Cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử

Mới đây, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là trong khi Bộ Y tế khẳng định quan điểm nhất quán là phải cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì Bộ Công thương lại đề nghị thí điểm quản lý các loại thuốc lá mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, đề xuất trên dựa vào kinh nghiệm của nhiều nước khi quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử, chứ không phải đi ngược lại với ý kiến của Bộ Y tế. Hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản nào cho nhập khẩu thuốc lá điện tử mà chỉ mới cho nhập thuốc lá điếu và xì gà.

Trong khi các chế tài, văn bản pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, mua bán hàng giả, nên Bộ Công thương tập trung vào công tác ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các sản phẩm thuốc lá, xì gà, thuốc lá điện tử... Bộ Công thương đã thận trọng kiến nghị thí điểm với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Quan điểm nhất quán của Bộ Y tế là cấm hoàn toàn loại sản phẩm này khi mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá.

Thời gian qua, các cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Mặc dù thuốc lá điện tử không được phép nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam, nhưng nhiều người trẻ vẫn vô tư sử dụng chúng gây ra hệ lụy khôn lường. Hoạt động quảng cáo, rao bán, mua và sử dụng vẫn diễn ra công khai.

Hệ lụy là tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp nhiều lần so với các năm trước đó. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2023 đã tăng gấp 20 lần, lên khoảng 4%.

Đáng lo ngại là nhiều em nghĩ rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu mà không biết rằng, việc hút thuốc lá điện tử, nhất là ở trẻ vị thành niên và phụ nữ gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người dùng và chất lượng giống nòi.

Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan, tạo ra dạng khí dung cho người dùng hít vào luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch chứa nicotine, chất tạo hương và các chất khác, dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp.

Theo chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Trong đó, nicotine có thể gây phụ thuộc về mặt tâm thần, làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch; glycerine có thể gây bệnh phổi; các chất dẫn khác, bao gồm: nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde... có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, dung dịch trong thuốc lá điện tử có thể được trộn các chất ma túy, tinh dầu cần sa hoặc các chất kích thích khác. Vì thế, thuốc lá điện tử còn là “bình phong” cho các hành vi sử dụng các chất gây nghiện bị cấm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên; tuyệt đối không cho trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu không quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề trong tương lai.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cam-tuyet-doi-thuoc-la-dien-tu-post475765.html