Cái tình là cái chi chi...

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cái ngày nhà thơ Nguyễn Quốc Lập đến tòa soạn Báo Hànôịmới tặng tôi tập thơ mang tên 'Hoa nói hộ lòng anh' xuất bản năm 2010.

Với tôi, Nguyễn Quốc Lập là một người làm thơ duy tình, luôn coi trọng cảm xúc mỗi khi cầm bút. Cái tình thơ của ông luôn đạt đến độ dào dạt, dâng trào và lúc nào cũng như muốn băng lướt lên tất cả. Dường như ông đi đến đâu là thơ ra đời ở đó. Với một người làm thơ, có một bản năng thơ và một xuất phát thơ như thế, được coi là thế mạnh. Không có ưu điểm này, sẽ rất khó có thơ và khó viết được nhiều thơ.

Tính từ 2004 đến 2019, trong vòng 15 năm, Nguyễn Quốc Lập đã xuất bản nhiều tập thơ: “Điều còn lại”, “Hoa nói hộ lòng anh”, “Hương quê mùa hoa nhãn”, “Hành trình phía chân trời”, “Sóng đời”, “Gửi nắng cho em”, “Cám ơn nước mắt”, “Tự khúc giữa dòng”. Với một người bước vào thơ và theo đuổi sự nghiệp thơ khi ngấp nghé tuổi lục thập mà cho ra đời gần chục đứa con tinh thần như thế thì cũng thật đáng kể và đáng nể! Rồi cứ thế, “lượng biến đổi thành chất”, Nguyễn Quốc Lập đã tạo ra một bước chuyển động và những nét khác biệt trong thơ mình. Cách đây mấy năm, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Không dừng ở đấy. Năm 2023, cho dù ở tuổi 75 - 76, nhưng ông vẫn không bằng lòng với mình và tiếp tục cho ra mắt một tập thơ mới nữa, vừa dày dặn, vừa đầy đặn với tên gọi “Lục bát bốn mùa”. Đây là tập thơ với 100 bài, trăm phần trăm theo thể lục bát.

Viết thơ lục bát đã khó, in một lúc cả trăm bài thơ lục bát lại càng khó hơn. Nhưng Nguyễn Quốc Lập đã vượt qua thách thức ấy. Đến Tam Đảo, ông như phát hiện ra: “Đèo cao/ dốc đứng/ mịt mù/ Phố treo đỉnh núi/ nhà đu mé rừng” (“Tạm biệt Tam Đảo”). Về chùa Hương, ông như được thoát tục và trở về miền tâm linh: “Về đây/ gột rửa ưu phiền/ thoát vòng vướng bận/ chạm miền thảnh thơi/ Nghe lá rụng/ nghe mưa rơi/ và nghe gió cất những lời tự do (“Chùa Hương”). Với ông, ngày nào cũng là một ngày mới thấm đẫm nỗi thiên - địa - nhân trong sự hàm ân: “Mỗi ngày lật mở từng trang/ Trời che, đất chở, tôi mang phận người” (“Mỗi ngày”). Từ tâm sự rất chân thành: “Thơ tôi rút ruột mà ra/ Chắt trong cuộc sống đậm đà nên hương/ Lọc từ hương nhãn trong vườn/ Lời ru của mẹ, nỗi niềm tình cha” (“Thơ tôi”), ông hướng ra bên ngoài với sự sẻ chia nhân bản: “Chia cho nhau hạt giống này/ Để nhân lên những tháng ngày cỏ cây/ Rồi cộng vào chút sum vầy/ Để trừ đi những hao gầy, cách xa/ Còn ai đang ở ngoài kia/ Vào đây trừ - cộng - nhân - chia... chúng mình”. Đấy là nguyên văn bài thơ “Bốn phép tính” và cũng là một tứ thơ độc đáo của Nguyễn Quốc Lập. Chỉ bằng bốn phép tính thông thường thôi, Nguyễn Quốc Lập đã chỉ ra được phép sử dụng những hạt giống của tình yêu thương và sự khoan dung trong đời sống của con người ít nhiều có nét biến ảo.

Chưa hết. Trong “Lục bát bốn mùa”, liều lượng thơ tình của Nguyễn Quốc Lập chiếm một tỷ lệ lớn. Do xác định cả đời mình chỉ “Đi về phía tình yêu” (“Chiều”), và “Một đời ơn đất, ơn trời/ Thương cho hết những quãng đời của nhau” (“Từng”), cùng với “Nhớ em nhớ cả nụ cười/ Thương em thương hết chân trời, còn đi” (“Với em”), nên lúc nào ông cũng đắm đuối và trân trọng tình yêu. Ông đề cao sự tự nhiên gặp gỡ mà nên duyên và cũng ngỡ ngàng trong sự gặp gỡ mà nên duyên ấy. Đến nỗi, có lúc ông phải thốt lên: “Cái tình là cái chi chi/ Ngày hôm ấy gọi ngày gì, hở em?”.

Trong “Lục bát bốn mùa”, Nguyễn Quốc Lập có đôi lần nhắc đến hương nhãn và nhãn lồng. Điều đó cho thấy tình cảm với Hưng Yên quê hương ông lúc nào cũng sâu nặng, thủy chung. Đặc biệt, từ chất liệu ca dao, bài thơ “Gặp duyên” đã khiến tâm hồn ông bay bổng và như được thăng hoa trong ông đến từng khoảnh khắc cùng tình yêu và Phố Hiến của ông: “Hỡi cô cắt cỏ bên sông/ Anh phải lòng đấy/ Em lồng sang đây!”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cai-tinh-la-cai-chi-chi-655836.html