Cảm hứng sáng tạo từ mái đình làng

Vẫn là công việc của một người thực hành sáng tạo, nhưng nguồn cảm hứng không đến từ những xu hướng bên ngoài; giá trị văn hóa dân gian của dân tộc trở thành cái đẹp để nhiều họa sĩ theo đuổi.

Triển lãm nhóm với chủ đề “Đam mê” (từ nay đến hết ngày 24-3, tại Hội Mỹ thuật TPHCM), nhiều khán giả ấn tượng với những mảng màu rực rỡ, những hình khối phóng khoáng của họa sĩ Trần Trọng Đạt. Mỗi tác phẩm như tạo dựng nên một không gian nghệ thuật đầy tự do, nơi vẻ đẹp từ những mái đình làng đã rêu phong năm tháng trở thành nguồn cảm hứng hội họa của họa sĩ.

Họa sĩ Trần Trọng Đạt và tác phẩm trưng bày trong triển lãm “Đam mê”

19 tác phẩm trưng bày trong triển lãm được họa sĩ thể hiện với kỹ thuật và tạo hình mới, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Việt Nam. “Nhìn qua nội dung tranh như hoa sen, rồng, hổ hay tiên nữ, tôi có thể cảm nhận được mình đã bắt gặp đâu đó trong các đình, chùa. Dù cảm giác quen thuộc nhưng tạo hình trong tranh mềm mại và mang hơi hướng hiện đại”, anh Vũ Phan Hoài An (37 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết.

Chia sẻ về cảm hứng sáng tác từ những hình ảnh họa tiết gắn với đình, chùa, họa sĩ Trọng Đạt bày tỏ: “Lúc nhỏ, mỗi khi đi học về tôi lại ra đầu làng để xem một người thợ thủ công vẽ cổng chùa. Đến khi vào TPHCM, tôi chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp là “Cổng làng trong đời sống người Việt”. Những đóa hoa sen, con rồng được chạm khắc tinh xảo không chỉ là họa tiết trang trí, mà còn là sợi dây kết nối tôi với miền quê cũ, trở thành một nguồn cảm hứng để tôi sáng tạo tác phẩm mà chưa bao giờ tôi thấy nó cũ hay chán”.

Những người thợ vẽ cổng chùa, đình làng để đôi bàn tay cuốn theo trí tưởng tượng và không câu nệ vào các bài bản, thì họa sĩ Trần Trọng Đạt cũng thế. Lối vẽ của anh cũng tự do trong từng nét cọ. Như tác phẩm “Nguyện cầu” lấy cảm hứng từ điêu khắc tiên nữ ở đình Hữu Bổ (tỉnh Phú Thọ) có từ thế kỷ 17 được phối trộn với họa tiết sen và con rồng uốn lượn tạo nên một khung cảnh bay bổng thần tiên. Hay khi ngắm bức tranh “Đội sen”, người xem sẽ bước vào thế giới thần bí bởi những họa tiết vốn đã rất quen thuộc ở chùa Dâu (Bắc Ninh) nay lại được lai ghép với rồng trong một bộ hòa sắc rực rỡ.

Để giữ được sự tự do, phóng khoáng trong sáng tác, họa sĩ Trần Trọng Đạt cho biết: “Bên cạnh công việc, tôi cố gắng dành thời gian để dạy những lớp học vẽ miễn phí cho các bạn nhỏ ở gần nhà (ở quận Tân Bình). Chính điều này là cách để tôi giữ lửa đam mê sáng tác và gìn giữ bản sắc nghệ thuật của mình, bởi qua nét vẽ ngây thơ, đơn giản của các em, tôi học được cách nhìn nhận cuộc sống bằng một góc nhìn mới mẻ và đầy cảm hứng”.

THIÊN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cam-hung-sang-tao-tu-mai-dinh-lang-post731817.html