Cảm xúc của một cựu chiến binh về tập sách 'Trăng Him Lam và nước sông Thu'

Tôi được nhà văn Châu La Việt tặng tập sách 'Trăng Him Lam và nước sông Thu' - NXB Quân đội và NXB Văn học, trong đó có tiểu thuyết cùng tên của anh. Tôi rất xúc động vì tập sách này viết về những đồng chí, đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên của tôi, như các anh Mạc Ninh, Lê Nam, Đào Đình Luyện, Đỗ Nhuận... Hơn nữa, lại có nhân vật Đoàn trưởng Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị mang tên Ngọc Tuệ, làm tôi lại càng dán mắt và không bỏ sót một chữ trong gần ba trăm trang của cuốn tiểu thuyết.

Tập sách Trăng Him Lam và nước sông Thu - NXB Văn học. Ảnh: T.L

Cảm xúc đầu tiên của tôi là không thể giấu nổi những gì tôi biết về nguyên mẫu cái gia đình và nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết này. Tôi hồ hởi khoe với các bạn cựu chiến binh của mình: Tiểu thuyết viết về một tình yêu Điện Biên, một tình yêu xứ Quảng, nhưng lại chính là chuyện về cái gia đình hàng xóm của chúng tôi thời kháng chiến chống Mỹ ở ngay Khu tập thể quân đội số 3 - Ông Ích Khiêm - Hà Nội. Và những người bạn chúng ta, anh Lê Nam, chị Huỳnh Thị Hiệp vốn là những đồng chí đồng đội thân thiết chính là những nguyên mẫu của tiểu thuyết!

Phải ghi nhận ngay, đây là một tác phẩm văn học phản ánh hết sức trung thực về cuộc đời một cán bộ chiến sĩ ở Điện Biên (Trăng Him Lam) và cuộc đời một phụ nữ miền Nam tập kết ra Bắc, đã vượt qua bao sóng gió của cuộc đời, trong chiến đấu, trong công tác, trong sản suất và tình yêu (Nước sông Thu) là chị Huỳnh Thị Điệp. Tuổi đời vừa độ trăng tròn thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ, cô phụ trách phụ nữ xã và tham gia dân quân, chiến đấu nhiều trận dũng cảm, có trận bị thương thành thương binh nặng.

Khi tập kết ra miền Bắc, chị Điệp được điều về phụ trách công tác tổ chức của Nhà máy dệt Nam Định, tương tự hoàn cảnh chị Tư Hậu trong tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bênh viện” của nhà văn Bùi Đức Ái năm xưa. Từ đây, xuyên qua mối quan hệ đồng đội, bạn bè, cô du kích Quảng Nam nảy sinh tình yêu với anh bộ đội Điện Biên Trần Ngọc. Trong chiến dịch Điện Biên, Trần Ngọc thuộc Trung đoàn 141 đánh trận mở màn Him Lam, cùng các anh Mạc Ninh, Trần Trọng Tuyến, Đào Đình Luyện, những người lính Hà Văn Nọa, Phan Đình Giót...

Người chiến sĩ Điện Biên ấy, chiến công thì rực rỡ, ngoại hình rất đẹp trai, nhưng lại quá hiền lành, nếu không có tác phong lính tráng của đồng đội thì đôi vai xuôi của anh chẳng thể có “mối tình nào mà vắt vai”, dù đơn vị rất muốn vun đắp cho người sĩ quan tuyên huấn này một mái ấm gia đình. Và rồi cuối cùng, một đám cưới trang trọng do Thiếu tướng Lê Xuân đứng ra làm chủ hôn, đó là đám cưới của Huỳnh Thị Điệp với Trần Ngọc được đồng chí anh em vun đắp đã nở hoa kết trái!

Huỳnh Thị Điệp được điều động về học tập và làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Thế là vợ chồng anh chị đã được “làm tổ” tại số 3, Ông Ích Khiêm - Khu tập thể quân đội. Tuy nhiên cái truyền thống anh hùng cách mạng của người xứ Quảng đã thấm sâu vào tâm não của Huỳnh Thị Điệp, nên chị vẫn nuôi ý chí trở lại quê hương đất Quảng để chiến đấu.

Những ngày người chiến sĩ Điện Biên Trần Ngọc lại đi vào cuộc chiến đấu mới, đi vào mặt trận thì người vợ, chị Điệp ở nhà cùng một lúc nhận được hai quyết định: Một quyết định do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp “Xét năng lực và sự trưởng thành của đồng chí Huỳnh Thị Điệp”, đề bạt chị lên làm phó giám đốc một nhà máy trong ngành, và một quyết định của Ủy ban Thống nhất Trung ương điều động chị đi làm nhiệm vụ đặc biệt (mà chị hiểu là được trở về quê hương chiến đấu).

Không một chút phân vân, Điệp chọn ngay quyết định thứ hai, trở về quê hương chiến đấu. Do trong lòng luôn đau đáu hướng về cuộc chiến đấu của quê nhà, nên chị luôn xếp sẵn trong đầu nếu lệnh được trở về quê thì phải làm gì trước, làm gì sau. Vì thế nên chị đã có động tác: Một tay cầm quyết định của Ban Thống nhất Trung ương; một tay dắt ba đứa con nhỏ lên trại trẻ của Ban Thống nhất đăng ký trước. Điệp thở phào nhẹ nhõm qua câu nói của các chị phụ trách trại: “Trại này thành lập cũng chỉ để phục vụ các cán bộ đi mặt trận và trở về quê hương chiến đấu”. Huỳnh Thị Điệp là mẫu người phụ nữ đất Quảng: Nói là làm, chiến đấu đến cùng!

Đọc đến trang 94, tôi không khỏi rơi nước mắt vì anh chị không quên tình máu mủ ruột rà. Cái đêm trước lúc người chồng là Trần Ngọc lên đường ra mặt trận, anh chị bàn nhau về Thanh Hóa đưa phần mộ của các cụ về quê nội Hà Tĩnh. Chị lục tìm từ chiếc nhẫn cưới cho đến những đồng bạc lẻ thu vén cho anh đủ kinh phí đưa các cụ về quê êm đẹp. Đó thực sự là một bài học sâu sắc cho con cháu mai sau .

Không chỉ có thế mà cho tất cả những người đọc cuốn sách này về tính nhân văn cao cả. Chúng ta được chứng kiến ngọn ngành sâu đậm về tính cách của người con gái xứ Quảng: Huỳnh Thị Điệp, đồng thời hiểu được tài năng, đức độ của anh lính Điện Biên Trần Ngọc. Và cảm thấy ấm lòng qua mối tình của họ cũng như hạnh phúc gia đình của anh chị...

Tôi không nói nhiều nữa về những trang viết của Châu La Việt đã miêu tả sống động về con người và sự kiện hai cuộc kháng chiến của đất nước và con người của dân tộc ta; sự phong phú về tư liệu, thấm đượm cảm xúc trong từng con chữ. Người đọc thấy tác giả như người trong gia đình nhân vật. Hơn nữa, Châu La Việt vốn là một cây bút hầu như chuyên viết về đề tài người lính nên rất nhuần nhuyễn về ngôn từ của lính. Anh viết về những người lính trong chiến dịch Điện Biên Phủ rất hay.

Với tiểu thuyết mới này, Châu La Việt bằng cả trái tim và tấm lòng đã bộc bạch ngược xuôi, đi suốt chiều dài chiều rộng với mọi kích cỡ để tác phẩm “Trăng Him Lam và nước sông Thu” đến với người đọc nhanh nhất, thú vị nhất.

Điều tôi muốn tâm sự là hình ảnh người sĩ quan chính trị quân đội, cụ thể là hình ảnh người sĩ quan tuyên huấn mà tôi vốn đứng trong hàng ngũ đó và rất thân thiết với các anh như Lê Nam, Mai Quốc Ca, Quốc Bảo... được miêu tả trong tác phẩm rất sống động, và cũng rất hào hùng. Nhất là hình ảnh cuối cùng của các anh hy sinh ở mặt trận làm tôi không kìm được nước mắt, bởi trước đó ít ngày đoàn chúng tôi mới ở đây biểu diễn phục vụ các anh.

Sự kiện này, cùng sự hy sinh anh dũng của các anh, thú thật lần đầu tôi mới thấy được văn học nghệ thuật phản ánh. Thêm một lần cảm ơn nhà văn Châu La Việt không chỉ phản ánh rất chân thực, rất đẹp hình ảnh người phụ nữ xứ Quảng - Người vợ liệt sĩ trong tác phẩm, mà còn tái hiện rất sinh động hình ảnh những người sĩ quan chính trị luôn ở mũi tiên phong, như người lính xung kích quả cảm năng động và sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh. Các anh đã đi qua Điện Biên Phủ, đi qua Khe Sanh đường 9 với những chiến công oai hùng và là những tấm gương chói lọi.

Được biết mới đây, nhà văn Châu La Việt đã trở lại Điện Biên gửi tặng những tác phẩm anh viết về Điên Biên cho núi rừng và những bản làng Tây Bắc. Có lẽ tình yêu ấy làm những trang viết của anh thêm thiêng liêng, xúc động và luôn chạm vào trái tim chúng ta hay chăng?

Đạo diễn Khắc Tuế

(Nguyên Đoàn trưởng Đoàn ca múa Tổng cục chính trị)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/cam-xuc-cua-mot-cuu-chien-binh-ve-tap-sach-trang-him-lam-va-nuoc-song-thu/184365.htm