Cận cảnh hoạt động của nhân viên chạy tàu

Những nhân viên chạy tàu ga xe lửa bất kể mưa nắng, ngày đêm đều phải tác nghiệp, trách nhiệm, áp lực đảm bảo an toàn luôn thường trực...

Để lập tàu, tổ chức chạy tàu, tại các ga xe lửa lập tàu phải có các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu gồm các chức danh: nhân viên điều độ chạy tàu ga; trực ban chạy tàu; trưởng dồn; nhân viên gác ghi; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe. Theo luật, các nhân viên này phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh. Khi thực hiện nhiệm vụ, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm theo từng chức danh, đồng thời phải tuân theo quy trình, quy tắc kĩ thuật của từng ga (Ảnh: Trực ban chạy tàu ga Hà Nội làm tín hiệu đón tàu khách vào ga).

Ông Vũ Thế Anh, Đội trưởng Đội Chạy tàu ga Hà Nội cho biết, tùy từng ga lập tàu mà đội hình chạy tàu khác nhau. Với ga Hà Nội là ga hạng I, đội hình lên ban khoảng 14 người, trong đó đội trưởng kiêm nhân viên điều độ, điều hành chung việc thực kế hoạch lập, giải thể, đón, tiễn tàu và dồn dịch toa xe. Có ba trực ban chạy tàu gồm: trực ban kế hoạch, trực ban ngoài, trực ban đường, còn lại là nhân viên ghép nối, gác ghi."Để tổ chức chạy tàu, đảm bảo an toàn cần cả dây chuyền thống nhất. Mỗi chức danh lại có trách nhiệm, áp lực riêng, người ở hiện trường thao tác nhầm hoặc không chuẩn chỉ thì đầu máy, toa xe có thể trật khỏi đường ray, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Còn trong phòng điều hành chạy tàu, nếu trực ban kế hoạch thao tác trên đài khống chế (ấn nút điều khiển tín hiệu tự động) nhầm, sẽ có nguy cơ hai tàu đâm nhau, hậu quả sẽ vô cùng lớn. Vì vậy, anh em phải tự giác tuân thủ chặt quy trình tác nghiệp, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thời tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau để tăng cường đảm bảo an toàn", ông Thế Anh cho hay.

Anh Phan Trung Kiên, trực ban chạy tàu ga Hà Nội cho biết, một ban làm việc 12 tiếng, ban sáng từ 6h00, ban đêm từ 18h00. Nhưng anh em phải có mặt trước nửa tiếng để giao ban, đội trưởng phổ biến tình hình, phân công công việc. 12 tiếng đó không có quy định thời gian nghỉ, trừ lúc ăn ca. Hơn nữa, đặc thù ga Hà Nội mỗi ban thực hiện hơn 100 cú dồn, đón tiễn tàu chủ yếu vào ban đêm với hơn 30 chuyến tàu nên cũng chẳng có thời gian nghỉ kéo dài (Ảnh: Trực ban Phan Trung Kiên nhấn nút thao tác trên đài khống chế).

Trực ban kế hoạch lúc thì nhận điện thoại báo kế hoạch tàu, lúc thì báo tàu sắp qua cho gác chắn đường ngang, rồi báo cho gác ghi tác nghiệp quay ghi, đón tiễn tàu và cả xác báo, xác nhận với các bộ phận liên hiệp trong khu ga như khám chữa toa xe theo quy định.

Nhân viên gác ghi thực hiện đóng/mở ghi cho đoàn tàu, đoàn dồn vào đường ga số mấy theo yêu cầu của trực ban ga, đồng thời quan sát, đảm bảo qua ghi an toàn. Anh Đặng Văn Tiến (quê Thái Bình), mới làm gác ghi, móc nối tại ga Hà Nội hơn một năm. Anh chia sẻ, đã làm nhiều việc trước khi quyết định làm nhân viên đường sắt. Công việc tuy ổn định, nhưng mức lương còn thấp so với áp lực công việc và mức sống ở Thủ đô. Như anh, khoảng 6,7-6,8 triệu đồng/tháng, nếu không được đơn vị tạo điều kiện ở nhà lưu trú thì sẽ rất khó khăn khi phải thuê nhà.

Nhiệm vụ của nhân viên gác ghi không chỉ quay ghi, mở đường mà trước khi tàu, đoàn dồn đến phải quan sát đường thực sự thông thoáng, không có chướng ngại chưa. Khi tàu qua, lại tiếp tục quan sát xem có vấn đề gì uy hiếp an toàn chạy tàu không để kịp thời báo lái tàu, trưởng tàu dừng tàu kịp thời.

Trực ban ngoài có nhiệm vụ làm việc với trưởng tàu và các thủ tục để cho tàu chạy, kiểm tra đường, đón, tiễn tàu; kiểm tra, giám sát gác ghi. Còn trực ban đường phải kiểm đếm các toa xe trong ga, sau đó trên cơ sở kế hoạch lập tàu, làm các phiếu dồn để tổ dồn thực hiện, cụ thể như cắt toa xe hoặc ghép toa xe số hiệu nào vào tàu nào, ở đường số mấy, thứ tự các toa xe... Cùng đó giám sát, đôn đốc công tác dồn ở hiện trường, một mặt đảm bảo công việc được thực hiện đúng quy trình tác nghiệp, đảm bảo an toàn, một mặt xử lý ngay nếu phát sinh điều chỉnh để thông suốt (Ảnh: Trực ban ngoài sau khi đón tàu, phải quan sát quá trình tàu vào ga xem đảm bảo an toàn không).

Anh Phan Trung Kiên, đã hơn 10 năm làm nghề chạy tàu, trải qua nhiều chức danh cho hay, nhân viên dồn dịch, ghép nối giữ vai trò quan trọng trong thực hiện kế hoạch dồn dịch. Công việc này vất vả do phải thường xuyên leo lên, leo xuống, đu bám toa xe. Chưa kể với toa xe khách phải thêm tác nghiệp tháo cúp lơ điện, treo ở vị trí cố định, sao cho không rơi xuống khi toa xe dịch chuyển, gây mất an toàn. Dịp lễ, Tết, tàu đông, phải giải thể, lập tàu nhiều nên khối lượng công việc, áp lực càng lớn. (Ảnh: Nhân viên ghép nối, dồn dịch đu bám đầu máy, toa xe quan sát, làm tín hiệu).

Trưởng dồn thường ở vị trí đầu máy, quan sát phía trước, phía sau, nhận tín hiệu từ nhân viên ghép nối để làm tín hiệu cho lái tàu thực hiện tác nghiệp.

Nhân viên ghép nối phải đu bám toa xe, quan sát trước, sau, làm tín hiệu an toàn với trưởng dồn.

Ngay cả khi đầu máy, toa xe, đoàn xe đã qua ghi, nhân viên gác nghi vẫn phải tiếp tục quan sát, đảm bảo đã an toàn và thực hiện đúng kế hoạch chạy tàu, dồn dịch.

Thanh Thúy

Tạ Hải

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-canh-hoat-dong-cua-nhan-vien-chay-tau-192240310110450604.htm