Căn bệnh kỳ lạ chỉ khu trú ở một số thôn xã, bệnh nhân hễ nằm xuống là chết

Không bùng phát mà tê tê say say âm ỉ tồn tại trong từng gia đình, bám riết còn hơn cả đỉa đói. Vì không xác định rõ ràng được nguyên nhân nên mới đầu người ta sợ bệnh như sợ tà, sợ hủi. Con gái, con trai đang tìm hiểu nhau mà hai họ biết ở vùng tê tê say say là ngãng ra. Con gà, con chó, con lợn ở vùng...

Con gà, con chó, con lợn ở vùng tê tê say say dân muốn bán thương lái cũng sợ không dám đến mua nữa.

Hơn nửa thế kỷ trước đã có

Nghi bị nhiễm độc, các đoàn khoa học đã về tận thôn, xã, nhảy xuống ao, xuống mương mò cua, bắt ốc hay lấy các loại thực phẩm ở đây đem đi xét nghiệm nhưng vẫn không khám phá ra điều gì bất thường. Cùng sống trong một vùng, cùng sinh hoạt ăn uống chung một nguồn nước, thực phẩm, hít thở chung một bầu không khí mà bệnh chỉ khu trú ở một số thôn xã, mà nhất là hầu như chỉ người Mường mắc.

Bệnh nhân ăn rất khỏe

Vài trăm ca tê tê say say được ghi nhận trên người nhưng chưa ca nào ghi nhận trên động vật hoang dã hay động vật nuôi. Các đoàn y tế cũng nhận định bệnh không lây, tuy nhiên hầu hết khi mắc bệnh đều cả nhà bị, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, nam hay nữ. Có những trường hợp con cái đi lấy vợ, lấy chồng ở những xã gần kề rồi các thành viên khác trong gia đình đó từ từ lâm bệnh. Giờ đây tâm lý hoảng sợ đã thuyên giảm nhưng hoang mang thì vẫn còn.

Điều bất ngờ khi tiếp xúc với những nhân chứng ở vùng bệnh tôi được ông Bùi Văn Hệ - 78 tuổi nguyên Trạm trưởng Trạm y tế xã Bình Chân khẳng định rằng tê tê say say có từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước chứ không phải từ hơn chục năm nay mà điểm xuất phát đầu tiên là xóm Lục (xã Yên Nghiệp, Lạc Sơn, Hòa Bình). Lúc đầu, do chưa có nhận thức về bệnh, người ta tưởng đó là biểu hiện của… đói, của thiếu chất.

Bệnh nhân có tỷ lệ tử vong rất cao với các dấu hiệu điển hình như tê mỏi, cơ gân mềm nhũn, huyết áp tụt, hễ nằm xuống là chết. Anh họ của ông Hệ khi đó cũng mắc bệnh. Một buổi thấy trong người mệt quá liền nhờ ông chạy bộ ra Trạm Y tế xã gặp y tá gọi cấp cứu. Người y tá đang cày ruộng nên xin xong việc mới đi. Việc xong rồi đúng lúc trưa người đó lại xin nấu cơm ăn mới đi. Ăn xong rồi anh ta lại cắt tóc đổi công rồi tắm gội nữa mới đi.

Vậy là từ 7 giờ sáng đến tận 4 giờ chiều ông Hệ mới đón được y tá dù quãng đường đi chỉ độ mấy cây số. Cũng may là anh họ ông Hệ tốt số nên không chết. Bực tức vì thói lề mề, quan liêu của người y tá, anh thợ cày Bùi Văn Hệ liền chạy ra Ủy ban xã, xin với Chủ tịch rằng: “Có lớp học y tế nào thì cho tôi đi để về trước là cứu anh em họ hàng sau là cứu dân…”.

Vậy là sau 9 tháng học tập, ông trở thành y tá của trạm. Lúc này bệnh từ xóm Lục đã lan xuống xóm Dài, xóm Củi, xóm Cành với mấy chục trường hợp nhiễm. Tê tê say say cứ như trêu đùa với mạng người. Đang ngồi ăn cơm vui vẻ bỗng ai đó buông bát đũa, kêu lên thảng thốt “Bệnh bốc rồi” là ngã vật ra chết. Chính bởi có nhiều người chết khi ở tư thế nằm nên dân có kinh nghiệm, những khi người bệnh gục là xúm lại giữ không cho ngả xuống rồi gọi ông Hệ đến để tiêm các loại thuốc trợ lực như B1, B12. Người cứu được người không.

Danh sách tê tê say say ở xóm Cành I

Những năm 1965 - 1966 khi Mỹ ném bom miền Bắc cũng là lúc bệnh tê tê say say nổi lên nhiều ở Lạc Sơn với đông ca tử vong nhất. Nhiều người mang thân nhân đến trạm xá cấp cứu rồi chứng kiến cảnh tử vong đột ngột, hãi quá cứ ngồi khóc khiến cho ông Hệ phải chạy bộ nhảo về làng để báo tin. Đời y tá của ông chứng kiến các đợt dịch bùng phát là 1964 - 1966, 1970 - 1972, 1987 - 1988. Bệnh cứ bùng lên rồi lại tự lắng xuống.

Thuốc thang thời bao cấp còn quý hơn vàng. Nhiều nhà ghi sổ nợ tiền thuốc nhưng bị chết hết nên không thể thanh toán. Những khi đó, ông Hệ toàn phải “biến báo” số thuốc ghi nợ bằng cách chuyển sang dạng phế phẩm để hoàn tất thủ tục với xã.

Tiếng kêu cứu không hồi đáp

Sau 60 năm bùng phát bệnh tê tê say say, hiện giờ ở thôn Lục vẫn còn những người bệnh và những ca tử vong do nó gây ra cũng không quá xa xôi.

Gia đình ông Bùi Văn Trính có 6 người thì cả 6 đều mắc, trong đó ông là nặng nhất. Bởi thế nên ông không ngờ có ngày lá vàng phải đưa tiễn lá xanh về trời. Hai đứa con trai, thằng 25 tuổi, thằng 23 tuổi đang khỏe mạnh bỗng một ngày mắc bệnh cứ yếu dần. Một bữa, đang bê bát cháo lên miệng, một đứa ngã lăn ra, đứa khác thấy thế cũng thất kinh ngã gục. Chúng chết cùng một giờ, cùng một ngày. Gia tộc sốc quá vội bốc cả nhà ông Trính đi viện, để mọi việc tang gia cho họ lo.

Đợt đó, ông Trính đau đớn đến phát điên để đến bây giờ đầu óc cũng chưa bình thường trở lại. Vợ ông là Bùi Thị Dợn, con ông là Bùi Thị Yên hiện vẫn thi thoảng có triệu chứng, uống đạm, uống B1 luôn luôn nhưng hễ nóng trời là phải đi truyền dịch.

Ở xóm Lục 2 ghi nhận trường hợp nghi mắc mới nhất là gia đình bà Bùi Thị Dim. Năm 2014, con bà Dim là anh Bùi Văn Thiện chết. Tháng 4/2016 chồng bà Dim là Bùi Văn Quỉu cũng rời dương gian. Đại gia đình giờ còn lại 6 người đều mắc bệnh trong đó có 2 người con dâu, 1 đứa cháu nội mới 2 tuổi.

Bà Dim khi phát bệnh, bế cháu cũng khó khăn

Từ hồi mắc bệnh 2 người con dâu bà Dim hãi quá đã trở về nhà đẻ. Đôi bàn tay đen đúa của một người cả đời lao động như bà Dim vốn to bè và cứng cáp giờ đây yếu như dải khoai hơ trên bếp lửa, ngay cả việc bế cháu cũng trở nên khó khăn. Bà nói với tôi bằng cả ánh mắt lẫn thanh âm đều tuyệt vọng: Gia đình tôi bệnh tật thế mà báo Trạm y tế cả năm nay cũng không được cấp thuốc. Mà không biết có chữa được bệnh này hay không hả chú?...

Ông Bùi Văn Chiên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Nghiệp - người gắn bó cả đời với căn bệnh quái ác này, vẫn nhớ như in những lúc đơn vị mình chật cứng bệnh nhân đến chữa tê tê say say. Đói họ còn biết tự nấu ăn nhưng hễ no là gục xuống không thể rửa bát nổi. Lắm người chở bệnh nhân đến bằng xe máy, cứ bê vào là chết mà giữ ở trên yên xe rồi gọi y tá đến tiêm thì may ra còn thoát khỏi cửa mả.

Ông Chiên bảo, khi mắc bệnh tê tê say say người ta trở nên vô cùng nhạy cảm. Lắm người chở bệnh nhân đi nhưng bản thân mình cũng mắc bệnh. Gặp cảm xúc mạnh như chứng kiến người thân lìa đời là họ cũng ngã lăn ra, ngáp liên hồi như thể cá sặc bùn rồi chết nốt. Lúc chưa được trang bị máy bóp oxi, nhiều ca cấp cứu ở trạm phải hô hấp bằng miệng. Tuy nhiên chưa ghi nhận nhân viên y tế nào bị lây nhiễm cũng như chưa ghi nhận một trường hợp người Kinh nào mắc bệnh cả.

Lúc đầu ông Chiên nghi người bệnh bị thiếu dinh dưỡng, vi chất gì đó nhưng lạ lùng là nhà đủ ăn cũng vẫn mắc như nhà túng thiếu. Gần đây trong xã ghi nhận thêm một số trường hợp bệnh cũ tái phát cũng như có 3 - 4 gia đình nghi phát sinh mới đang kêu nhưng tiếng kêu của họ chỉ như tiếng động trong hang, tự trả về cho chính tai mình nghe.

Bệnh tê tê say say tưởng như giả bệnh, bệnh nhân vẫn ăn uống, sinh con đẻ cái bình thường nhưng lại sống như một cái xác, không làm được bất kỳ công việc gì cho ra hồn, hễ trời mưa gió là rúm ró lo sợ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/can-benh-ky-la-chi-khu-tru-o-mot-so-thon-xa-benh-nhan-he-nam-xuong-la-chet-post180996.html