Cấm xe máy, nới ô tô: Đừng cường điệu

Chưa có nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện từ các vấn đề quy hoạch, kinh tế - văn hóa - xã hội, mọi giải pháp chống ùn tắc đều thất bại.

Cấm xe máy là khiên cưỡng

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (ĐH Bách khoa TP HCM) cho hay, việc chống ùn tắc là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm vì liên quan tới hàng triệu con người tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Vì vậy, mọi giải pháp đưa ra phải dựa trên những cơ sở, phân tích, nghiên cứu cụ thể, chi tiết, không thể cường điệu được.

Xe máy người dân lao lên vỉa hè để đi.

Để chứng minh cho lập luận trên, vị chuyên gia phân tích.

Thứ nhất, cở sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, người dân chưa có thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, dẫn tới tình trạng có tuyến xe buýt thì đông nhưng cũng có tuyến thưa thớt, lác đác vài người đi.

Như vậy, xe buýt đã không hiệu quả còn choán diện tích mặt đường nhiều hơn các loại phương tiện khác, đây là bất cập lớn.

Thứ hai, ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém, thường xuyên vi phạm pháp pháp luật.

Về phía, lực lượng thực thi pháp luật là CSGT lại chưa nghiêm, hình thức xử lý không đủ sức răn đe. Vì vậy, bắt buộc phải chấn chỉnh lại cách thức đi lại của người dân cũng như phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Thứ ba, cấm xe máy đồng nghĩa với việc người dân có thể phải vứt đi ngay một tài sản có giá trị khá lớn lên tới vài chục triệu đồng. Số tài sản này không hề nhỏ đối với nhiều người dân lao động.

Bảo người dân mang một chiếc xe vài chục triệu đi bán sắt vụn lấy vài trăm nghìn thì làm sao dân nghe được. Như thế không khác nào đang phá hoại tài sản của dân.

Thứ tư, nếu quan sát các trục đường thường xuyên bị ùn tắc thì ô tô mới là nguyên nhân. Số lượng lớn, chiếm diện tích nhiều, ô tô không có sự uyển chuyển trong quá trình sử dụng. Xe máy có thể quay đầu, lựa chọn cung đường khác nhưng ô tô thì đã lao vào rồi rất khó thoát ra được.

Trong bối cảnh giao thông công cộng chưa phát triển, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại thì việc cấm xe máy là việc dễ làm mất lòng nhất, gây ảnh hưởng lớn nhất.

Thứ năm, cấm xe máy còn liên quan tới các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã được mời vào đầu tư sản xuất, lắp ráp nhưng lại chặn đường bán hàng của họ thì phải tính sao? Vấn đề này đã tính toán được tác động của nó chưa?

Thứ sáu, quy hoạch đô thị đang bị phá vỡ, trung cư mọc lên trong nội đô như nấm sau mưa nhưng không có đánh giá tác động môi trường, không đánh giá hết được mật độ dân số đó sẽ tác động tới hạ tầng giao thông như thế nào? Khả năng gây ùn tắc ra sao... tất cả những đánh giá hiện vẫn hướng vào lợi ích của một nhóm người.

Không có nghiên cứu, mọi giải pháp đều vô ích

Vị GS đồng ý, trong bối cảnh phát triển đô thị đang diễn ra quá dữ dội như hiện nay, việc lưu thông bằng xe máy là rất bất tiện. Tuy nhiên, không phải vì như vậy mà có thể nói cấm xe máy là cấm được ngay.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng cần phải thực hiện theo lộ trình, lộ trình này có thể phải kéo dài tới cả chục năm, thậm chí là 20 năm. Lộ trình đó là có thời gian để doanh nghiệp sản xuất xe máy chủ động rút dần đầu tư trong nước. Lộ trình đó để người dân thay đổi phương tiện mà không bị mất của, lãng phí...

Tuy nhiên, về hạ tầng giao thông không đáp ứng được, phương tiện công cộng không đủ, ngay cả việc đầu tiên là cần phải phủ kín các metro thì không làm được. Chưa quy hoạch xong các metro, kinh phí không có, trong khi công trình, dự án nào cũng đội vốn, kéo dài thời gian.

Metro chưa được phủ kín đã đòi người dân phải bỏ xe máy là khiên cưỡng, không thuyết phục.

"Tôi có thấy Hà Nội nói tới năm 2020-2025 là cấm triệt để xe máy. Việc này không thực hiện được. Tôi ví dụ, đặt mục tiêu đến năm 2025 phải cấm xe máy, như vậy năm 2020 Hà Nội phải làm được cái gì rồi? Năm 2024 Hà Nội đã có được cái gì rồi lúc đó mới tính chuyện cấm xe máy".

Đứng về phía quản lý nhà nước vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngặt triệt để tình trạng di dân cơ học tại các thành phố lớn.

"Như vậy, ở đây còn có câu chuyện, nếu muốn chống tắc đường thì phải ổn định được dân số. Làm thế nào để các đô thị lân cận HN, TP.HCM phát triển để giãn mật độ dân số ra, không còn tâm lý bám trụ bằng được ở các đô thị lớn nữa?", vị GS tự đặt câu hỏi và tự đưa ra nhận định:

"Đó là chủ trương rất lớn, và là nút thắt quan trọng để thực hiện được mục tiêu trên. Nếu vấn đề di dân chưa thực hiện được thì khó bàn tiếp giải pháp chống ùn tắc xe. Khi dân số càng dồn về nhiều, khả năng gây ùn tắc càng lớn", GS Hiệp cho biết.

Ông cho rằng, khi chưa có được nghiên cứu nào bài bản, chi tiết thì mọi giải pháp đưa ra dù là cấm xe máy, hay cấm ô tô đều rất khiên cưỡng.

Cấm xe máy, nới lỏng ô tô: Nước nào cũng làm thế

"Đừng nghĩ có thể giải quyết ùn tắc bằng các hội thảo. Việc đó không làm được mà cần phải có một công trình nghiên cứu bài bản nhằm đánh giá, phân tích đầy đủ các yếu tố tác động về con người, văn hóa, kinh tế, xã hội... Nói như hiện nay chống ùn tắc chỉ như bắn cung, bàn mãi cũng không làm được".

Vị chuyên gia cũng không đồng tình cho rằng vấn đề ùn tắc cứ "tắc" mãi là vì chúng ta đang lấy cái nghèo ra dọa nhau.

"Thoát nghèo chỉ có một nhóm người thôi. Xã hội hiện nay đang bị phân tầng rất dữ dội, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Người dân Việt Nam vẫn nghèo lắm", ông Hiệp thẳng thắn.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cam-xe-may-noi-o-to-dung-cuong-dieu-3333887/