Cảm xúc tháng Ba

Tháng Ba trên quê hương Quảng Ngãi có rất nhiều sự kiện, gợi nhớ ký ức hào hùng, qua đó tiếp thêm niềm tin, nghị lực để người dân Quảng Ngãi phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương.

Đoàn viên, thanh niên thành phố Quảng Ngãi chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố. Ảnh: KIM NGÂN

Cách đây 79 năm, ngày 11/3/1945, những tù nhân cách mạng ở Căng An trí Ba Tơ đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Và lần đầu tiên ngọn cờ đỏ phấp phới tung bay trên dải đất Khu 5 kiên cường và bất khuất. Cách đây 6 năm (9/3/2018), các cấp chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi vui mừng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Địa điểm cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Chợt vọng về lời thơ trong Trường ca “Bùng nổ của mùa xuân” viết về cuộc khởi nghĩa này của nhà thơ Thanh Thảo: "bỗng thấy thời gian trôi vùn vụt/ cái thời gian chậm chạp của người tù/ ngoài kia thư Nguyễn Ái Quốc đã về/ “dân ta có tội tình gì mà phải kiếp trầm luân dường ấy?”/ những cánh rừng đứng dậy/ ta ném vào mặt chúng/ lời thách thức/ “hơn hai mươi triệu con Hồng cháu Lạc/ quyết không chịu làm nô lệ cho người mãi thế!”/ cả dân tộc đã rút gươm".

Tinh thần bất diệt của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ được tiếp tục nung nấu và không ngừng phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau 45 ngày đêm ròng rã (từ 16/9- 30/10/1972), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Ba Tơ đã vùng lên giải phóng quê hương. Từ đó, sự kiện giải phóng Ba Tơ mãi mãi đi vào lịch sử, làm bệ phóng cho nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục vùng lên góp phần giải phóng quê hương: "Ới bà con ơi!/ Mừng núi rừng giải phóng/ Ba Tơ đang bừng tươi sức sống/ Sức sống hôm nay, mang sức sống năm xưa/ Từ những đêm dày tăm tối, gió mưa/ Sáng bừng lên ngọn đuốc” (Giải phóng rồi, rừng núi ơi! - Vũ Hải Đoàn).

Hào hùng luôn chen lẫn với đau thương, đó là quy luật của một dân tộc dám đem máu xương đối mặt cùng quân xâm lược. Ngày 16/3/1968, tang thương đã phủ trùm lên một góc trời Sơn Mỹ khi quân đội Mỹ gây nên cuộc thảm sát 504 thường dân ở Sơn Mỹ. Người Việt Nam nói chung và người Quảng Ngãi nói riêng vẫn ghi sâu trong lòng tội ác của quân xâm lược. Nhưng với một dân tộc có truyền thống sống lạc quan và luôn hướng về tương lai, sau những năm tháng hòa bình và xây dựng, đứng trước thời đại hội nhập toàn diện vì sự phát triển của nước nhà, người Quảng Ngãi nói chung, người dân Sơn Mỹ nói riêng dang rộng vòng tay bao dung, để cùng nhau nắm tay hướng về một tương lai tươi sáng trong tình người trong sáng: "Tôi nghe sau lá bồ đề/ Trà Bồng, Trà Khúc đập về Mỹ Lai/ Ru cho cỏ lớn thành cây/ Khói hương thành nắng, chim bay thành đàn" (Sau lá bồ đề - Nguyễn Minh Khiêm). Nhắc đến vụ thảm sát Sơn Mỹ, ta bỗng nghe vang vọng lời ca trong trẻo đầy ước mơ của một nhạc sĩ sinh ra từ vùng quê xảy ra cuộc thảm sát: "Trái đất này là của chúng mình. Cùng xiết tay môi thắm cười xinh. Bình minh ơi khúc ca này êm ấm. Học chăm ngoan đắp xây đời tươi sáng. Hành tinh này là của chúng ta! Hành tinh này là của chúng ta”. Bài hát này ngày 16/3/2018 đã được vang lên ngay trước tượng đài trong ngày Lễ tưởng niệm 50 năm xảy ra cuộc thảm sát Sơn Mỹ. Chính điều đó đã nói lên khát vọng của người dân nơi đây về một thế giới hòa bình, không có chiến tranh để nhân loại chan hòa trong tình yêu thương rộng lớn.

Đúng 7 năm sau vụ thảm sát, ngày 24/3/1975, nhân dân Quảng Ngãi đã vùng lên cùng với cả nước trong trận chiến đấu cuối cùng với quân xâm lược để giải phóng hoàn toàn quê hương ngay trong tháng mở màn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện thành công niềm tin tưởng lớn lao của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” ngay trên chính mảnh đất quê hương đã trải qua nhiều đau thương, mất mát: "Có con chim non líu lo sáng xuân nay/ Quê em giữa ngày giải phóng bao mừng vui/ Vút câu lý thương nhau như một làn gió mới/ Núi Ấn, sông Trà, bờ xe nước thiết tha giữa đời tự do" (Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay, nhạc: Ánh Dương)...

Cuốn hồi ký của đồng chí Lê Tấn Tỏa - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi ghi lại không khí sục sôi, hào hùng của những này tháng Ba như sau:“Chiều 20/3/1975, tôi và cơ quan Tỉnh ủy xuống Tịnh Giang, triệu tập Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn kế hoạch... Hội nghị nhận định tình hình mở đầu chiến dịch ta đã thắng lớn, cộng với tình hình chung trong khu phát triển thuận lợi, địch rút khỏi Tây Nguyên, thời cơ cho tỉnh ta giải phóng. Hội nghị quyết định tấn công và nổi dậy giải phóng thị xã Quảng Ngãi...”. Tháng Ba đến, quê hương Quảng Ngãi hiển hiện ký ức hào hùng!

MAI BÁ ẤN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202403/cam-xuc-thang-ba-6d316d3/