Cận cảnh ảnh lạ các bệnh về mắt

Bạn đã bao giờ nhìn thấy hình ảnh về bệnh bong võng mạc, điểm vàng, tăng nhãn áp hay màng bồ đào... cận cảnh như thế này chưa? Vì sao trẻ thông minh thường có mắt sáng? 6 gợi ý giúp ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ

Mắt là cơ quan thị giác, gồm 2 con mắt có kích thước nhỏ. Mỗi con mắt là một khối cầu dai có đường kính chừng 2,5 cm.

Tăng nhãn áp là một căn bệnh nhãn khoa phổ biến do áp suất trong mắt tăng cao, thường gặp ở những người ở lứa tuổi trung niên. Đây là bệnh lý phức tạp, nguy hiểm, và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa vĩnh viễn, đứng thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể.

Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa. Bệnh này là do những thay đổi vật lý trong các thành phần của thủy tinh thể gây đục.

Điểm vàng hay hoàng điểm là bộ phận nằm ở vùng trung tâm của võng mạc giúp ta nhận biết độ sắc nét, màu sắc và độ rõ của hình ảnh. Tình trạng hoàng điểm bị thoái hóa gây mất thị lực ở vùng trung tâm gọi là bệnh thoái hóa điểm vàng AMD. Có hai dạng thoái hóa: dạng thoái hóa khô, chiếm khoảng 90% và dạng thoái hóa ướt, chỉ chiếm 10% nhưng lại là nguyên nhân của 90% tình trạng mất thị lực nặng.

Bong võng mạc xảy ra khi trên võng mạc có một hoặc nhiều lỗ rách, được hình thành do sự co kéo của một chất keo trong mắt. Căn bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường gặp nhất ở người trung niên và cao tuổi, người bị cận thị, chấn thương hoặc có thân nhân từng bị bong võng mạc. Nếu không được điều trị kịp thời, bong võng mạc sẽ dẫn đến mù lòa.

Người bị đau mắt đỏ bị đỏ ở một hoặc cả hai mắt và bị chảy chất dịch. Chất dịch có thể có màu trong và loãng (như nước mắt) hoặc ở dạng mủ màu trắng hoặc màu vàng. Mí mắt có thể bị dính vào nhau sau khi ngủ. Đôi khi mắt bị ngứa hoặc bị đau. Một số vi-rút và vi khuẩn gây mắt đỏ cũng gây ra sốt, ho, và viêm lỗ tai.

Màng bồ đào gồm có 3 thành phần từ trước ra sau gồm: Mống mắt, thể mi, và hắc mạc. Viêm màng bồ đào là bệnh mắt phổ biến, thường có những tổn thương nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát, khó xác định nguyên nhân. Nhiều trường hợp dẵn đến mù lòa.

Dị ứng mắt thường xảy ra trên người có cơ địa dị ứng kèm theo các loại bệnh dị ứng khác của cơ thể. Khi bị dị ứng, mắt của bạn trở nên nhạy cảm quá mức với một số chất, mặc dù có thể những chất đó không phải là tác nhân gây hại. Dị ứng làm khởi phát một số triệu chứng, như viêm kết mạc (đỏ mắt) và hen suyễn.

Lẹo là bệnh nhiễm khuẩn cấp có mủ không lan rộng của một hay nhiều tuyến zeis hay moll (lẹo phía ngoài); hoặc của các tuyến meibomius (lẹo trong mi mắt) do tụ cầu khuẩn gây nên. Triệu chứng: đau đỏ, ấn đau bờ mi, sau hóa cứng; chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có dị vật ở mắt.

Bệnh giác mạc hình nón – là bệnh thoái hóa giác mạc không mang tính viêm nhiễm, sự thay đổi mức độ ổn định về sinh – hóa giác mạc dẫn đến việc làm cho giác mạc trở nên mỏng hơn và có dạng hình nón.

Viêm bờ mi là một tình trạng thường gặp và hay tái phát, xảy ra khi các chất dầu kèm vi khuẩn đóng bám vào bờ mi mắt, quanh chân lông mi làm bờ mi bị viêm, tấy. Tình trạng khó chịu này làm mắt bị kích ứng, ngứa, đỏ, nóng rát, châm chích. Mặc dù nguồn gốc bệnh chưa được hoàn toàn hiểu rõ, người ta nhận thấy, viêm bờ mi thường liên quan đến bội nhiễm vi khuẩn, các triệu chứng khô mắt hoặc một số bệnh ngoài da như mụn trứng cá đỏ.

Chắp (Chalazion) là bệnh của một loại tuyến nhỏ ở viền mi mắt. Các tuyến này do nhà cơ thể học người Đức Heinrick Meibom tìm ra vào thế kỷ thứ 17 vì thế được gọi là tuyến meibom. Tuyến tiết ra chất nhờn. Khi bị viêm vì dị ứng, tuyến sẽ sưng lên và gọi là chắp.

Viêm loét giác mạc (VLGM) là một bệnh rất nguy hiểm vì nó sẽ để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua và làm mất một phần hoặc toàn bộ thị lực. Giác mạc là một mảnh mô trong suốt nằm phía trước con ngươi. VLGM là khi giác mạc bị trầy và nhiễm trùng. Giác mạc có thể bị nhiễm trùng do nhiều nguyên nhân: vi khuẩn, nấm, amip và virus.

Võng mạc tiểu đường là một căn bệnh rất phổ biến ở những bệnh nhân tiểu đường typ 1 và typ 2. Bệnh võng mạc đái tháo đường là bệnh lý vi mạch máu ảnh hưởng đến các tiểu mạch võng mạc trước mao mạch, mao mạch và các tiểu mạch. Nếu không điều trị kịp thời và kiên trì theo đúng phác đồ, võng mạc tiểu đường thường dẫn đến mù mắt.

Lác là khi ta nhìn vật nào đó, hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia. Có thể lệch vào trong gọi là lác trong, lệch ra ngoài gọi là lác ngoài, hoặc lệch lên trên gọi là lác đứng trên, lệch xuống dưới gọi là lác đứng dưới. Lác xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ ngoại nhãn của mắt, làm cản trở sự phát triển thị giác hai mắt và có thể ảnh hưởng đến thị lực, đồng thời cảm nhận chiều sâu - khả năng định vị một vật nào đó trong không gian 3 chiều – có thể mất thị giác hai mắt.

Ruồi Bay Trước Mắt là những chất lắng đọng hoặc chất cô đọng ở trong dịch keo dạng thủy tinh của mắt. Thuật ngữ "Eye floaters" thường dùng để mô tả sự nhìn thấy những đốm bay trong tầm nhìn khi người ta nhìn xung quanh. Các đốm bay này có thể là những đốm, những đường thẳng hay cong,những sợi dây, hoặc những vòng cong dạng chữ "O" hoặc chữ "C". Các đốm bay có thể hiện diện trong một hay cả hai mắt. Đa số bệnh ruồi bay trước mắt là do sự thay đổi về lão hóa một cách bình thường bên trong mắt.

Viễn thị là một tật liên quan đến khúc xạ ở mắt. Người bị viễn thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly xa, song không nhìn rõ những mục tiêu ở cự ly gần. Nguyên nhân của viễn thị là giác mạc dẹt quá hoặc trục trước - sau của cầu mắt ngắn quá khiến cho hình ảnh không hội tụ ở đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía sau võng mạc.

Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với những mục tiêu ở cự ly xa nếu mắt không điều tiết. Nguyên nhân của cận thị là do giác mạc vồng quá hoặc do trục trước - sau của cầu mắt dài quá khiến cho hình ảnh không hội tụ đúng võng mạc như mắt bình thường mà lại hội tụ ở phía trước võng mạc.

Loạn thị là một tật về mắt liên quan đến khúc xạ. Ở mắt bình thường, các tia hình ảnh sau khi đi qua giác mạc thì được hội tụ ở một điểm trên võng mạc. Nhưng ở mắt loạn thị, các tia hình ảnh lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho người loạn thị thấy hình ảnh nhòe, không rõ. Nguyên nhân của loạn thị là giác mạc có hình dạng bất thường khiến khả năng tập trung ánh sáng của giác mạc bị giảm đi.

Bệnh mù màu (rối loạn sắc giác) là hiện tượng vẫn nhìn rõ mọi vật, nhưng không phân biệt được màu sắc. Chứng này không ảnh hưởng đến khả năng sống của người mắc bệnh, những người bị bệnh vẫn có thể sinh sản bình thường, vì vậy gen bệnh có khả năng lan rộng trong dân cư.

Thường xuyên khám mắt. Phát hiện sớm có khả năng chữa khỏi các bệnh về mắt. Khi đi ra ngoài, đeo kính râm để bảo vệ mắt ra khỏi tia UV và tránh được bệnh đục nhãn mắt.

HL

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/gallery/khoe-tin-tuc/201306/Can-canh-anh-la-cac-benh-ve-mat-910019/