Cần chính sách tốt để doanh nghiệp làm chủ công nghệ

Ngành công nghiệp vẫn đang ở giai đoạn gia công, lắp ráp và bắt đầu làm sản phẩm tích hợp. Để có thể làm chủ sản xuất, làm chủ công nghệ, thúc đẩy công nghiệp 'Make in Việt Nam', rất cần những chính sách phù hợp.

Tỷ lệ sử dụng công nghệ tiên tiến còn thấp

Ngày 14.6 diễn ra Hội thảo “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghệ 4.0 năm 2023.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tại đây, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Trung ương Đảng đã xác định công nghiệp công nghệ số là 1 trong 6 ngành công nghiệp hiện đại, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lỗi của công nghiệp, công nghệ số.

Theo dự báo của Tập đoàn Ericsson, vào năm 2025, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, dẫn đầu là các ngành sản xuất thông minh. Hiện tại, 7 quốc gia trong khu vực gồm Australia, Indonesia, Malaysia, NewZealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Việt Nam cũng được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2021 cho thấy, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra nhờ máy móc do con người điều khiển; 20% được làm thủ công; chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn.

Cũng theo Báo cáo của CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2021, chỉ một phần nhỏ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các ngành sản xuất còn rất thấp, ví dụ ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.

"Như vậy, phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đan xen nhiều thách thức", PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đại diện một tập đoàn công nghệ lớn, bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Tập đoàn VNPT) thừa nhận, điểm yếu của các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số nước ta là phải chịu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp số trong khu vực ASEAN. Cùng với đó là mất cân đối sản xuất do phụ thuộc vào thị trường quốc tế; nguy cơ bị thâu tóm khi phục thuộc về đầu tư nước ngoài; hạn chế về khả năng khai phá dữ liệu, chưa làm chủ hoàn toàn các công nghệ khai thác dữ liệu. Lợi thế về nhân công giá rẻ dần suy giảm, kèm theo làn sóng chảy máu chất xám…

CầnNhà nước mạnh, thị trường mạnh

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, phát triển công nghiệp có 3 giai đoạn cơ bản. Đầu tiên là gia công, lắp ráp; tiếp đến là làm sản phẩm tích hợp; cuối cùng là làm sản phẩm, tự chủ một số công nghệ lõi. Ở Việt Nam, công nghiệp vẫn đang ở giai đoạn gia công, lắp ráp và bắt đầu làm sản phẩm tích hợp, nhưng ba năm qua, lĩnh vực công nghệ đã chứng kiến sự khởi sắc. Các doanh nghiệp Việt đã chủ động xác định thị trường phù hợp, phân khúc phù hợp và có bước đầu tư công nghệ bài bản lâu dài.

Ông Nghĩa lấy ví dụ, Toyota mất 34 năm, Hyundai mất 28 năm sản xuất mới làm chủ được động cơ ô tô. Do đó, các doanh nghiệp Việt muốn làm chủ sản xuất làm chủ công nghệ thì rất cần chính sách phù hợp và cần được Chính phủ, bộ, ngành ủng hộ và thúc đẩy trong thời gian tới.

Cùng mong muốn, đại diện VNPT cho rằng, phát triển công nghiệp công nghệ số nhanh và bền vững cần có sự kết hợp giữa tự cường và hợp tác quốc tế, kết hợp giữa Nhà nước mạnh và thị trường mạnh. Doanh nghiệp công nghệ số phải là trung tâm, lấy chất lượng và thương hiệu “Make in Việt Nam” làm nền tảng, nhân lực tài năng là then chốt.

Từ đó, bà Phan Thị Thanh Ngọc đề xuất 5 nhóm chính sách để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam; chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam; xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; thu hút vốn đầu tư FDI; và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Bên cạnh chính sách ưu đãi đặc thù cho cho doanh nghiệp công nghệ số như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi vay vốn... cũng cần có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam thông qua các tiêu chí thống nhất cho các nền tảng chuyển đổi số quốc gia hay các nguyên tắc, tiêu chí xác định các nền tảng số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài...

Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy đề xuất, các doanh nghiệp nhà nước nên tập trung làm những nền tảng, hạ tầng số mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, tạo bệ phóng cho người dân và doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành cần tập trung xây dựng thể chế chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn đối với phần mềm do tư nhân phát triển, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghệ của người Việt.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-chinh-sach-tot-de-doanh-nghiep-lam-chu-cong-nghe-i332542/