Cẩm Khê phát triển tiểu thủ công nghiệp

PTĐT - Những năm qua, huyện Cẩm Khê đã huy động nhiều nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Đây được coi là một giải pháp hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Giới thiệu sản phẩm nấm của HTX nấm Đồng Cam.

Đầu năm 2011, Hợp tác xã (HTX) nấm Đồng Cam (Khu Tân Tiến, xã Minh Tân) ra đời với số vốn điều lệ 4,9 tỷ đồng, thu hút 15 thành viên là người địa phương và diện tích trồng nấm lên đến 2.000m2. Với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, HTX nấm Đồng Cam đã tạo ra thực phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, hàng năm giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động nông thôn trên địa bàn.
Anh Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX cho biết: Mục tiêu phát triển của HTX là quy hoạch mở rộng nhà xưởng, tổ chức lại quy mô sản xuất, ứng dụng nhanh các tiến bộ KHKT, công nghệ cao nhằm sản xuất kinh doanh, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đầu vào giá rẻ, sản phẩm đầu ra bảo đảm chất lượng, uy tín của cơ sở, tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình SX-KD phát triển, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.Đối với lao động nông thôn, nhất là lao động nữ đã quá tuổi được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống… đã và đang là những ngành nghề giúp họ có việc làm, cải thiện cuộc sống. Chị Vi Thị Ngọt, 59 tuổi là người địa phương cho biết nhà chị có 7 sào ruộng, hết thời vụ hoặc tranh thủ những lúc nông nhàn, chị tham gia lao động tại HTX nấm Đồng Cam. “Chịu khó, chăm chỉ cũng thu nhập được 4-5 triệu một tháng, nhà quê tranh thủ làm thêm như vậy cũng phấn khởi, đủ chi tiêu”-chị Ngọt chia sẻ. Cũng như chị Ngọt, chị Nguyễn Thị Hà tâm sự: Nhà 4 khẩu, không có nhiều ruộng cấy, không có nghề tay trái nên tranh thủ những lúc nông nhàn tham gia lao động tại HTX nấm Đồng Cam, vừa có việc làm, lại vừa có thu nhập.Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Khê có 50 HTX; 12 làng nghề truyền thống. Các HTX, làng nghề này đã thu hút trên 2.500 lao động làm việc, trong đó có trên 1.500 lao động thường xuyên.Đến với làng nghề nón lá Sai Nga, sẽ không khó khi bắt gặp hình ảnh những trẻ em hay các cụ già… ngồi cần mẫn khâu từng chiếc nón lá. Được công nhận làng nghề từ năm 2004, nơi đây từ chỗ chỉ coi là nghề phụ của mỗi gia đình, giờ đây, nghề làm nón lá đã giúp người dân có thêm thu nhập. Bình quân mỗi năm, cả làng sản xuất ước đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Ông Trần Thành Trung- Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Khê cho biết: Để phát triển TTCN, hiện nay huyện tập trung thực hiện chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống; chú trọng đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương, huyện đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề như tập huấn, đào tạo cho lao động nông thôn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp, xây dựng thương hiệu làng nghề, xây dựng mô hình phát triển làng nghề; tham gia hội chợ trong nước… tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm TTCN của huyện. Việc hỗ trợ sản xuất đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề, HTX…trên địa bàn huyện Cẩm Khê chủ động đầu tư công nghệ mới trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202012/cam-khe-phat-trien-tieu-thu-cong-nghiep-174242