Cái nhìn chân thực về một đời văn đầy dấu ấn

Buổi ra mắt tập di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp 'Anh hùng còn chi' với sự tham gia của họa sĩ Lê Thiết Cương - người bạn thân thiết của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đồng thời là họa sĩ vẽ bìa cho cuốn sách; TS văn học Mai Anh Tuấn - người biên soạn cuốn sách; nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong vai trò dẫn dắt đã thu hút đông đảo độc giả đến tham dự và một lần nữa khẳng định sức hút của văn chương Nguyễn Huy Thiệp.

Buổi ra mắt sách thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, độc giả nhiều lứa tuổi tham dự. Ảnh: Huyền Thương

Một công trình tỉ mỉ, đầy tâm huyết

Tập di cảo “Anh hùng còn chi” là thành quả từ quá trình tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu những tác phẩm thơ chưa từng được biết đến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bên cạnh đó có một số truyện ngắn đã xuất bản nhưng vì lẽ nào đó bị lãng quên, các kịch bản phim, tiểu luận, những ký họa trên gốm, cùng những tấm ảnh tư liệu quý giá theo mỗi dấu mốc cuộc đời nhà văn.

TS văn học Mai Anh Tuấn chia sẻ: Là một người thế hệ sau nhưng được may mắn viết và có mối thân thiết với gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên dưới 10 năm, dù rất ít lần tôi trò chuyện văn chương với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi hầu như chỉ nói chuyện về cuộc sống, về công việc thường ngày và rất nhiều lần chúng tôi chẳng nói gì nhưng tôi luôn cảm nhận được một sự ấm áp, chu đáo, sự chân tình trong nhà văn lớn ấy.

TS văn học Mai Anh Tuấn - Người biên soạn cuốn sách. Ảnh: Huyền Thương

Với tư cách là một người nghiên cứu, TS. Mai Anh Tuấn khẳng định văn chương Nguyễn Huy Thiệp đủ sức hấp dẫn và lôi cuốn nên anh đã cố gắng sưu tập và giới thiệu đầy đủ, trọn vẹn tác phẩm của nhà văn đến với công chúng. Theo anh: “Chỉ còn cách đó mới cho chúng ta thấy một cách rõ nét hơn, kỹ lưỡng hơn về văn chương cũng như cuộc đời của ông”.

Ứng xử với một nhà văn lớn, đó không chỉ là tình yêu mến, kính trọng mà theo TS. Mai Anh Tuấn đó còn phải là một thái độ văn hóa.

Theo những quan sát của tôi, ở Việt Nam hiện nay số lượng các nhà văn lớn, tác giả tầm cỡ, có sức hút lớn, những tác giả có khả năng “bảo hiểm” vài ba thế hệ sẽ đọc tác phẩm của mình là không nhiều, điều đó thôi thúc tôi có một sự chú tâm phục dựng dần tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp để cho ra đời ấn phẩm “Anh hùng còn chi”, TS. Mai Anh Tuấn nhấn mạnh.

Các diễn giả đã có những chia sẻ thú vị về quá trình thực hiện cuốn sách. Ảnh: Huyền Thương

Cuốn sách có nhiều tư liệu, hình ảnh đa dạng được chia làm 3 phần. Phần 1: Tác phẩm, gồm những bài thơ chưa công bố của tác giả; các truyện ngắn; tiểu luận, tạp văn; kịch bản phim truyện. Phần 2: Ký họa trên gốm, gồm có các ký họa chân dung người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ và tự họa; các ký họa về tác giả, tác phẩm và sự kiện văn chương. Phần 3: Tư liệu ảnh về Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm một số ảnh chụp qua các mốc cuộc đời của nhà văn, ảnh chụp bản thảo và bài đăng trên báo được gia đình, bạn bè lưu giữ.

Nhan đề cuốn sách được lấy từ đoạn thơ trong truyện “Chảy đi sông ơi” của chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:... Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi.

Tập di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “Anh hùng còn chi”. Ảnh: Nhã Nam

Là họa sĩ vẽ bìa cho cuốn sách, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: Khi tôi đọc lại những câu thơ được trích ra làm tên cho tập di cảo, tôi đã thấy có một gợi ý rất hay, tôi muốn có một dòng sông chữ chảy ngang qua khuôn mặt của nhân vật. Trong trường hợp di cảo thì không thể vẽ theo lối hiện thực, nên tôi đã thực hiện bìa này theo cách có thể gợi mở nhiều nhất về nội dung của cuốn sách, đây cũng vừa khéo trùng với quan niệm sáng tác của tôi và cũng thể hiện phần nào quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – “văn học là cuộc sống”.

Một chân dung lớn của văn đàn Việt Nam hiện đại

Nguyễn Huy Thiệp là một chân dung lớn của văn đàn Việt Nam hiện đại. Đời văn của ông ghi dấu bởi những truyện ngắn xuất sắc với bút pháp độc đáo không thể trộn lẫn, với sự không khoan nhượng khi đặt ra những câu hỏi cốt tủy về nhân sinh. Nói đến Nguyễn Huy Thiệp là nói đến tài năng và sự dũng cảm của một nhà văn trên trang viết.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Tập di cảo “Anh hùng còn chi” nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc một hình dung đầy đủ, tổng thể hơn về sự nghiệp văn chương, hành trình cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp.

Cuốn sách buộc chúng ta phải thêm lần nữa, nhận thức lại Nguyễn Huy Thiệp, nhất là sự vận động tư duy sáng tạo và cảm quan nhân sinh của ông, trong một giai đoạn khá dài, từ những năm 1970 cho đến ngày ông rời cõi tạm, năm 2021.

Người đọc hầu hết biết tới Nguyễn Huy Thiệp qua các tác phẩm văn xuôi vang danh của ông như “Không có vua”, “Tuổi 20 yêu dấu”, “Những ngọn gió Hua Tát”, “Con gái thủy thần”... Nguyễn Huy Thiệp chưa bao giờ ra mắt tập thơ nào, nhưng ông viết nhiều thơ từ khi còn trẻ, với nhiều tập thơ theo lối nhật ký.

Tập di cảo có nhiều tư liệu quý giá về cuộc đời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.Ảnh: Nhã Nam

Trong số này, thơ ông có nét gần gũi với thơ của Lưu Quang Vũ đầu thập niên 1970, với thái độ hoài nghi, buồn bã, có phần bi phẫn, chua xót, với cái tôi cô đơn, nhiều giằng xé nội tâm. Cả hai là hiện thân cho tiếng nói trung thực, thẳng thắn và mạnh mẽ bậc nhất về hiện tình xã hội. Cuốn sách này sẽ giới thiệu đến bạn đọc những vần thơ như thế.

Chia sẻ về thơ của Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, Nguyễn Huy Thiệp đã làm thơ rất nhiều nhưng ông đã đưa thơ trở thành một thành phần hữu cơ trong tác phẩm truyện ngắn của mình, ông xuất hiện trong văn học Việt Nam hiện đại và đưa thơ trở lại vào văn xuôi - một truyền thống có rất lâu trong văn học trung đại.

Ví dụ như “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ có rất nhiều thơ hay “Quả dưa đỏ” của Nguyễn Trọng Thuật cũng vậy, nhưng sau đó cách viết này dường như không còn phổ biến.

Ngoài ra, cuốn sách bao gồm những truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được đăng trên các báo ngay trước khi tên tuổi ông bùng nổ với “Tướng về hưu”, những tiểu luận, tạp văn quan trọng về văn chương và cuộc sống, một số bài phát biểu, và cả kịch bản phim, trong đó có kịch bản “Tướng về hưu” sau này được Hãng phim truyện Việt Nam sử dụng để dựng phim, bộ phim đạt giải Bông sen Bạc năm 1990.

Bạn đọc cũng sẽ được thấy một “họa sĩ” Nguyễn Huy Thiệp tài hoa qua hàng chục ký họa trên gốm, rất nhiều bức ảnh tư liệu và các bản thảo quý giá của nhà văn còn lưu giữ được đến ngày nay.

Tập di cảo “Anh hùng còn chi” là một công trình tỉ mỉ, tâm huyết nhằm mang đến cho những người yêu văn chương, những nhà nghiên cứu cái nhìn toàn vẹn hơn về một đời văn đầy dấu ấn.

Theo (Thời báo Văn học Nghệ thuật)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/cai-nhin-chan-thuc-ve-mot-doi-van-day-dau-an/203425.htm