Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Sáng ngày 27/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) phối hợp với Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Tư vấn kinh tế thuộc Trường Đại học Cần Thơ (đơn vị tư vấn) tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2023.

Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc iPEC, cho biết: “Đây là hoạt động nhằm đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời giúp cho cộng đồng DN tỉnh ngày càng lớn mạnh”.

Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động doanh nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023.

Từ năm 2017-2022, Cà Mau có tổng số 3.122 DN thành lập mới, chiếm 5,38% của vùng ĐBSCL. Riêng trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng DN thành lập mới của ĐBSCL là -19,76%, Cà Mau là -20,20%.

Thống kê số liệu của Tổng Cục Thống kê Việt Nam năm 2023 cho thấy tổng số DN cũng như tốc độ tăng trưởng DN thành lập mới của Cà Mau còn thấp so với trung bình của vùng, nhưng nếu xét theo mật độ DN đang hoạt động năm 2022 bình quân trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thì tỉnh Cà Mau đứng thứ 4 sau TP Cần Thơ, tỉnh Long An, tỉnh Kiên Giang (đạt 6,9 DN/1.000 dân).

Qua khảo sát, mặc dù tỉnh có nhiều tiến bộ trong phát triển DN, tuy nhiên DN tại Cà Mau đa số vẫn là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn yếu. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp nhằm tạo cơ sở khoa học cho các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển DN cho Cà Mau là rất cấp thiết.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN với sự kết hợp từ nhiều phía sẽ đem lại hiệu quả tích cực và nhanh chóng hơn, góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm tại chỗ cho lao động tại địa phương, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, mở rộng đầu tư. Đồng thời, việc phát triển các loại hình DN cũng sẽ góp phần tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế địa phương trong hiện tại và tương lai.

Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó giám đốc iPEC, mong rằng thông qua thảo luận và tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện báo cáo để sớm trình UBND tỉnh.

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã báo cáo 3 chuyên đề: Đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của các DN trên địa bàn tỉnh; đánh giá thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đối với các DN trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả tài chính của các DN tỉnh.

Đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra kiến nghị với DN và các cơ quan quản lý nhà nước như: ổn định kinh tế vĩ mô; cải cách thủ tục hành chính; rà soát lại hoạt động DN; hỗ trợ nguồn vốn; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý DN; khuyến khích đổi mới ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; nâng cao cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông vận tải; tăng cường hoạt động marketing, nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc…

Kết quả khảo sát, đánh giá nói trên có thể trở thành cơ sở thực tiễn cho các chủ DN đánh giá lại tình hình hoạt động của DN, từ đó xây dựng giải pháp kinh doanh; đề xuất một số chiến lược, giải pháp và kiến nghị nhằm giúp cho DN đang hoạt động tại tỉnh Cà Mau có thể nâng cao hiệu quả tài chính của DN.

Thông qua nghiên cứu, hội nghị kỳ vọng các sở, ban, ngành có liên quan sẽ tăng cường hỗ trợ các DN từ các chính sách thuế, chính sách vay vốn ưu đãi… Các DN có thể sớm triển khai các kế hoạch và thực hiện các giải pháp giúp nâng cao hoạt động DN, qua đó đóng góp tích cực và đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Cà Mau./.

Băng Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-co-che-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-a30660.html