Cảm động hành trình mẹ đồng hành cùng con chữa khỏi bệnh tăng động

Ngồi viết những dòng này mẹ muốn chia sẻ cho những ai có con giống con của mẹ, hãy cho bé đi khám sớm nhất có thể khi nghi ngờ bé bị tăng động, đừng để thời gian trôi qua vô ích.

Có con là niềm hạnh phúc lớn nhất của ba mẹ

Ngày con chào đời, mẹ nằm trên bàn đẻ nước mắt cứ tuôn không kìm được, các bác sĩ động viên: "Thôi đẻ xong rồi sao lại khóc". Khóc không phải vì mẹ đau mà vì mẹ quá hạnh phúc, hạnh phúc vì giờ phút sinh con, mẹ có bố con ở bên cạnh nắm chặt tay mẹ để động viên, hạnh phúc vì có một hình hài nhỏ xinh đã được thai nghén và trở thành một phần cơ thể của mẹ. Nhìn con khóc oe oe, gương mặt giống bố như đúc, mẹ cảm nhận được ông bà hai bên cũng vui biết chừng nào.

Những ngày tháng sau đó, từ chỗ không biết gì, mẹ biến mình thành một cái máy đa zi năng bất cứ lúc nào con cần. Bản năng làm mẹ khiến mẹ tự nhiên làm thành thục mọi thứ như thể đã được huấn luyện trước.

Mẹ có thể vừa cho con ti một bên vừa hút sữa từ bên còn lại, có thể vừa nấu cơm dọn nhà vừa làm đồ ăn dặm vừa chơi với con, có thể vừa bế con vừa trò chuyện lại vừa ăn cơm. Một công đôi ba việc thế mà lại hay con nhỉ. Rồi từ lúc nào, mẹ trở thành huấn luyện viên cho bố, tắm cho con, cho con ăn, chơi với con và việc mà bố hãi nhất là thay bỉm khi con ị, mẹ cũng cho bố tốt nghiệp được, con thấy mẹ có siêu không?

Dũng cảm đối diện với sự thật: Con trai mẹ bị tăng động!

Thời gian rảnh rỗi, mẹ lên mạng đọc các thông tin về những loại bệnh trẻ em thường gặp để có kiến thức phòng tránh cho con. Mẹ đặc biệt lưu ý đến bệnh tăng động giảm chú ý.

Bé của mẹ lớn lên từng ngày, chiều cao cân nặng của con luôn vượt chuẩn cấp độ 1 nên mẹ không phải lăn tăn, có điều con trai của mẹ hơi nghịch hơn và chậm nói hơn so với các bạn.

Khi trao đổi với mọi người, hầu hết đều gạt đi và bảo mẹ rằng trẻ con nó nghịch là chuyện bình thường, là con trai phải nghịch và thường sẽ chậm nói hơn con gái. Mẹ lại có chút yên tâm.

Nhưng càng ngày, biểu hiện của con càng rõ. Mẹ ở cùng con 24/24 đương nhiên mẹ sẽ rõ hơn mọi người. Mẹ đắn đo suy nghĩ mãi, mẹ và bố cũng nói chuyện với nhau khá nhiều.

Cha mẹ nên quan tâm đến những biểu hiện thường ngày của trẻ.

Cuối cùng, mẹ hỏi kinh nghiệm của các mẹ khác và quyết định đưa con đi kiểm tra. Buổi đánh giá của con kéo dài tới 2 tiếng cuối cùng cũng kết thúc và mẹ ra về thấp thỏm chờ đợi.

Ngày nhận được email thông báo kết quả, mẹ ngồi chực khóc. Con trai mẹ bị tăng động thật rồi!

Tối đấy, mẹ ôm và khóc với bố. Đó là điều mẹ đã lường trước nhưng vẫn là một cú sốc quá lớn. Nhìn con bụ bẫm, ánh mắt nhanh nhẹn ai cũng khen thông minh, thế mà giờ lại mang tiếng là tăng động. Mọi người nghe đến từ ấy là có chút kỳ thị. Nhưng mẹ nhìn con ngủ, ôm con vào lòng và tự hứa sẽ phải chữa cho con bằng được.

Thật may, các bác sĩ nói con trai của mẹ chỉ mới chớm bị, tức là tăng động thể nhẹ.

Các bác sĩ cứ nhắc mãi về việc mẹ là người dũng cảm cho con đi khám sớm lúc 19 tháng, độ tuổi vàng để đánh giá chính xác. Hầu hết các mẹ khi cho con đến khám đều đã qua 3 tuổi mà các cô nói trẻ dưới 3 tuổi là thời điểm vàng để đánh giá và uốn nắn, qua giai đoạn đó thì mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều.

Cảm giác của một người mẹ đã giúp mẹ có quyết định chính xác cho cuộc đời của con và của mẹ sau này. Nếu như mẹ mặc cảm, mẹ xấu hổ không cho con đi khám, cứ để như thế thì sẽ là quá muộn và hành trình của mẹ con ta có lẽ sẽ không được suôn sẻ như bây giờ.

50 ngày mẹ cùng con nỗ lực

Con bắt đầu đi học lớp đặc biệt. Sáng dậy làm thủ tục cá nhân, đi ăn sáng rồi 2 mẹ con lục tục đèo nhau lên phố đi học. Quãng đường của con đi học xa hơn các bạn nhưng lại rất gần để đến với thành công. Cả đi cả về 10km, ngày mát thì dễ chịu, ngày nắng thì cũng nhễ nhại mồ hôi, ngày mưa thì vất vả hơn chút xíu, mẹ phải tìm mọi cách chế ra mái che mưa để choàng áo mưa cho con khỏi khó chịu, nhét balo vào ghế của con để mỗi lần phanh xe con không trượt dài về phía trước.

Mỗi hành động dù là nhỏ nhưng đều chứa đầy tình yêu của mẹ dành cho bé yêu. Mẹ phát hiện ra nhờ những buổi học này, con học 1 thì mẹ cũng học được 2, 3 thứ: học cách chơi với con, học cách dạy con, học cách kìm chế bản thân mỗi lần con làm trái ý.

Hãy luôn đồng hành cùng con.

Lúc đầu con phá phách, con đánh bất kể là ai, con la hét, xoay vòng vòng, không vừa ý là ăn vạ rồi tự đập đầu vào ghế, vào thành giường, tự làm mình đau hay cáu giận. Nhiều lúc mẹ quát con không được, mẹ đánh con, rồi con khóc mẹ cũng khóc. Mẹ gần như bất lực.

Kỳ diệu thay, con đi học 1 tuần về, con nền tính hơn hẳn, ai cũng nhận ra. Rồi cái ngày con nói "cây", mẹ mừng phát khóc, cuối cùng thì cũng bõ công ngày nào mẹ cũng chỉ cho con và nói con nghe, nói nhiều tới nỗi bố bảo mẹ mày có thể nói câu khác được không. Nhưng mẹ không sợ chán, mẹ chỉ sợ con không chịu học. Thật may con trai mẹ rất hợp tác. Dù ngọng líu ngọng lô nhưng dạy gì con cũng nói theo.

Và đây, thành quả 50 ngày học của con. Con biết nói, con suốt ngày vuốt má thơm mẹ chút chít, con không còn đánh bạn và ở lớp mẫu giáo gần nhà có rất nhiều các anh chị lớp lớn quý con vì lúc nào con cũng vui vẻ đáng yêu.

Dạy con cái gì cũng học rất nhanh. Bảo đến giờ cơm, con biết kéo ghế ăn của con, kéo bàn cho mẹ, ăn xong biết cất nồi cơm cùng mẹ, dùng bô xong biết đóng nắp và xả nước bồn cầu, biết mở nắp hộp biết cầm lược chải đầu, biết dí cốc vào miệng cho mẹ để mẹ uống nước,…

Đối với những bé khác, đó là chuyện bình thường, nhưng với con trai mẹ, đó là cả một sự nỗ lực từ mẹ và sự hợp tác của con.

Mẹ cảm ơn con vì con tiến bộ quá nhanh, chỉ sau 50 ngày, con đã thành người khác, con hiểu biết, con đáng yêu, con biết nghe lời, con có trách nhiệm, con biết giúp đỡ mẹ. Các cô chú ở phòng khám nói rằng, con là học sinh vui vẻ nhất ở đây, ai cũng quý, ngay cả những bác sĩ nước ngoài sang đây khám bệnh miễn phí cũng rất ấn tượng.

Con trai mẹ đã không còn tăng động nữa, mẹ có thể yên tâm đi làm. Sau 2 năm ở nhà với con, mẹ lại bước ra đời bon chen, có nhiều cám dỗ, nhiều thị phi nhưng mẹ không ngại khó ngại khổ vì con chính là động lực cho mẹ cố gắng từng ngày.

Ngồi viết những dòng này mẹ muốn chia sẻ cho những ai có con giống con của mẹ, hãy cho bé đi khám sớm nhất có thể khi nghi ngờ bé bị tăng động. Đừng để thời gian trôi qua vô ích, gạt bỏ mặc cảm và lời nói của mọi người, hãy làm theo bản năng của người mẹ.

Q.H

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/me-va-be/cam-dong-hanh-trinh-me-dong-hanh-cung-con-chua-khoi-benh-tang-dong-84441/