Cán bộ lực lượng vũ trang không được lập hội

Cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong đơn vị thuộc lực lượng vũ trang không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

Sáng 25/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định thay mặt Ủy ban Thường vụ Quộc hội đã báo cáo giải trình về dự án Luật về hội trước Quốc hội.

Báo cáo giải trình nêu rõ các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật bao gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định về chính sách tài chính đối với hội; những trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; điều kiện thành lập hội, phạm vi hoạt động của hội; quy định cơ quan quản lý nhà nước về hội…

Liên quan đến chính sách tài chính đối với hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đã quy định chính sách đối với hội phù hợp với chủ trương của Đảng và thống nhất với Luật ngân sách nhà nước.

Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, dự thảo Luật lần này tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội, công an không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công.

"Dự thảo cũng quy định, một trong các trường hợp bị hạn chế quyền thành lập hội và tham gia hội là cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức", ông Định nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình về dự án Luật về hội. Ảnh: Quochoi.vn.

Bênh cạnh đó, cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật Nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

Về quy định này, đại biểu Cao Đình Thường (đoàn Phú Thọ) cho ý kiến dự thảo cần quy định rõ hơn là những cán bộ, công chức không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo hội có liên quan đến lĩnh vực công tác trước đó của cán bộ, công chức.

“Có những cán bộ, công chức hoạt động lĩnh vực này, sau khi nghỉ hưu họ sáng lập, lãnh đạo hội khác không liên quan đến công việc trước đó, thì không nên hạn chế đến 5 năm”, đại biểu Thường nói.

Về đăng ký thành lập hội, dự thảo đưa ra hai loại hội: Một là hội có đăng ký và có tư cách pháp nhân do Luật về hội điều chỉnh. Hai là hội do công dân Việt Nam thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký, không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của Luật về hội.

Ủy ban Thường vụ giải trình theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp, công dân có quyền lập hội, nhưng việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định. Vì vậy, Điều 11 của dự thảo quy định công dân thành lập hội phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với Hiến pháp.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Quochoi.vn.

Giao quyền cho hội bớt gánh nặng cho Nhà nước

Để nới lỏng cho hoạt động của các hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng cần tin tưởng giao quyền và cơ chế cho hội để bớt gánh nặng cho Nhà nước và tăng cường vai trò của hội, hội viên để phát huy hiệu quả, sức mạnh của hội, chứ không phải chỉ là nơi tập hợp những người về hưu.

“Không nên giới hạn quyền hợp tác quốc tế của các hội chuyên môn, bỏ tư duy không quản được thì cấm, qua đó tập hợp được quần chúng, phát huy sức mạnh và hiệu quả hoạt động của các hội hiện nay”, bà Lan nêu ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương góp ý cần quy định rõ, không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước để tránh lạm quyền, lấn sân của các hội.

"Bài học về việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đứng ra công bố về asen trong nước mắm truyền thống vừa qua là ví dụ", đại biểu Cương dẫn chứng.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hiện cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động. Số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều, do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.

Dự thảo Luật về hội không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Thắng Quang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/can-bo-luc-luong-vu-trang-khong-duoc-lap-hoi-post692528.html