Cán bộ Mặt trận Nghệ An nêu nhiều ý kiến tâm huyết tại Diễn đàn 'Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở'

Tại Diễn đàn 'Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở' giữa đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến với đội ngũ làm công tác Mặt trận các cấp tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 11/10 đã có 16 phát biểu.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thành Cường

Tham dự Diễn đàn, đại biểu Trung ương có Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh; Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 13.900 cán bộ, công chức và đội ngũ hoạt động không chuyên trách Mặt trận tại 442 điểm cầu cấp huyện, xã trong toàn tỉnh Nghệ An.

ĐÁNH GIÁ LẠI MÔ HÌNH TRƯỞNG BAN DÂN VẬN KIÊM CHỦ TỊCH ỦY BAN MẶT TRẬN Ở CẤP HUYỆN

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Duy Thảo - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Đàn cho rằng cần xem xét có văn bản chỉ đạo cấp ủy cấp huyện bố trí cấp phó của Ban Dân vận cấp huyện và Mặt trận Tổ quốc là cấp ủy viên; cũng như kiến nghị nâng phụ cấp kiêm nhiệm hơn 10% khi thực hiện mô hình thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp huyện.

Đồng chí Phan Đình Hà - Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thành Cường

Về nội dung này, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ chia sẻ với cán bộ cấp huyện. Đồng chí nêu quan điểm trong trường hợp ở cấp huyện Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận nên có một đồng chí cấp ủy là Phó Chủ tịch Mặt trận. Qua đó, đồng chí cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết: Thực hiện Kết luận số 34-KL/TW, ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện chủ trương thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở 17/21 huyện, thành, thị ủy.

Căn cứ Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Thông tri 13-TT/TU, ngày 28/10/2019 của Tỉnh ủy về đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo: Đối với các địa phương thực hiện thí điểm mô hình trưởng Ban dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ thì ngoài cơ cấu 1 đồng chí ủy viên ban thường vụ có thể xem xét, cơ cấu 1 đồng chí cấp phó UBMTTQ cấp huyện tham gia cấp ủy cùng cấp. Thực tế nhiều địa phương đã thực hiện và có vị thế trong quá trình làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", tỉnh sẽ đánh giá lại mô hình này để tổng hợp báo cáo Trung ương; đồng thời chờ chỉ đạo Trung ương nghiên cứu cụ thể hóa đơn vị đang thí điểm mô hình này, làm sao vừa giảm đầu mối, vừa thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của các cơ quan này.

Đồng chí Phạm Trọng Bình - Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Con Cuông phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Cường

SẼ ĐIỀU CHỈNH CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ SINH HOẠT PHÍ VỚI ỦY VIÊN ỦY BAN MẶT TRẬN

Nêu ý kiến với đồng chí Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đình Hưng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò đề cập đến việc thực hiện Quyết định số 33/2014/QĐ-TTg ngày 28/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí đối với Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và cấp huyện”.

Đồng chí Ngân Thị Hồng - Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quỳ Hợp phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn không thuộc đối tượng được hỗ trợ sinh hoạt phí như Ủy viên UBMTTQ Việt Nam cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Điều này, thực sự rất tâm tư đối với các Ủy viên cấp xã hơn 10 năm nay, vì chủ yếu là những người hoạt động không chuyên trách, không có lương từ ngân sách Nhà nước.

Ông Hưng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, quan tâm xem xét kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung đối tượng được hỗ trợ sinh hoạt phí cho Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Trả lời nội dung này, đồng chí Đỗ Văn Chiến thừa nhận Quyết định số 33/2014 so với thời điểm hiện tại đã lạc hậu, do đó đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc giao Bộ Tài chính phối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu sửa đổi theo 2 hướng: Trước hết là chế độ hỗ trợ sinh hoạt phí đối với Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và cấp huyện được quy định bằng hệ số; đồng thời, xem xét mở rộng ra cấp xã.

Tuy nhiên, việc mở rộng hỗ trợ cho Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã còn có 2 luồng ý kiến khác nhau. Thứ nhất là trong bối cảnh toàn quốc có khoảng 10.500 xã với khoảng 225.600 ủy viên, nếu hỗ trợ thì kinh phí rất lớn nên đề nghị không mở rộng hỗ trợ. Hướng ý kiến thứ 2 là hỗ trợ. Tiếp thu ý kiến đại biểu, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết sẽ tính toán một cách hợp lý nhất nội dung này.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến trả lời ý kiến đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Trần Thị Thanh Hà - Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hưng Phúc (TP. Vinh) cho biết: Theo quy định, chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy; còn chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã là người hoạt động không chuyên trách, không phải là công chức; trong khi cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã lại có nhiều cơ hội được bổ nhiệm vào chức vụ trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, nên rất thiệt thòi đối với phó chủ tịch không chuyên trách Mặt trận.

Về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chia sẻ với tâm tư đại biểu phản ánh. Thực tiễn trên địa bàn Nghệ An, có những đồng chí Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã đủ điều kiện được tuyển vào công chức, rèn luyện, phấn đấu và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nhưng số lượng còn ít.

Ở góc độ người đứng đầu cấp ủy tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý tiếp thu và sắp tới chỉ đạo để cấp ủy huyện, xã hết sức quan tâm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; đồng thời cán bộ đảm nhận chức danh này cũng cần không ngừng học tập, chuẩn bị đủ điều kiện để tuyển dụng vào công chức, tiến tới bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

Còn ông Võ Bá Mậu - Bí thư kiêm Trưởng ban công tác khối Yên Hòa, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh kiến nghị xem xét nâng mức hỗ trợ cho Ban Công tác Mặt trận có tính đến quy mô dân số.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị lãnh đạo HĐND tỉnh tiếp thu và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành rà soát thật kỹ để xem xét nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tiễn về mức hỗ trợ cho Ban Công tác Mặt trận, trong đó có tính đến tiêu chí quy mô dân số.

Thành Duy

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/can-bo-mat-tran-nghe-an-neu-nhieu-y-kien-tam-huyet-tai-dien-dan-lang-nghe-tieng-noi-mat-tran-co-so-post278114.html