Cận cảnh hiện trường vụ khai thác gần 500 tấn đá thạch anh trái phép tại Nghệ An

Lợi dụng việc cải tạo ao, ruộng cho người dân, V.V.S (trú tại huyện Quỳ Hợp) đã khai thác trái phép gần 500 tấn đá thạch anh trên địa bàn xã Châu Hoàn huyện Quỳ Châu. Sự việc sau đó đã được lực lượng chức năng Nghệ An phát hiện và bắt giữ.

Sáng ngày 6/3/2024, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt và ghi lại một số hình ảnh hiện trường vụ khai thác gần 500 tấn đá thạch anh trái phép tại bản Liên Minh xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An.

Video cận cảnh hiện trường khai thác đá thạch anh trái phép tại xã Châu Hoàn huyện Quỳ Châu

Đường dẫn lên điểm khai thác đá trái phép, tính từ đường lớn đi vào khoảng hơn 1km, chiều rộng khoảng 3m, nhiều đoạn dốc 45 độ. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trước đó, theo báo cáo giải trình của UBND xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, vào ngày 1/2/2024, UBND xã Châu Hoàn nhận được phản ánh của người dân về việc có người tập kết đá trái phép trên địa bàn xã. Qua kiểm tra xác minh tại hiện trường, phát hiện nhiều viên đá có hình dạng khác nhau, màu trắng xám được chất thành một đống (khoảng 6-7 khối) tập kết tại bãi đất trống bên tuyến đường liên xã bản Liên Minh đi bản Nật Trên, xã Châu Hoàn. Xác minh sự việc, xã Châu Hoàn xác định thời gian qua, anh V.V.S trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp đã đưa máy lên đào ao, đào ruộng cho ông Lô Văn Huỳnh sinh năm 1950, trú tại bản Liên Minh.

Nhiều dấu vết đào bới tìm kiếm đá thạch anh còn mới. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trong quá trình đào ao, ruộng, đường keo thì phát hiện có đá thạch anh, S. đã gom về tập kết để vận chuyển đi tiêu thụ. Đối với số đá trên, UBND xã đã lập biên bản và giao cho Ban quản lý bản Liên Minh tạm thời trông coi, quản lý.

Những viên đá không có giá trị được các đối tượng vứt ngổn ngang lại bên đường. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Qua quá trình xác minh của lực lượng chức năng, ông Lô Văn Huỳnh cho biết, bản thân đã vào làm lán chòi và khai hoang được 10 đám ruộng nhỏ, 1 ao cá từ năm 1987. Đến năm 2002 khi có chủ trương giao đất theo Nghị định 163/NĐ-CP vì có ruộng, lán chòi và ao cá, ông đã xin được giao cho gia đình khu vực đó (thửa đất số 83, tờ bản đồ số 02). Diện tích thửa đất được giao là 63.255m2 thuộc khu vực khe Pùng mang tên con trai ông là Lô Văn Tới. Trong quá trình khai hoang, bên dưới ruộng có những viên đá to, bản thân ông cũng không biết là loại đá gì, rất khó khăn trong việc canh tác. Đến ngày 29/01, ông Huỳnh có thuê anh V.V.S đưa máy vào cải tạo ao ruộng. Quá trình cải tạo, anh S. có xin đào lấy đi các viên đá nằm dưới ruộng và không lấy tiền thuê máy cải tạo lại ruộng

Khu vực ao, ruộng của ông Lô Văn Huỳnh được các đối tượng dùng máy múc cày xới tìm đá thạch anh. Ảnh: Tuấn Quỳnh

UBND xã Châu Hoàn đã nhắc nhở ông Lô Văn Huỳnh và V.V.S, việc tự ý thu gom đá trong quá trình cải tạo ao, ruộng mà không được sự cho phép của cấp có thẩm quyền là sai quy định của pháp luật. Với số lượng ít và lần đầu vi phạm, nên UBND xã chỉ nhắc nhở. Nếu không chấp hành còn cố tình vi phạm thì UBND xã sẽ xử lý theo quy định tại điều 43 Nghị định 36/ 2020 NĐ-CP của Chính phủ.

Không biết giá trị của đá thạch anh, người dân nơi đây thường nhặt về số lượng ít về đập ra xây bờ rào. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Đến ngày 20/02/2024, lực lượng chức năng xã Châu Hoàn tiếp tục kiểm tra, lập biên bản lần 2, yêu cầu tổ chức cá nhân, hộ gia đình chấm dứt hoạt động thu gom đá trong quá trình cải tạo ao, ruộng và đào đường keo chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đến đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23/02/2024 thì V.V.S lén vận chuyển đá đi trái phép ra khỏi địa bàn và bị bắt tại xã thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An.

Lợi dụng vào dịp lễ tết Giáp Thìn 2024, các đối tượng đã đưa máy xúc đào bới, tập kết đá và vận chuyển đá trái pháp luật. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trước đó, như Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã đưa tin, ngày 22/2, trên Quốc lộ 1A thuộc phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, cơ quan công an tiến hành kiểm tra xe ô tô đầu kéo, kéo theo rơ moóc do tài xế L.M.K (SN 1988, trú huyện Nghĩa Đàn) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 83 tấn đá thạch anh thô, tuy nhiên tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Số lượng đá thạch anh khai thác trái phép thu giữ tại bãi tập kết khoảng hơn 400 tấn.

Qua mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định số đá được vận chuyển nói trên là của V.X.T (SN 1991, trú xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) mua của V.V.S (SN 1992, trú xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) sau đó thuê K. vận chuyển đi tiêu thụ.

Kiểm tra tại khu vực tập kết đá của V.V.S thuộc xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Nghệ An phát hiện thêm hơn 400 tấn đá thạch anh thô. Làm việc với lực lượng chức năng, đối tượng S. khai nhận toàn bộ số đá nói trên được S. khai thác trái phép.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất,…Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của nhân dân. “Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

Thiết nghĩ nếu làm tốt được những vấn đề trên thì các đối tượng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép sẽ không thể ‘tự tung, tự tác’ khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép với khối lượng lớn như vậy được. Chiều ngày 6/11/2023, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề kiểm soát việc khai thác khoáng sản trái phép: Vừa qua Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT kiểm tra việc cấp phép, giám sát việc khai thác khoáng sản và khoáng sản là vật liệu xây dựng ở các địa phương. Trong khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương có vai trò lớn trong kiểm tra, giám sát vì khoáng sản nằm trên địa bàn, khai thác chở bằng ô tô và chạy trên đường. Nhưng qua khám phá các vụ án về khai thác khoáng sản thì có liên quan đến cán bộ địa phương, có hệ thống "bảo kê" cho việc này. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương, các ngành, các cấp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong việc này và xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.

Tuấn Quỳnh - Phan Quý

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/can-canh-hien-truong-vu-khai-thac-gan-500-tan-da-thach-anh-trai-phep-tai-huyen-quy-chau-85902.html