Cái kết buồn của thầy giáo mê… Thần Tài 'toán số'

Bị hấp dẫn bởi những con số hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng từ việc trúng số điện toán, từ một giáo viên tiểu học, Lê Phương Nam (1982, trú xã Vinh Hưng, H. Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) lao vào cuộc 'săn' Thần Tài 'toán số' như con thiêu thân. Khi hết tiền để 'săn số', Nam đã lừa đảo bằng hình thức 'chạy việc' để chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng của 9 người bị hại. Ngày 4-5, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xét xử sơ thẩm vụ án: 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' đối với bị cáo Lê Phương Nam.

Bị hấp dẫn bởi những con số hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng từ việc trúng số điện toán, từ một giáo viên tiểu học, Lê Phương Nam (1982, trú xã Vinh Hưng, H. Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) lao vào cuộc “săn” Thần Tài “toán số” như con thiêu thân. Khi hết tiền để “săn số”, Nam đã lừa đảo bằng hình thức “chạy việc” để chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng của 9 người bị hại. Ngày 4-5, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xét xử sơ thẩm vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Lê Phương Nam.

Bị cáo Lê Phương Nam tại phiên tòa.

Bị cáo Lê Phương Nam tại phiên tòa.

Thời điểm phạm tội, Lê Phương Nam là giáo viên tại một trường tiểu học tại xã Vinh Hưng. Cả hai vợ chồng Lê Phương Nam đều là giáo viên, tuy cuộc sống của họ “ngó lên không bằng ai nhưng ngó xuống cũng ít ai bằng mình”.

Tuy nhiên, do muốn nhanh chóng giàu có nên Lê Phương Nam không bằng lòng với hiện tại mà “xây giấc mộng” bằng việc mua vé số điện toán để nhanh chóng đổi đời. Thế là có bao nhiêu tiền, Nam nướng vào xổ số điện toán hằng ngày. Khi không có tiền nữa, Nam nợ nần và nảy sinh ý định lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người khác để nuôi ước mơ đổi đời bằng xổ số điện toán.

Do muốn có tiền để chơi xổ số điện toán và tiêu xài cá nhân, từ tháng 7-2017 đến tháng 8-2018, Lê Phương Nam đã đưa ra thông tin gian dối về việc mình có quen biết với những người có khả năng xin việc làm vào Chi cục Kiểm Ngư tại Đà Nẵng, Chi cục Kiểm ngư tại Phú Quốc hay đi học tại trường Trung cấp Cảnh sát và xin chuyển công tác ngành Công an…

Đến tháng 5-2017, thông qua bạn bè, ông Hoàng Bá Kh. (trú H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) nghe tin Nam có quen biết với những người có khả năng xin việc vào ngành kiểm ngư và công an nên đã liên lạc, đặt vấn đề nhờ Nam “chạy việc” con trai mình thì được Nam đồng ý. Qua trao đổi, ông Kh. 2 lần chuyển cho Nam 250 triệu đồng cùng bộ hồ sơ với mong muốn xin cho con trai mình vào làm Chi cục Kiểm ngư Đà Nẵng. Chưa hết, con ông Kh. đang công tác ở một đơn vị Công an ở Huế còn đưa thêm cho Nam 200 triệu đồng với mong muốn được chuyển công tác ngành Công an ra Quảng Bình.

Thấy dễ “làm ăn”, Nam tiếp tục nổ có quan hệ và xin được việc làm và đã lừa được thêm 8 trường hợp khác cũng với những chiêu thức trên. Cụ thể, với thủ đoạn trên, Nam lừa của các bị hại xin vào làm việc tại các chi cục kiểm ngư với giá 200-250 triệu đồng; xin chuyển công tác trong lực lượng công an từ 200-450 triệu đồng; xin vào học trường trung cấp cảnh sát 450-700 triệu đồng… Tổng cộng Nam lừa trót lọt gần 2,3 tỷ đồng của 9 người có nhu cầu nhờ Nam xin việc cho người thân.

Khi trực tiếp lấy tiền của các bị hại, Nam đều viết “Giấy mượn tiền” hoặc “Giấy nhận tiền” và thỏa thuận nếu không xin được việc sẽ trả lại tiền để tạo lòng tin. Tuy nhiên, thực tế Nam không liên hệ xin việc cho ai mà dùng số tiền chiếm đoạt được để chơi xổ số điện toán và tiêu xài cá nhân. Khi biết mình không thể xin việc và trả lại tiền cho các bị hại, cuối năm 2018, Nam đã bỏ trốn qua Lào. Sau gần 5 năm sống chui lủi, Nam bị cơ quan Công an bắt giữ theo lệnh truy nã quốc tế vào ngày 14-8-2023.

Tại phiên tòa, HĐXX xét thấy hành vi lừa đảo của bị cáo Lê Phương Nam là đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội nên cần cách ly ra khỏi xã hội một thời gian. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Phương Nam 13 năm tù giam; buộc hoàn trả lại tất cả số tiền bị cáo đã chiếm đoạt do phạm tội mà có.

T.H

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cai-ket-buon-cua-thay-giao-me-than-tai-toan-so-post294933.html