Cảm thương người lính trở về từ cuộc chiến Gạc Ma bị căn bệnh nan y

Trở về từ cuộc chiến, cứ ngỡ hạnh phúc đến để bù đắp cho những tháng ngày gian khổ, nhưng ai ngờ, những nỗi buồn số phận vẫn đeo bám người lính ấy...Ông Nguyễn Văn Tấn (Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP. Đà Nẵng) xác nhận: 'Anh Dũng là người trở về từ cuộc chiến ở Gạc Ma. Anh đang điều trị bệnh tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Gia đình gồm bốn người đều dựa vào gánh rau của vợ. Do anh bệnh tật, vợ anh phải chăm sóc nên việc mua bán cũng không được đều đặn'. Chính ông Tấn cũng kêu gọi mọi người góp tay giúp gia đình anh Dũng vượt qua lúc khó khăn, bệnh tật này.

(ĐSPL) - Trở về từ cuộc chiến, cứ ngỡ hạnh phúc đến để bù đắp cho những tháng ngày gian khổ, nhưng ai ngờ, những nỗi buồn số phận vẫn đeo bám người lính ấy...

Là một trong những chiến sĩ trở về sau cuộc chiến ở Gạc Ma, những kỷ niệm về đồng đội chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức của anh Dũng. Trở về, cứ ngỡ hạnh phúc đến để bù đắp cho những tháng ngày gian khổ, nhưng ai ngờ, những nỗi buồn số phận vẫn đeo bám con người ấy. Đứa con trai duy nhất của anh bị tai nạn qua đời chưa lâu anh lại nhận hung tin về căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của bản thân. Và, nỗi nhớ đồng đội lại càng thê lương hơn.

Trở về khi gia đình đã lập bàn thờ

Từ lâu, anh Dương Văn Dũng (SN 1966, ở 58 Trần Lựu, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) không còn xa lạ với người dân Đà Nẵng. Bởi lẽ anh nhiều lần được báo đài mời trò chuyện về cuộc chiến ở đảo Gạc Ma. Mỗi lần xuất hiện trên truyền thông, anh luôn khiến những người đối diện cảm nhận một sức sống tràn trề. Nhưng lần gặp gỡ này, đã hoàn toàn khác, anh nằm trên giường bệnh của bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, khuôn mặt gầy gò, những đường gân xanh nổi rõ, giọng nói yếu ớt... Dù trò chuyện khó khăn nhưng những ký ức về đồng đội vẫn còn nguyên vẹn.

Anh Dũng đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Anh kể với PV khi đang nằm trên giường bệnh. Anh nhớ như in, vào đầu tháng 3/1988, anh cùng 9 tân binh người Đà Nẵng có mặt trên tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. 5h sáng ngày 14/3/1988, ba tàu chiến Trung Quốc xuất hiện, thả ca nô chạy quanh đảo, uy hiếp và sau đó nổ súng. Nói đến đây, nước mắt anh Dũng giàn giụa. Anh kể kiếp, tàu HQ 604 trúng đạn và bị chìm, anh Dũng cố ghì thang trụ cẩu, đạp người lao lên khỏi mặt nước, vớ được những tấm gỗ bấu víu bơi ra xa. Lúc ấy, anh bắt gặp anh Phạm Văn Nhân. Hai anh nhìn thấy một chiếc thùng dầu nổi lên, có một người ngồi bất động bên trên. Linh cảm có người còn sống, cả hai anh quyết định bơi ngược cứu đồng đội.

Về sau, anh mới biết người ấy là anh Trương Văn Hiền. Ba người lênh đênh trên biển, bấu víu vào nhau. Lúc ấy, anh từng nghĩ, mình sẽ không bao giờ được trở về đất liền.

Đến 18h cùng ngày, ba người gặp một chiếc tàu Trung Quốc và bị bắt giữ. Cuối năm 1991, qua đường ngoại giao, anh cùng các đồng đội còn sống được trao trả về nước. Ngày về, anh thấy như mình được hồi sinh. Nước mắt lưng tròng khi người thân cho biết, gia đình đã nhận được giấy báo tử và lập bàn thờ vì cứ ngỡ anh đã hy sinh.

Đối với anh Dũng, những hồi ức về ngày tháng 3 năm 1988 ấy không bao giờ phai nhòa. Nó theo anh đến khi không còn tồn tại nữa. Nhiều đêm, anh vẫn nằm mơ thấy đồng đội. Bao nhiêu năm qua, anh trân quý những kỷ vật còn lại sau cuộc chiến, những tấm bằng khen ghi nhận đóng góp của mình trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma. Điều anh hối tiếc nhất, là trong một mùa bão, nhiều giấy tờ đã bị lũ cuốn trôi. “Tôi vẫn mãi buồn về chuyện này. Nhưng, nhiều người động viên tôi nói đúng, điều đáng quý hơn nữa là sự yêu quý, ghi nhận của người dân, đồng đội từng chia ngọt sẻ bùi”, anh chia sẻ. Suốt nhiều năm qua, anh vẫn nuôi hy vọng, một ngày nào đó, mình được quay lại Gạc Ma, viếng đồng đội đã ngã xuống.

Số phận nghiệt ngã

Sau cuộc chiến, anh Dũng lại quay về với cuộc sống đời thường. Qua mai mối của người thân, anh gặp gỡ và kết hôn cùng chị Trần Thị Lợi (SN 1967). Để có tiền trang trải cho gia đình nhỏ, anh không quản ngại khó khăn, chấp nhận làm những công việc nặng nhọc như khuân vác, phụ thợ hồ. Vợ anh kinh doanh nhỏ. Ba đứa con, một nam, hai nữ lần lượt ra đời.

Nhà cũ giải tỏa, anh đưa ba đứa con về nương nhờ quê vợ. Gom góp tất cả tiền đền bù, vay mượn với hy vọng xây một căn nhà mới an cư. Năm 2001, căn nhà chỉ kịp đặt móng, thì tai nạn ập đến. Con trai đầu, đang học lớp 12, cũng là đứa con trai duy nhất, cháu đích tôn của dòng họ qua đời trong một tai nạn giao thông. Vợ chồng anh đau khổ tột cùng khi nhận được hung tin. “Tôi cứ ngỡ mình không thể vượt qua. Mỗi lần nhìn di ảnh con là lại không cầm được nước mắt. Nhưng, tôi không thể cứ mãi buồn như vậy được. Là đàn ông, mình phải là trụ cột của gia đình, để vợ và hai đứa con nương nhờ”, anh nói. Gia đình anh dắt díu về chốn cũ ở với hy vọng quên đi những chuyện đau buồn. Họ lại gom góp tiền để cất tiếp căn nhà cấp bốn. Số tiền vay mượn thêm vẫn không đủ. Hai năm trôi qua, căn nhà vẫn còn dang dở. Đồng đội, nhiều tấm lòng hảo tâm biết được, chia sẻ để gia đình anh có nơi che mưa, trốn nắng. Căn nhà ấy, đến nay vẫn tuềnh toàng, trống không, chỉ chiếc ti vi là đáng giá.

Giữa năm 2015, tóc anh bỗng rụng nhiều, sức khỏe suy giảm mạnh. Anh biết, cơ thể mình đang có vấn đề nhưng vẫn không dám kể với người thân vì sợ mọi người lo lắng. Nhưng rồi, vợ anh nhận ra sự thay đổi ở chồng và động viên chồng đến bệnh viện. Họ tiếp tục nhận hung tin, anh bị ung thư da. Hơn một năm qua, anh được chữa trị tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng theo phương thức ngoại trú. Anh được mổ hạch, nhiều lần hóa trị, xạ trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Hơn tháng nay, bệnh được xác định giai đoạn cuối nên anh nhập viện, điều trị và được chuyển xuống phòng Hồi sức tích cực. Anh biết, bệnh mình rất nặng, nhưng vẫn mong muốn có một phép màu để mình có thể sống, được nhìn thấy hai con gái trưởng thành. “Hơn năm qua, tôi chỉ quanh quẩn với bệnh tật, tất cả chi phí sinh hoạt đều nhờ vào sự tần tảo của vợ. Tôi lo cho hai con. Bởi, cháu lớn đang học Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo, cháu nhỏ đang học lớp 8. Nếu tôi mất, hai cháu rồi sẽ ra sao? Liệu có đi được đoạn đường chữ nghĩa hay không?”, anh Dũng trăn trở.

Trong suốt câu chuyện, anh Dũng chia sẻ, khi biết anh mắc ung thư, nhiều đồng đội đã tìm đến thăm hỏi. Nhưng, mọi người đều ở xa, gia cảnh cũng không khá giả gì, nên không giúp đỡ được nhiều. Tuy nhiên, tình cảm của đồng đội cũng khiến anh cảm thấy ấm lòng. “Đối với tôi, tình đồng đội không kém gì tình cảm gia đình. Họ đã cùng mình vượt qua những lúc gian khó nhất của cuộc đời. Khi những ngày cuối cùng của cuộc sống, biết họ vẫn còn nhớ, còn thương, còn quan tâm mình như thế thì còn gì bằng”, anh nói.

Bác sĩ Phan Đình Linh, người trực tiếp điều trị cho anh Dũng cho hay, bệnh tình của anh Dũng đang rất nguy cấp. Hiện, ung thư đã di căn vào não, thái dương phải và vùng đỉnh. Bệnh viện đang điều trị giảm đau kết hợp chống phù não. Sự sống của anh có thể kéo dài tầm nửa năm nhưng cũng có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Văn Tấn (Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP. Đà Nẵng) xác nhận: “Anh Dũng là người trở về từ cuộc chiến ở Gạc Ma. Anh đang điều trị bệnh tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Gia đình gồm bốn người đều dựa vào gánh rau của vợ. Do anh bệnh tật, vợ anh phải chăm sóc nên việc mua bán cũng không được đều đặn”. Chính ông Tấn cũng kêu gọi mọi người góp tay giúp gia đình anh Dũng vượt qua lúc khó khăn, bệnh tật này.

Bác sĩ Nguyễn Danh Hiền, Trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ, bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chia sẻ, anh Dũng thuộc diện bệnh nhân nghèo, được miễn, giảm viện phí, thuốc men. Phía khoa cũng đã có ý kiến với lãnh đạo bệnh viện về việc hỗ trợ cho anh Dũng vì anh là cựu binh Gạc Ma. Được biết, mỗi tháng, anh Dũng được hỗ trợ 800.000 đồng. Số tiền này quá ít ỏi so với cuộc sống cũng như chi phí của anh hiện tại. Hàng ngày, anh vẫn đang dùng cháo từ thiện và bữa ăn miễn phí của bệnh viện.

HUY CƯỜNG

Xem thêm video:

[mecloud]M9IOTExrUM[/mecloud]

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/cam-thuong-nguoi-linh-tro-ve-tu-cuoc-chien-gac-ma-bi-can-benh-nan-y-a169907.html