Cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Sở hữu tàu cá hiện đại, an toàn là niềm mong ước của nhiều ngư dân Quảng Ngãi. Vì vậy, khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành, những ngư dân tiêu biểu trong tỉnh đã mạnh dạn đăng ký tham gia vay vốn đóng mới tàu cá để vươn khơi. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, nhiều 'tàu 67' hoạt động kém hiệu quả, khiến ngư dân gặp khó khăn.

Nhiều tàu hoạt động kém hiệu quả

Gần 6 năm trước, tàu cá vỏ thép đầu tiên của Quảng Ngãi trị giá gần 14 tỷ đồng, được đóng mới từ vốn vay theo Nghị định 67 (NĐ 67) được bàn giao cho ông Võ Văn Hân, ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Thời điểm đó, tàu cá vỏ thép công suất lớn cùng ngư lưới cụ hiện đại là niềm mơ ước của nhiều ngư dân trong tỉnh. Năm đầu tiên, tàu cá hoạt động ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2018, tàu cá vỏ thép của ông Hân cứ vươn khơi là lỗ nên phải nằm bờ. Từ đó, ông Hân không có điều kiện để trả nợ cho ngân hàng, nên phát sinh nợ xấu.

Tàu vỏ thép của ngư dân ở xã Bình Đông (Bình Sơn) đưa ra bán đấu giá để thu hồi nợ cho ngân hàng chỉ bằng 10 - 15% so với giá trị đóng mới ban đầu. Ảnh: MỸ HOA

"Ngoài những nguyên nhân khách quan như nguồn lợi thủy sản giảm, chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán hải sản bấp bênh, thì vẫn có tình trạng một số chủ “tàu 67” có tâm lý ỷ lại. Khi chủ “tàu 67” làm ăn kém hiệu quả, không trả được nợ thì ngân hàng tạo điều kiện trong việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi. Điều này dẫn đến một số chủ “tàu 67” dù làm ăn hiệu quả, nhưng vẫn ỷ lại, không thực hiện trả nợ cho ngân hàng. Bởi chủ “tàu 67” cho rằng, chiếc tàu là tài sản thế chấp, ngư dân vay đến 95%, nên khi phát sinh nợ xấu, chủ tàu sẵn sàng giao tàu cho các tổ chức tín dụng..."

Giám đốc Agribank - Chi nhánh huyện Tư NghĩaNGUYỄN VỤ DUỆ

Tương tự, ngư dân Phạm Tri Thức, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), sau gần 5 năm hạ thủy tàu cá vỏ thép với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, cũng liên tục rơi vào cảnh thua lỗ. “Tàu hành nghề lưới rê, nhưng sản lượng đánh bắt quá thấp, chi phí lại cao, nên chuyến biển nào cũng lỗ tổn, thu nhập thấp dẫn đến lao động có kinh nghiệm đi biển lần lượt nghỉ việc. Tàu nằm bờ nên hư hỏng, xuống cấp. Năm 2020, tôi muốn bán tàu cá vỏ thép này để trả số nợ ngân hàng, nhưng không có người mua”, ông Thức trải lòng. Vì phát sinh nợ xấu, nên mới đây, tàu cá vỏ thép của ông Hân, ông Thức bị các ngân hàng đề nghị thanh lý để thu hồi vốn cho Nhà nước.

Theo các ngân hàng thương mại, khi cho vay đóng mới tàu cá theo NĐ 67, phía ngân hàng mong ngư dân làm ăn hiệu quả và trả nợ đúng hạn. Nhưng càng ngày số lượng "tàu 67" hoạt động kém hiệu quả càng tăng, trong đó có nhiều chủ tàu cá vỏ thép không có khả năng trả lãi.

Trong số 62 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67, thì có 48 chiếc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết. Trong đó, 43 tàu phát sinh nợ xấu với dư nợ gần 167 tỷ đồng; 5 tàu nợ nhóm 2, với dư nợ 89 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã xử lý dự phòng rủi ro 39 tàu, tương ứng hơn 160 tỷ đồng.

Trước thực trạng đó, các ngân hàng thương mại đã cùng với các sở, ngành, địa phương và chủ tàu bàn bạc, nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết hiệu quả. Trong khi đó, tàu cá vỏ thép nằm bờ dài ngày, lại không được duy tu bảo dưỡng định kỳ, nên ngày càng hư hỏng, xuống cấp. Để thu hồi một phần vốn, các ngân hàng buộc phải đấu giá thanh lý tàu. Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho rằng, việc thanh lý “tàu 67” là giải pháp cuối cùng. Dù giá khởi điểm đấu giá, thanh lý chỉ bằng 10% so với tổng mức đầu tư chiếc tàu nhưng vẫn không có người mua.

Giám đốc Agribank - Chi nhánh huyện Tư Nghĩa Nguyễn Vũ Duệ cho rằng, ngân hàng hoàn toàn bị động trong việc triển khai thực hiện phương án thu hồi nợ, vì không thể theo dõi được lịch trình vươn khơi bám biển, cũng như sản lượng khai thác của các chủ tàu. Hơn nữa, ngoài “tàu 67”, ngư dân còn sử dụng tài sản khác để thế chấp vay vốn phục vụ sản xuất. Việc này, ngân hàng giải thích rõ ràng với ngư dân và ngư dân tự nguyện thế chấp, không có sự ép buộc.

Bất cập trong thực thi chính sách

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, NĐ 67 ra đời với mục tiêu vừa giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta. Tuy nhiên, vì chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến nhiều “tàu 67” hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là với tàu vỏ thép. Nguyên nhân là do ngư dân chưa nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của NĐ 67, nguồn vốn đóng tàu là ngư dân vay của ngân hàng, chứ không phải là của Nhà nước cấp. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất và một số chính sách về bảo hiểm, cơ chế thực hiện. Đối với tàu cá vỏ thép sử dụng vật liệu đóng tàu mới, ngư dân chưa có kinh nghiệm trong quá trình sử dụng, thiết kế tàu chưa phù hợp với ngành nghề khai thác, cộng với tàu cá vỏ thép tiêu hao nhiên liệu nhiều, nên chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Nhiều “tàu 67” làm ăn kém hiệu quả, thời gian nằm bờ nhiều hơn vươn khơi. Ảnh: M.HOA

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách hỗ trợ theo NĐ 67 đối với tàu cá vỏ thép chưa kịp thời, là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân đã gặp khó lại càng khó khăn hơn. Theo quy định của NĐ 67, Nhà nước hỗ trợ ngư dân 100% phí bảo hiểm thân vỏ tàu và ngư lưới cụ, nhưng đến khi thực hiện Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung NĐ 67) thì giảm còn 50%. Đặc biệt, NĐ 67 quy định tàu cá vỏ thép được Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng không quá 1% tổng giá trị con tàu, nhưng đến nay không có chủ tàu nào được thụ hưởng.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân thực hiện chính sách chậm là do chưa thiết lập định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép. Vấn đề này, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật duy tu bảo dưỡng tàu vỏ thép, để ngành tài chính có cơ sở hỗ trợ các chủ tàu vỏ thép. Tuy nhiên, từ khi NĐ 67 có hiệu lực đến nay, việc này vẫn chưa được các bộ, ngành liên quan tháo gỡ. Trong khi vì thiếu vốn, nhiều chủ tàu cá vỏ thép phải tự sửa chữa, hoặc bảo dưỡng qua loa, ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của tàu.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Sau khi Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67, một số ngư dân có nhu cầu đã nhờ Chi cục Thủy sản tỉnh giới thiệu những chiếc “tàu 67” sản xuất kém hiệu quả để mua lại. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, khi mua lại “tàu 67”, chủ tàu mới phải “gánh” luôn cả khoản nợ trước đó của chủ tàu cũ. Điều này khiến các “tàu 67”, trong đó có tàu cá vỏ thép không có cơ hội tiếp tục vươn khơi. Vì vậy, Sở NN&PTNT kiến nghị Nhà nước xem xét điều chỉnh những cơ chế chính sách, quy định chưa phù hợp để tạo điều kiện cho chủ tàu cũ có thể chuyển nhượng “tàu 67” cho chủ tàu mới có nhu cầu.

Trong số 11 tàu vỏ thép của Quảng Ngãi thì 9 chiếc hoạt động kém hiệu quả, chỉ có 2 chiếc hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá làm ăn tương đối hiệu quả. Ảnh: M.HOA

Bên cạnh đó, mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp, ngành chuyên môn cần nghiên cứu thay đổi. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ngư dân cải hoán tàu phù hợp với điều kiện đánh bắt trong giai đoạn mới. Bởi lẽ, chi phí thực hiện cải hoán tàu cá vỏ thép để chuyển đổi nghề từ 1 - 3 tỷ đồng, nên hầu hết các chủ “tàu 67” không đủ nguồn lực để đầu tư, mà chỉ bổ sung ngư lưới cụ, rồi hoạt động “kiêm nghề”.

Để xử lý những chủ “tàu 67” phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, tỉnh và các ngành chức năng cần đánh giá và phân loại từng trường hợp cụ thể. Với những chủ tàu làm ăn hiệu quả, nhưng cố tình chây ỳ, không thực hiện trả nợ thì ngân hàng khởi kiện. Đối với những chủ tàu thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí nhiên liệu tăng cao... thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại nên chia sẻ, tạo điều kiện cho ngư dân tái sản xuất thông qua việc khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi...

Giám đốc Sở NN&PTNT HỒ TRỌNG PHƯƠNG

M.HOA - H.HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202203/tau-dong-theo-nghi-dinh-67-can-co-giai-phap-thao-go-vuong-mac-3109474/