Cái giá phải trả đối với các nhà du hành vũ trụ sau khi trở về

Trong những năm qua, các chuyên gia từ nhiều nước khác nhau đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao một kỳ bay dài ngày trong quỹ đạo thường làm cho các các nhà du hành vũ trụ gặp rắc rối về thị lực.

Ảnh minh họa

Gần 2/3 tổng số các nhà du hành vũ trụ tham gia chuyến bay dài trên Trạm quỹ đạo quốc tế đã mắc hội chứng suy giảm thị lực do tăng áp lực nội sọ với các triệu chứng bao gồm mờ mắt, mặt sau của nhãn cầu bị phẳng dẹt đi và viêm đầu dây thần kinh thị giác.

Thông thường, các rối loạn đó biến mất ngay sau khi trở về từ chuyến bay trên không gian, nhưng đến năm 2010, các nhà khoa học đã nhận thấy rõ ràng rằng trong một số trường hợp, hậu quả của tình trạng đó là mang tính dài hạn. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính gây hội chứng này là dịch trong các mạch dẫn đến phần trên của cơ thể dâng trào trong điều kiện không trọng lực. Nhưng bây giờ, nhờ một nghiên cứu được tiến hành bởi một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Miami, Mỹ, do giáo sư X quang học và kỹ thuật y sinh Noam Alperin lãnh đạo, người ta mới thấy rõ rằng nguyên nhân gây suy giảm thị lực là dịch não tủy.

Các nhà nghiên cứu đã thông báo kết quả nghiên cứu của mình tại hội nghị thường niên của Hiệp hội X quang học Mỹ ở Chicago. Dịch não tủy là dịch ngoại bào được hình thành trong não thất và liên tục lưu thông. Dịch não tủy trao đổi vật chất 2 chiều với tổ chức thần kinh trung ương bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng và lấy đi các chất thải sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Dịch não tủy có tác dụng bảo vệ tổ chức thần kinh thông qua 2 cơ chế: tham gia vào sự trao đổi chất của máu-não duy trì cân bằng nội môi nước và điện giải, loại bỏ các chất thải trao đổi chất. Không kém phần quan trọng là vai trò của dịch não tủy trong việc bảo vệ não và tủy sống khỏi tổn thương và đảm bảo áp lực nội sọ không thay đổi.

Nhưng cơ thể con người có khả năng thực hiện các chức năng đó trong các điều kiện của lực hấp dẫn của Trái đất, còn trong các chuyến bay vào không gian thì dịch não tủy bị đặt vào trong một tình huống bất thường. Noam Alperin và các đồng nghiệp đã tiến hành chụp cộng hưởng từ não và mắt 7 nhà du hành vũ trụ từng tham gia các chuyến bay vũ trụ, từng ở trên Trạm quỹ đạo quốc tế trong một thời gian dài, cũng như 9 nhà du hành vũ trụ đã tham gia vào cuộc thám hiểm ngắn hạn trên tàu Space Shuttle. Tất cả đều được chụp cộng hưởng từ trước và sau chuyến bay.

Bằng cách sử dụng các thuật toán xử lý hình ảnh đặc biệt, các nhà khoa học đã tìm ra mối tương quan giữa sự thay đổi về khối lượng của dịch não tủy và sự suy giảm thị lực. Kết quả cho thấy ở các nhà du hành vũ trụ trong những chuyến thám hiểm dài hạn nhãn cầu bị bẹt phẳng đi và viêm thần kinh thị giác cùng với hiện tượng một số lượng dịch não tủy nhiều hơn trong các khoang đại não và xung quanh các dây thần kinh thị giác. Rõ ràng, tình trạng không trọng lượng ảnh hưởng đến sự phân bố của dịch não tủy và làm tăng lượng dịch não tủy trong đầu người. Tất cả gây ra hiện tượng rối loạn thị lực về lâu dài là không thể khắc phục được.

Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu của họ sẽ giúp tìm ra cách đối phó, góp phần bảo đảm sức khỏe của các nhà du hành vũ trụ trong những chuyến bay dài ngày lên mặt trăng và sao Hỏa.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cau-chuyen-kham-pha-c-106/cai-gia-phai-tra-doi-voi-cac-nha-du-hanh-vu-tru-sau-khi-tro-ve-49677.html