Cần chế tài đủ mạnh

Thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tỉ lệ số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2016 chiếm 3,75%, đến năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69%, song về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng tăng qua từng năm, đến năm 2023 đã lên đến trên 13.000 tỉ đồng.

Ảnh minh họa.

Theo pháp luật hiện hành, hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật BHYT, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định.

Tuy nhiên, tại cả Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT; chưa quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng BHXH. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng BHXH đã được quy định tại các Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng, do vậy, không có cơ sở xác định lỗi để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, cho việc xử lý hình sự.

Thực tế, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt. Trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định...

Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng BHXH nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên. Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng BHXH là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác.

Thực tiễn triển khai, cơ quan BHXH không có khả năng, công cụ để xác định được các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối. Cũng như không dễ để có thể xác định một doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT có sự “gian dối” hay chỉ là nợ vì khó khăn khách quan. Do vậy, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp và chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.

Người lao động kỳ vọng, Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ khắc phục bất cập của việc tổ chức thực hiện luật hiện hành vì được chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng, xử lý chậm đóng, xử lý trốn đóng, để phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, qua đó có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động luật sửa đổi cần có chế tài “mạnh tay” hơn nữa đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Cụ thể, các trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn, tránh đóng, chậm đóng BHXH sẽ không được tham gia đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị bằng nguồn vốn của Nhà nước; không được tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi; không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo cho người lao động...

Đồng thời, hành vi trốn đóng BHXH cần được bổ sung thành quy định mới trong Luật BHXH sửa đổi và có chế tài hình sự riêng. Có như vậy mới xử lý đúng, trúng, nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm trong trách nhiệm đóng BHXH.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-che-tai-du-manh-post474627.html