Cái tết đủ đầy của mẹ

Đã ngoài ba mươi tuổi nhưng mỗi dịp tết đến được nghe lại những câu hát quen thuộc về ngày tết, trái tim tôi như chậm lại một nhịp. Cả một kí ức về tuổi thơ đầy khó khăn nhưng ấm áp, nhất là vào những ngày tết luôn được tôi lưu giữ trong trái tim.

Cái tết khiến tôi nhớ nhất là năm tôi học cấp ba khi bố bị ốm nặng ngay sau khi nhà tôi vừa xây sửa lại, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai nhỏ bé của mẹ và chị em tôi và cũng không còn cái tết đầy đủ ấm no như mọi năm. Mẹ vừa chăm bố ốm vừa lo trả nợ xây nhà, tiền thuốc cho bố,… nhưng mẹ vẫn cố gắng lo một cái tết đủ đầy theo đúng nghĩa.

Mẹ bảo rằng cả năm chỉ có mấy ngày tết phải ăn uống đầy đủ sung túc thì cả năm mới ấm no được. Năm đó bố tôi nằm viện đến ngày hai mươi tám tháng chạp thì xin về nhà, bố muốn về gói bánh chưng cùng chị em tôi. Sáng sớm, mẹ cho hai chị em tôi đi chợ Huyện mua lá dong, ống nứa và thịt ba chỉ. Gạo nếp và đỗ xanh mẹ đã ngâm từ tối hôm trước. Sáng mẹ dậy sớm để đãi sạch sẽ và để sẵn ra thúng, tôi được giao nhiệm vụ rửa lá dong, lau khô lá; bố thái thịt, nhặt hành và chẻ ống nứa. Sau khi chuẩn bị xong hết, bố sẽ ngồi gói bánh, tôi với em ngồi phụ bố gói đếm từng chiếc bánh.

Năm đó là năm đầu tiên tôi ngồi học gói bánh cùng bố, vì chân bố đau nên cứ gói một lúc là lại phải ngồi lên giường để nghỉ, vừa gói bố vừa hướng dẫn và kể cho chị em tôi nghe về những ngày xa xưa về tuổi thơ của bố bên ông bà. Đến tầm quá trưa là bố gói xong, mẹ chuẩn bị nồi nấu bánh. Mẹ bảo nồi bánh chưng phải nấu tầm 10-12 giờ mới chín, thế là mẹ canh nồi bánh đến đêm.

Tối đó, mẹ rải rơm trên nền bếp, bên trên là chiếc chiếu cũ để ngồi trước nồi bánh chưng. Mẹ bảo tôi đi ngủ mà tôi cứ thích nằm trên cái ổ rơm đó để ngửi mùi hương từ nồi bánh đang sôi sùng sục hòa cùng mùi thơm của bếp củi. Tôi ngồi đó phụ cho thêm củi vào bếp, nếu thấy nước cạn thì gọi mẹ để đổ nước vào nồi. Nhưng cũng chỉ được một lúc rồi tôi cũng buồn ngủ, tôi đi ngủ lúc nào cũng không nhớ, chỉ biết sáng hôm sau tỉnh dậy đã thấy bánh chưng được mẹ xếp ngay ngắn ở trên nền nhà rồi dùng tấm gỗ hoặc thớt ép bánh. Mẹ bảo phải ép thế bánh mới chắc và để được lâu hơn, ăn cũng ngon hơn. Sáng ngủ dậy bố bóc một tấm bánh chưng để cả nhà cùng thưởng thức thành quả lao động của cả ngày hôm trước. Đến chiều, tôi cùng mẹ đi biếu bánh đến ông bà nội ngoại vì ngày ba mươi tết thì nhà nào cũng bận bày biện và làm mâm cơm cúng giao thừa nên không đi đâu được.

Và một món ăn tinh thần không thể thiếu là cành đào cây quất trong nhà. Tôi bảo mẹ năm nay nhà mình không có điều kiện thì không cần mua cũng được nhưng mẹ bảo "em mày thích thì mẹ cố mua cho nó vui, học giỏi". Nghe xong câu đó, tôi thấy thương mẹ nhiều hơn vì với mọi người nó chỉ mất thêm một khoản tiền nho nhỏ nhưng với mẹ thì phải cố gắng nhiều hơn để có cành đào hay cây quất cho chúng tôi vui. Ngày ba mươi tết, mẹ đi dạo quanh chợ đến gần trưa, sau một hồi mặc cả, mẹ đã mua được một cây quất có đủ quả chín, quả xanh và hoa, mẹ gọi đó là lộc đầu xuân.

Ở nhà bố đã lau sẵn cái chậu mua từ nhiều năm trước để trồng cây quất, tôi với em trai lấy bộ đèn nhấp nháy trong tủ cùng bố trang trí. Đến tối, tôi phụ mẹ làm mâm cơm cúng giao thừa, mẹ thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, chắp tay cầu nguyện mời ông bà về ăn cơm cùng gia đình và mẹ mong các cụ tổ tiên phù hộ cho năm mới gặp điều may mắn, cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình.

Bàn thờ luôn là nơi được mẹ lau dọn và bày biện chu đáo trước mỗi dịp tết

Sáng mùng một, mẹ dẫn chúng tôi đi đến từng nhà người thân để chúc tết. Mẹ vẫn chu đáo như mọi năm, mang bánh chưng, hộp bánh hay cân đường, gói mì chính, gói kẹo… đi chúc tết, mẹ cũng không quên lì xì cho các cháu.

Tết năm đó dù bao nhiêu khó khăn mẹ vẫn lo cho chúng tôi một cái tết đủ đầy theo đúng nghĩa của tình thương - tình thân. Tình yêu thương và sự cố gắng của mẹ đã truyền cảm hứng cho chị em tôi để cùng nhau đỗ vào đại học và cùng bảo ban nhau vượt qua bao nhiêu khó khăn để hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

VŨ THỊ PHƯƠNG THÚY (phường Mĩ Xá, thành phố Nam Định)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cai-tet-du-day-cua-me-post727330.html