Cải thiện tuân thủ điều trị, hướng đến cam kết bền vững cho sức khỏe toàn cầu

Hội nghị a:care toàn cầu 2022 được Abbott tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để làm rõ các yếu tố tiềm ẩn đằng sau những thách thức về tuân thủ điều trị và đưa ra các giải pháp thiết thực cho vấn đề này.

Gánh nặng của vấn đề tuân thủ điều trị

200.000 ca tử vong sớm ở Châu Âu mỗi năm chủ yếu gây ra bởi việc kém tuân thủ điều trị, cùng 125 tỷ euro tại châu Âu và 105 tỷ USD Mỹ tại Hoa Kỳ mỗi năm cho dịch vụ y tế phát sinh bởi những trường hợp nhập viện lẽ ra có thể tránh được1 là những con số đủ để cho thấy tác động nghiêm trọng của việc không tuân thủ điều trị đến sức khỏe người dân và hệ thống y tế các quốc gia.

Mức độ tuân thủ điều trị thấp đang là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, khiến việc kiểm soát một số bệnh vẫn chưa được cải thiện mặc dù đã có nhiều tiến bộ y tế. Theo các thống kê từ Bộ Y tế Việt Nam, hiện nay có đến 77% số ca tử vong trên cả nước gây ra bởi các bệnh không lây nhiễm, trong đó, cứ ba người thì có một người tử vong do các bệnh tim mạch, tương đương 200.000 người mỗi năm, gấp 10 lần số người chết do tai nạn giao thông. Cả nước đang có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, nguyên nhân hàng đầu gây ra tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim. Đáng tiếc thay, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tuân thủ điều trị tăng huyết áp chỉ ở mức 16%.

"Thuốc chỉ có tác dụng và làm giảm các cơn đau tim cho những người có sử dụng thuốc"- GS Lale Tokgözoğlu từ Đại học Hacettepe, Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ. Hầu hết mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của trái tim và hệ tuần hoàn đối với sức khỏe nhưng các bệnh nhân tim mạch vẫn không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, bất chấp những rủi ro và hậu quả. GS Alta Schutte từ Đại học New South Wales ở Úc cho biết thêm: "Tuân thủ điều trị kém nên được công nhận là một yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng mà cả bác sĩ và bệnh nhân đều cần được nâng cao nhận thức".

Ung thư cũng là một trong các bệnh không lây nhiễm tạo ra gánh nặng lớn cho gia đình bệnh nhân, người chăm sóc, bác sĩ và hệ thống y tế nói chung. Số người mắc ung thư trên thế giới được dự kiến sẽ tăng gấp rưỡi trong vòng 2 thập kỷ tới. Tại Việt Nam, năm 2020 ghi nhận 182.563 ca mắc ung thư và 122.690 ca tử vong do ung thư, gấp 18 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông trong cùng năm và gấp 3 lần tổng số người tử vong vì COVID-19 tính đến 08/2022. Trong khi đó, có chưa đến một nửa số bệnh nhân ung thư tuân thủ điều trị.

Giải pháp bền vững cải thiện tuân thủ điều trị

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần mọi người sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, chúng ta sẽ thu được tác động tích cực đến sức khỏe lớn hơn bất kỳ tiến bộ nào trong điều trị y tế. Với riêng việc bệnh nhân tuân thủ điều trị, chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng 8% tổng chi phí y tế trên toàn cầu.

Mức độ tuân thủ điều trị thấp là một thách thức đa chiều gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự hạn chế trong nhận thức của bệnh nhân, sự thiếu niềm tin và mệt mỏi với việc điều trị và cả những nỗi lo về tài chính. Tại hội nghị a:care toàn cầu 2022 do Abbott tổ chức, các chuyên gia y tế và khoa học hành vi trên thế giới đã cùng nhau thảo luận để tìm ra phương pháp hữu hiệu để hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn. Điều quan trọng không chỉ là điều trị bệnh mà còn là giao tiếp, trao đổi để hiểu những khó khăn và trải nghiệm của từng bệnh nhân. Nhiều chuyên gia về khoa học hành vi đồng tình rằng việc đưa ra yêu cầu, thuyết giảng hay đe dọa là cách kém hiệu quả nhất để cải thiện hành vi của bệnh nhân. Chìa khóa để xây dựng thói quen tuân thủ điều trị chính là thay đổi phương thức giao tiếp để bác sĩ và bệnh nhân hiểu nhau hơn.

TS Matthias Mueller, Phó Chủ tịch phụ trách Đổi mới và Phát triển của ngành hàng Dược phẩm tại Abbott cho biết: "Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận rằng điều quan trọng hàng đầu chúng ta có thể làm ngay hôm nay để cải thiện sức khỏe của người dân trên toàn thế giới chính là thúc đẩy việc tuân thủ điều trị. Do đó, trong nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tăng cường sức khỏe cho mọi người, Abbott liên tục phát triển các phương pháp tiếp cận sáng tạo để giúp nhiều người làm theo lời khuyên của bác sĩ thường xuyên hơn và từng bước hướng tới việc có sức khỏe tốt hơn. Cách tiếp cận độc đáo của chúng tôi để cải thiện sự tuân thủ được thúc đẩy bởi sự kết hợp của khoa học hành vi và công nghệ. Bằng cách hợp tác với những chuyên gia hàng đầu trong cộng đồng y tế, chúng tôi cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là cải thiện sự tuân thủ và giúp mọi người sống cuộc sống khỏe mạnh hơn".

Là một phần trong nỗ lực cải thiện tuân thủ điều trị, Abbott đã ra mắt a:care, một chương trình dựa trên nghiên cứu hiện đại về khoa học hành vi và tuân thủ điều trị. Chương trình cung cấp thông tin và nguồn lực toàn diện để giúp các chuyên viên y tế hiểu rõ hơn về động cơ, niềm tin và hành vi liên quan đến việc tuân thủ điều trị, cũng như cách vận dụng những kiến thức này khi điều trị cho bệnh nhân. a:care không tập trung vào bất kỳ loại thuốc nào, có thể áp dụng bao quát cho các lĩnh vực điều trị khác nhau và hoàn toàn miễn phí.

Bên cạnh việc tập trung thúc đẩy cải thiện tuân thủ điều trị, những cam kết bền vững từ Abbott cho sức khỏe toàn cầu còn bao hàm cả việc cam kết mang đến những sản phẩm thuốc chất lượng để tiếp cận nhiều người hơn ở nhiều nơi hơn bao giờ hết, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới trong cả thuốc và các dịch vụ đi kèm. Tất cả những điều này không nằm ngoài mục tiêu cuối cùng là giúp mọi người có cuộc sống khỏe mạnh hơn, trọn vẹn hơn.

Ngân Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cai-thien-tuan-thu-dieu-tri-huong-den-cam-ket-ben-vung-cho-suc-khoe-toan-cau-169221015132104272.htm