Cần chính sách cho doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế.

Với nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất xanh, tuần hoàn vẫn đang là ước mơ. Ảnh minh họa: V.Gia

Đối với các doanh nghiệp (DN), không sớm thì muộn, việc cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng thông qua nhiều giải pháp, trong đó có kinh tế tuần hoàn là điều bắt buộc. Tuy nhiên, hiện các DN gặp những khó khăn nhất định, cần có hành lang pháp lý, chương trình hỗ trợ hiệu quả hơn.

* Ứng dụng công nghệ để phát triển bền vững

Tại Công ty Ajinomoto Việt Nam, việc đẩy mạnh các hoạt động theo kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện trong những năm qua. Từ tháng 2021, Ajinomoto Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam nhằm chung tay xây dựng và phát triển hệ thống tuần hoàn cho vật liệu bao bì. Theo đó, công ty đặt các biểu tượng “tái chế” trên bao bì để khách hàng nhận thức được rằng bao bì có thể tái chế.

Phó tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam Hoàng Văn Quốc Chương cho hay, đơn vị tối ưu hóa việc tuần hoàn sử dụng nước trong quy trình trao đổi nhiệt. Đưa vào vận hành hệ thống tháp giải nhiệt và hồ chứa nước riêng ngay trong khuôn viên nhà máy nhằm sử dụng tuần hoàn lượng nước làm mát hệ thống máy móc. Ajinomoto Việt Nam đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho máy móc ứng dụng công nghệ xử lý vi sinh hiện đại để giải quyết lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Theo các chuyên gia, các thách thức về nguồn lực đầu tư, nhân lực, công nghệ đang là điểm yếu của đa số DN, bởi sản xuất bền vững đòi hỏi sự đầu tư dài hơi, không phải DN nào cũng đủ năng lực thực hiện ngay.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm GC (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) Nguyễn Văn Thứ chia sẻ, việc tiết giảm chi phí sản xuất thông qua ứng dụng kinh tế tuần hoàn rất quan trọng. Vì thế, 2 nhà máy sản xuất thạch dừa ở Khu công nghiệp Hố Nai và nha đam ở tỉnh Ninh Thuận luôn được kiểm soát chặt chẽ về năng suất, chất lượng. Điều này giúp giảm lãng phí nguyên liệu tại công đoạn xử lý nguyên vật liệu từ 2,5% xuống còn 2%. Sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó có thể bù đắp được các hạng mục có phát sinh thêm chi phí.

Cùng với chế biến sản phẩm trong nhà máy, tại Trang trại Nắng và Gió của Công ty CP Thực phẩm GC, toàn bộ những cành nho, cành táo… được dùng làm thức ăn cho dê, cừu. Đất khó canh tác được tận dụng trồng cỏ làm thức ăn cho bò, dê, cừu. Nguồn phân chuồng được sử dụng nuôi trùn quế hoặc phối trộn với vỏ, lá nha đam để ủ thành phân hữu cơ, qua đó tạo thành mô hình khép kín. Do vậy, DN vừa có sản phẩm cây trái tươi chất lượng bán ra thị trường quốc tế, vừa có sản phẩm chế biến đạt được các chứng nhận quan trọng của quốc tế.

* Cần chính sách rõ ràng, minh bạch

Tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự kết hợp liên ngành và tham dự của nhiều thành phần trong xã hội. Bên cạnh việc DN phải nỗ lực còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, để các DN thuận lợi trong phát triển kinh tế tuần hoàn cũng cần chính sách rõ ràng, minh bạch.

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư), kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng ở Việt Nam nhưng mức độ vẫn chưa cao. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác quốc tế và tuyên truyền để DN biết rõ và triển khai. Thời gian qua, Chính phủ đã lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia như: tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nhưng trong quá trình triển khai phát sinh nhiều vấn đề mà luật, nghị định chưa đề cập tới, khiến DN gặp ách tắc.

Đồng tình với quan điểm trên, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Hồng Quân nhận xét, thành công của các sáng kiến cộng sinh công nghiệp phần lớn phụ thuộc vào môi trường chính sách. Theo ông Quân, vai trò dẫn dắt của Nhà nước hết sức quan trọng, cần lồng ghép vào chiến lược phát triển của địa phương. Từ đó, DN có được định hướng và chương trình, lộ trình thực hiện phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Thế Nam, chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa 2, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và công nghệ), nhận định Đồng Nai có quy mô sản xuất lớn và DN đông nên phát triển kinh tế tuần hoàn, cải tiến năng suất, chất lượng là vô cùng cần thiết. Khi có nhu cầu, các DN có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm để tiếp cận những chương trình hỗ trợ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải từ bản thân chủ DN nhận ra tính cấp thiết, cần thay đổi.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/can-chinh-sach-cho-doanh-nghiep-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-e956a6e/