc hẳn thông tin về phố đi bộ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các hộ kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Các cơ quan chức năng cũng đang tích cực chuẩn bị tổ chức đăng ký tham gia đấu giá vị trí lắp đặt ki-ốt, xe bán hàng dọc tuyến phố đi bộ. Và người dân cũng đang háo hức chờ ngày chính thức khai trương. Các bạn trẻ và cả những người cao tuổi, cũng đang háo hức sửa soạn để hòa cùng niềm vui chung, chọn địa điểm check-in, hoặc chọn món ngon ẩm thực… Quả là một cơ hội để tham gia vào hoạt động tinh thần lành mạnh chung của cộng đồng.

Để góp vào những sản phẩm trưng bày trên phố đi bộ, có lẽ các nhà tổ chức không quên việc triển khai những quầy sách báo phục vụ du khách. Rõ ràng là, bên cạnh những quầy hàng ẩm thực, không thể thiếu những ki-ốt quầy lưu niệm và trưng bày sách báo để đáp ứng nhu cầu tinh thần của khách. Như đã lâu, dễ đã 10 năm trước, bên bờ sông Hàn lộng mát, đã từng có 4, 5 quầy sách báo hiện hữu, giờ chỉ còn như một hoài niệm. Có dịp đến Paris, bên bờ sông Seine, hay dưới chân đồi Montmartre, du khách thập phương có phút giây sống chậm bên những quầy sách đã có từ hàng trăm năm trước! Đà Nẵng lẽ nào không có được những điểm nhấn trong sinh hoạt tinh thần của thành phố như vậy? Vẫn biết lâu nay đã từng có những “Ngày sách”, “Tuần lễ sách” theo phong trào, nhưng ki-ốt trên phố đi bộ phải là những quầy sách thường xuyên, không “pha đợt”. Cùng với việc thông báo và huy động các hộ kinh doanh tham gia, thành phố cần huy động chủ các hiệu sách, nhất là các hiệu sách cũ trên địa bàn thành phố tham gia những ki-ốt sách trong phố đi bộ.

Những quầy sách báo cũng có thể là một “phép thử” về thị hiếu du khách trên tuyến phố đi bộ này. Thị hiếu đa dạng thì sách báo cũng cần đa dạng. Sách trẻ em cho độc giả nhí, sách về kỹ năng sống, tiểu thuyết cổ điển với những bản in xưa cũ đã bạc màu thời gian, tiểu thuyết, tản văn theo phong cách hiện đại của các nhà văn trong và ngoài nước. Kể cả sách bằng tiếng nước ngoài. Những cuốn sách ấy du khách có thể mua ở bất cứ đâu, nhưng trong lúc bước chân trên phố đi bộ, họ có thể tiện thể mà mua được cuốn sách mình yêu thích, quyển sách sẽ là điều nhắc nhớ họ về thành phố bên sông Hàn. Cũng cần nói thêm, không thể hấp dẫn như những quầy ẩm thực, nên những món hàng thuộc lĩnh vực tinh thần này cũng cần được quan tâm với chính sách riêng về giá thuê mặt bằng, vị trí… như vậy mới khuyến khích được các hộ kinh doanh sách báo.

Quan tâm đời sống vật chất luôn đi cùng với việc coi trọng đời sống tinh thần. Nguyên lý chung ấy cũng cần được thể hiện qua hình ảnh phố đi bộ Bạch Đằng. Nó như một thông điệp của Đà Nẵng về chủ trương nỗ lực xây dựng một thành phố văn minh và hiện đại.

NẠI HIÊN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202404/can-co-nhung-quay-sach-bao-tren-tuyen-pho-di-bo-bach-dang-3970615/