Cấm ép học sinh mua đồng phục

Đầu năm học mới, câu chuyện mua đồng phục học sinh lại 'nóng' các diễn đàn. Năm nay, nhiều phụ huynh cho rằng, đồng phục mặc cả tuần nên nhà trường cần chú trọng đến chất lượng vải thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông.

Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cấm các trường may thêm họa tiết trên áo (ảnh minh họa)

Vải xấu, nóng, học sinh rất khổ

Thông thường nhà trường gửi danh sách các loại quần áo gồm: áo đồng phục ngắn tay, dài tay, chân váy, bộ đồ thể thao mùa hè, bộ đồ thể thao mùa đông, áo khoác mùa đông đi kèm cùng giá tiền để phụ huynh nắm được. Khi đó, căn cứ vào nhu cầu, phụ huynh sẽ tự nhặt các món đồ và đăng ký với nhà trường hoặc tự mua ở ngoài. Có gia đình đăng ký mua mỗi món vài chiếc, số tiền lên tới hơn 4 triệu đồng. “Tuy nhiên, trường cho học sinh mặc đồng phục cả tuần. Số quần áo mua cho con mặc cả năm nên tính ra từng tháng không phải số tiền lớn. Thời điểm này, trường chưa phát đồng phục năm học mới”, một vị phụ huynh nói.

Chị Trần Thị Thu Trang (có con học lớp 8 một trường THCS tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, mỗi chiếc áo, quần đồng phục không quá đắt, chỉ từ 150.000 đồng đối với áo sơ mi, 250.000 đồng đối với áo khoác mùa đông. “Tuy nhiên, điều mình mong muốn là năm nay chất lượng vải được cải thiện vì năm ngoái vải quần dày, cứng, chất liệu nhiều ni lông không thấm hút mồ hôi trong khi các con mặc đồng phục cả tuần rất tội. Nhất là đồng phục thể dục cần vải mềm mại, co giãn, nhưng trên thực tế vải dày, nóng”, chị Trang nói.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội), cho biết, đồng phục là vấn đề do thỏa thuận của cha mẹ học sinh với đơn vị cung ứng. Nhà trường chỉ tham gia với vai trò đưa ra mẫu mã đồng phục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh. Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường phải đưa ra các mẫu đồng phục đơn giản, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh, tránh gây tốn kém, lãng phí.

“Cơ quan quản lý cũng nghiêm cấm các trường ép học sinh mua đồng phục mới đầu năm học. Nhiều năm nay, đơn vị chưa nhận được ý kiến phản ánh của phụ huynh về việc trường thay đổi mẫu mã, làm khó phụ huynh. Nếu có, Phòng GD&ĐT sẽ xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm”, ông Hậu nói.

Đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới. Nhà trường có thể cung cấp mẫu để phụ huynh chủ động mua cho học sinh và không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

Cấm các trường đổi mẫu mã

Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu các trường “tuyệt đối không bắt buộc học sinh may hay mua đồng phục mới vào đầu năm học. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước nếu để ra sai sót, lạm thu về thực hiện đồng phục”.

Ngoài ra, sở cũng cấm các trường in phù hiệu trên áo, không may thêm các họa tiết như cà vạt, nơ, viền… gây khó khăn cho phụ huynh khi mua, may trên thị trường.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần. Trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục.

Liên quan đến đồng phục của học sinh, theo đại diện của Bộ GD&ĐT, đơn vị đã có quy định rất rõ về tiêu chuẩn, nguyên tắc để hằng năm các Sở GD&ĐT làm căn cứ triển khai, giám sát cơ sở giáo dục. Trong đó, Bộ GD&ĐT quy định, đồng phục học sinh bao gồm quần đồng màu, áo đồng màu (có thể áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép. Nguyên tắc mặc đồng phục của học sinh trong các trường học phải đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh, đồng thời đảm bảo tính ổn định. Đồng phục cũng phải phù hợp điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của từng trường học, địa phương.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cam-ep-hoc-sinh-mua-dong-phuc-post1561253.tpo