Cán bộ xem và tham gia hầu đồng có bị coi là vi phạm?

Mới đây mạng xã hội lan truyền video clip với nội dung được cho là “một cán bộ của Bộ Y tế tham gia hầu đồng”. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh clip này. Hôm qua, 10.10, Bộ Y tế khẳng định thông tin trên là chưa chuẩn xác. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là “hầu đồng có phải mê tín, dị đoan” và “cán bộ tham gia hầu đồng, hoặc xem hầu đồng có vi phạm những điều bị cấm? Lao Động đã tìm hiểu vấn đề này qua ý kiến các chuyên gia.

Cảnh trong vở diễn “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú.

Nghi lễ chầu văn, hầu đồng là di sản văn hóa

Nghi lễ chầu văn, hầu đồng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được gửi hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hầu đồng cũng đã được đưa lên sân khấu, phim ảnh. Nhưng do có những biến tướng, trục lợi, nên lâu nay vẫn có nhiều người đồn thổi, che phủ hầu đồng bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc, gán ghép với mê tín dị đoan.

Trước câu chuyện về quan chức hầu đồng cầu thăng quan tiến chức đang gây ồn ào dư luận, có một sự kiện văn hóa cũng liên quan đến hầu đồng, nhưng ít được để ý: Nhiếp ảnh gia người Mỹ Tewfic El-Sawy xuất bản cuốn sách ảnh “Hầu đồng - The spirit mediums of Vietnam” sau hơn 2 năm thu thập tài liệu. Tháng 11 tới, Tewfic El-Sawy sẽ đến Hà Nội để giới thiệu cuốn sách này.

GS-TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng dân gian - cho biết: “Lâu nay người ta cứ đồn thổi hầu đồng, cho rằng nó ghê gớm lắm và che phủ nó bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc. Song nhiều cuộc hội thảo khoa học đã khẳng định đây là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt, xuất phát từ tín ngưỡng thờ mẹ. Đạo Mẫu là một nét văn hóa rất hay, rất gắn bó với cộng đồng, coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ. Đạo Mẫu thờ Thánh mẫu và các vị thần, hầu hết là những nhân vật lịch sử, có công với dân tộc… Hầu đồng là một nghi lễ rất điển hình của đạo Mẫu. Nói một cách đơn giản đó là một hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với những lời ca, điệu múa uyển chuyển, trau chuốt cùng các nghi lễ nghiêm trang...”.

“Lên án” vì nghĩ hầu đồng là xấu?

“Không phải cứ cái gì không biết, không giải thích được thì cho là mê tín dị đoan”, GS-TS Ngô Đức Thịnh đã nói như thế về những hoài nghi của không ít người về loại hình văn hóa này. Ông giải thích: Mọi người đi theo đạo Mẫu vì ba lẽ: Sức khỏe, tiền tài và quan lộc. Nhiều tôn giáo dạy rằng, sống như thế nào để chết tránh được kiếp luân hồi và để lại cái phúc, riêng đạo Mẫu là để cho cuộc sống hiện tại vì ba lý do trên, Mẫu cho “anh” những thứ rất thực tế, trần gian. Do vậy, xã hội càng hiện đại thì đạo Mẫu lại càng phát triển.

Về ý kiến lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi, có giá đồng lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí nghi ngờ khi hầu đồng được vinh danh là di sản thế giới sẽ bị lợi dụng thành một phương tiện làm ăn, GS-TS Ngô Đức Thịnh thừa nhận: “Đúng là nghi lễ hầu đồng cũng có nơi bị lợi dụng, làm cho méo mó, sai lệch đi để trục lợi. Đó là do người dân và ngay cả nhiều thanh đồng cũng không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của đạo Mẫu, rồi tín ngưỡng cũng bị thả nổi… Hiện nay còn có một loại đồng bóng không phải do căn số và phát triển khá đông được gọi là “đồng đua, đồng đú” do nhiều tiền lắm của đua đòi. Nhưng nếu giải thích một cách khoa học thì cũng là một hình thức giải tỏa những dồn nén tâm lý trong một xã hội nhiều căng thẳng và bon chen như hiện nay”.

Chính vì thế, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng ra đời, rồi có CLB bảo tồn văn hóa đạo Mẫu, nhiều nhà khoa học nghiên cứu về đạo Mẫu... sẽ giúp hạn chế tiêu cực trong nghi lễ hầu đồng, chuẩn hóa lại nghi thức hầu đồng, tục thờ đạo Mẫu.

“Việc có cán bộ nào đó đi tham dự và thậm chí tham gia hầu đồng thì có gì là xấu?” - GS Ngô Đức Thịnh trả lời khi được hỏi về câu chuyện đang gây ồn ào những ngày qua. “Miễn là hoạt động đó không xâm phạm vào thời gian làm việc của người đó. Theo tôi, có tình trạng “lên án” này là do nhận thức lâu nay của những người quản lý xã hội cho rằng việc hầu đồng là xấu. Có lẽ đã đến lúc phải chấm dứt những chuyện làm phiền nhau như thế này. Bởi việc tin, theo và thực hành tín ngưỡng là quyền của mỗi người và đã được luật pháp bảo hộ: Không ai có quyền phủ nhận niềm tin, tín ngưỡng của người khác”.

Bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch

Trong 19 điều cấm Đảng viên không được làm thì không có quy định nào cấm Cán bộ, Đảng viên được đi lễ, đền, chùa, miếu mạo… Chỉ có quy định là cấm đi trong giờ làm việc. Nếu ngoài giờ làm việc thì đó là quyền tự do tín ngưỡng của người ta.

PGS.TS. Từ Thị Loan: Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

Nước mình đã có pháp lệnh về tôn giáo, tín ngưỡng. Trong Hiến pháp cũng có nói rõ về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Mà việc hầu đồng thì bây giờ Nhà nước cho phép chứ có cấm đâu. Nếu có trường hợp cán bộ, công chức đi vào ngày nghỉ thì đó cũng là quyền của người ta chứ cũng không cấm đoán được. Theo luật pháp, người ta không sai thì cũng không thể phê phán người ta được. Còn về mặt tâm linh, hiện nay tín ngưỡng thờ Mẫu đang được làm hồ sơ để trình UNESCO. Người ta cũng có rất nhiều nghiên cứu cho thấy có tác dụng về trị liệu về bệnh tật. Nhiều trường hợp thành công, thế nên hầu đồng có những cuốn hút với người ta. Hoặc người ta đi lễ kêu cầu điều gì thì đó là niềm tin tâm linh. Ai cũng có quyền tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật. TRẦN VƯƠNG

LAN TRẦN - LƯU LY - MAI CHÂU

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/can-bo-xem-va-tham-gia-hau-dong-co-bi-coi-la-vi-pham-600156.bld