Cần có chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

(VOH) - Theo đánh giá của các chuyên gia, tính đến thời điểm này, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Vì vậy, các chuyên gia cũng đề nghị, Chính phủ cần có chính sách để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, gắn với công cụ của ngân hàng trung ương chứ không gắn với ngân hàng thương mại.

Với lạm phát kỳ vọng giữ mức 6 - 7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung và dài hạn. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo đề án của Chính phủ đến năm 2020, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có điều kiện hơn trong xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Tính đến thời điểm này, có thể nói kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khi các chỉ số về kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, kim ngạch xuất nhập khẩu…có sự ổn định hơn năm trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2013 tăng 5,2%, cao hơn so cùng kỳ năm 2012, tồn kho giảm mạnh. Thị trường tài chính, bất động sản tuy chưa khởi sắc, nhưng cũng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn. Tín dụng và cung tiền tăng khá hơn năm 2012, tăng cung tiền tháng 6 ước đạt 7,3%, tín dụng tăng khoảng 4,5%.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn trong giai đoạn tăng trưởng thấp và không thể nóng vội thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, nhận định: "Chúng ta thấy có 2 chỉ số thấp hơn năm 2012 là vốn ngân sách và huy động chứng khoán. Các chỉ sô kinh tế vĩ mô khác đều tăng trưởng hơn so với cùng kỳ 2012. Điều đó có nghĩa là kinh tế 2013 không xấu hơn 2012. Theo tôi CPI chưa thật sự an toàn, ở đây chúng ta thấy lần đầu tiên thu ngân sách 7 tháng đầu năm không đạt, như vậy việc thu ngân sách đang khó thực sự mà khó ở đây là do doanh nghiệp khó".

Với tình hình trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ đây đến cuối năm, chưa nhìn thấy được cơ hội gì rõ nét cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cần phải có tính toán dài hạn hơn, đồng thời Chính phủ cũng cần phải có chiến lược để phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế, việc phát triển khối doanh nghiệp này còn là một phương thức góp phần giảm sự phân hóa giàu nghèo trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, một điều rất đáng tiếc là từ trước đến nay doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta chưa bao giờ được xem là chiến lược phát triển kinh tế. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đề xuất: "Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chúng ta phải tính toán dài hạn hơn trong chiến lược kinh doanh của mình cũng như trong vấn đề thu xếp đầu tư, tài chính. Vấn đề đặt ra là Chính phủ nên xem sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ như một chiến lược về doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình phát triển để đưa ra một hệ thống chính sách phù hợp, trong đó có các chính sách về tín dụng".

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tạo điều kiện thuận lợi để có thể phát triển hơn nữa. Ảnh: SGGP.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn phải chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay. Ngày 17/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định 601 về việc thành lập Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một nỗ lực của Chính phủ trong trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, từ khi thành lập đến nay quỹ vẫn chưa tạo ra lối thoát về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi chưa có những định chế đặc thù. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phân tích: "Tỷ lệ vay mượn chiếm tới hơn 70% trong tổng số vốn hoạt động của các doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi họ không có những công cụ để thế chấp cho ngân hàng. Do đó, việc thành lập một quỹ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều cần thiết để tách khỏi những vấn đề mà lâu nay chúng ta hướng chủ yếu cho các doanh nghiệp lớn".

Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Theo đó, loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển,…Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, cho rằng: "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng ta có thế mạnh là năng động và xoay chuyển nhanh. Nếu như chúng ta tiếp vào cho họ nguồn vốn để đầu tư tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh và chọn phương thức phân phối hợp lý thì doanh nghiệp sẽ tìm được hiệu quả trong hoạt động của mình".

Theo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015, cả nước sẽ có 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu, khoảng 40% GDP và 30% thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì những giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến từng hoạt động cụ thể phù hợp với từng doanh nghiệp là điều cần thiết nhất tại thời điểm này để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể trụ vững và phát triển.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=61756