'Cám ơn tình yêu' - bộ phim về Murai Shigeru 'tín đồ' manga Nhật không thể không xem

Với sự chắt lọc và thể hiện tinh tế những góc hình đẹp về khung cảnh Nhật, bộ phim "Cảm ơn tình yêu" đã nhận được hai giải thưởng lần thứ 66 của NHK: “Phim truyền hình xuất sắc nhất” và “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”. Qua mỗi tập phim, khán giả sẽ cảm phục, thấu hiểu công việc khó nhọc của 1 trong 10 tác giả manga nổi tiếng nhất của Nhật - Murai Shigeru.

Một trong 10 tác giả manga nổi tiếng nhất của Nhật - Murai Shigeru.

Bộ phim truyền hình Nhật Bản “Cảm ơn tình yêu”, 52 tập, do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hãng Phim truyện TFS và Công ty MCV giới thiệu, được MCV chuyển nhượng bản quyền, phát sóng trên HTV9 vào lúc 17h30 thứ 6 - chủ nhật hàng tuần, từ 29.7.2016.

“Cảm Ơn Tình Yêu” được chuyển thể từ phim gốc có tên “Gegege no Nyobo” (tạm dịch “Bà xã của Gegege”). Đâylà bộ phim truyền hình buổi sáng thứ 82 của đài truyền hình NHK - Nhật Bản. Chuyện phim dựa theo quyển tự truyện xuất bản năm 2008 của người vợ tác giả truyện tranh nổi tiếng Nhật – ông Mizuki Shigeru (1922-2015).

Trailer phim:

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ được kể lại với góc nhìn của người vợ bằng thủ pháp kể chân thực những giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của đôi vợ chồng nhà Murai. Nhân vật chính – đôi vợ chồng nhà Murai là hình ảnh đại diện cho những người đi đến đỉnh thành công nhờ sự cố gắng, lòng đam mê và tinh thần sát cánh trong gian khó.

Người vợ là Iida Fumie con gái thứ trong một gia đình kinh doanh rượu sa-kê. Fumie là một cô gái vốn nhút nhát, ít nói nên không được sự chú ý của gia đình và mọi người xung quanh. Cuộc sống Fumie cứ trôi qua giữa các biến cố của gia đình. Chỉ vì ngoại hình khá to cao nên đã một lần, Fumie bị từ hôn. Sau lần đó, Fumie dành hết thời gian cho việc nhà, việc kinh doanh cửa hàng rượu của gia đình. 29 tuổi, vẫn chưa ai ngỏ lời với Fumie.

Người chồng - Murai Shigeru là con trai út trong gia đình, từ nhỏ đã có những sở thích không giống ai: thích nghe chuyện ma, thích đến nghĩa trang hay những nơi hoang vắng, thích sưu tập những thứ không ai nghĩ đến (như xương của các con vật), … Nhưng Shigeru lại có biệt tài vẽ đẹp, sáng tác truyện tranh. Đây chính là niềm đam mê và cũng là công việc duy nhất của anh.

Vì sự khác người đó nên không ai dám gả con gái mình cho anh. Bản thân anh cũng không quan tâm đến chuyện vợ con. 39 tuổi, Shigeru vẫn một thân một mình. Sau chiến tranh (1945), Shigeru trở về với một cánh tay để lại chiến trường. Dù vậy anh vẫn tiếp tục vẽ. Một mình đến Tokyo lập nghiệp bằng việc vẽ truyện tranh cho thuê. Shigeru và Fumie đến với nhau nhờ sự mai mối.

Câu chuyện phim xoay quanh cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ được kể lại với góc nhìn của người vợ bằng thủ pháp kể chân thực

Những ngày tháng đầu của cuộc hôn nhân chớp nhoáng đầy những khó khăn, mâu thuẫn. Shigeru cứ miệt mài vẽ tranh, bỏ mặc Fumie lo mọi thứ giữa nơi hoàn toàn xa lạ. Nhưng mâu thuẫn lớn nhất là cả hai không có cơ hội, thời gian để trò chuyện, tìm hiểu nhau. Không thể chịu đựng được, cuối cùng Furmie phải lên tiếng. Shigeru dần quan tâm đến vợ hơn.

Các truyện tranh của Shigeru chủ yếu về đề tài kinh dị lãng mạn, hình ảnh ghê rợn nên rất kén người xem, dù nội dung truyện thú vị. Sau đó, thể loại truyện tranh cho thuê không còn được ưa chuộng nữa, bởi sự ra đời của rất nhiều tạp chí truyện tranh đáp ứng mọi thị hiếu người đọc, thuộc mọi lứa tuổi. Chưa kể đến sự ra đời của “Hội bảo vệ trẻ em khỏi sách xấu” của đông đảo phụ huynh, học sinh tiểu học, trung học, kể cả sinh viên. Tuy vậy, Shigeru vẫn không từ bỏ đam mê sáng tác truyện tranh. Fumie không những không than thở gì, mà còn chia sẻ, gánh vác cùng chồng.

Những quyển truyện tranh của Shigeru không bao giờ lỗi thời và đã chạm đến trái tim của độc giả bằng lối kể chân thực, nét vẽ sống động.

Bên cạnh số đông người không ủng hộ, may mắn vẫn còn những người quan tâm, giúp đỡ Shigeru. Ông Unui – chủ nhà xuất bản nhỏ nhất Nhật Bản - luôn xem những cuốn truyện tranh của Shigeru là kiệt tác. Ông Fukazawa - chủ nhà xuất bản có cái nhìn rộng, luôn dành những ưu ái cho Shigeru bởi với ông, những quyển truyện tranh của Shigeru không bao giờ lỗi thời và đã chạm đến trái tim của độc giả bằng lối kể chân thực, nét vẽ sống động.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của Shigeru chính là được hợp tác cùng công ty xuất bản hàng đầu Nhật Bản Yugensha. Truyện tranh “Cậu bé tivi” đã đưa Shigeru lên hàng đỉnh cao với giải thưởng danh giá nhất năm 1965. Sau giải thưởng đó, Shigeru nhận được vô số đơn đặt hàng và lần đầu tiên, ở ngưỡng hơn 40 tuổi, anh có trợ lí riêng. Cũng từ đây, một điều không tưởng đến với Shigeru, đó là nhận được lời đề nghị chuyển thể truyện tranh “Kitaro” của mình thành phim hoạt hình nhiều tập, phát sóng trên truyền hình…

Shigeru lại có biệt tài vẽ đẹp, sáng tác truyện tranh. Đây chính là niềm đam mê và cũng là công việc duy nhất của anh

Mizuki Shigeru (1922-2015)

- Từ trần ngày 30.11.2015, hưởng thọ 93 tuổi, họa sĩ Shigeru Mizuki được biết đến với biệt tài vẽ quái vật rất sinh động và đầy đủ chi tiết. Ông được xếp ngang hàng với Osamu Tezuka – tác giả của Astro Boy, và được đánh giá là một trong những họa sĩ truyện tranh tài năng và khiêm tốn nhất trong giới.

- Ông sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng quyết không theo nghiệp kinh doanh của gia đình mà theo đuổi đam mê vẽ truyện tranh. Ông tham gia quân đội trong giai đoạn Thế chiến thứ 2, bị mất tay trái nhưng không từ bỏ nghiệp vẽ. Những tựa truyện nổi tiếng của ông là RocketmanGeGeGe no Kitaro, ngoài ra còn rất nhiều truyện ngắn kinh dị đặc sắc.

- Ông được cho là người có công đưa các hồn ma trong truyện cổ vào truyện tranh hiện đại ở Nhật Bản và khai sinh ra một dòng truyện có màu sắc đen tối, nhưng đặc biệt hấp dẫn.

- Ông cũng ham mê các chủ đề liên quan tới yokai (những con ma nghịch ngợm trong văn hóa dân gian Nhật Bản) từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên ông thừa nhận chỉ "thực sự hiểu rõ về các hồn ma, sau khi đã nghiên cứu tác phẩm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Kunio Yanagida.

- GeGeGe no Kitaro (năm 1967) là tác phẩm được nhiều người biết đến nhất của ông. GeGeGe no Kitaro là một bộ truyện về những chuyến phiêu lưu của hồn ma nhí một mắt mang tên Kitaro, được đông đảo bạn trẻ Nhật Bản yêu thích và đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, phim truyền hình, phim điện ảnh và nhạc kịch.

- Loạt truyện Kitaro của ông, bắt đầu bằng Hakaba No Kitaro (Kitaro của nghĩa địa) về sau còn được dựng thành phim hoạt hình và phim truyện nhựa. Mizuki cũng trở thành cái tên được nể trọng nhất trong thể loại truyện về yokai.

Â.T (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/cam-on-tinh-yeu-bo-phim-ve-murai-shigeru-tin-do-manga-nhat-khong-the-khong-xem-576607.bld