Cái chết của robot du lịch nổi tiếng

HitchBOT được tạo ra với hình dạng mô phỏng con người nhưng không thể tự di chuyển. Nó được nhiều người giúp đỡ để tạo nên hành trình đẹp trước khi kết thúc cuộc đời ở Mỹ.

HitchBOT ra đời năm 2013. "Cha đẻ" của nó là hai giáo sư David Harris Smith của Đại học McMaster và Frauke Zeller của Đại học Ryerson. Khi ra mắt, nó nhanh chóng nổi tiếng với biệt danh "robot quá giang".

Do không thể tự di chuyển, HitchBOT cần đến lòng tốt của người qua đường để giúp nó đi. Và nó thực sự đã có cuộc hành trình đáng nhớ khi đi qua Canada, Hà Lan, Đức. Điểm đến tiếp theo của HitchBOT là Mỹ. Tuy nhiên, đây lại là nơi đánh dấu cái chết của con "robot quá giang" nổi tiếng.

Hành trình của HitchBOT

Trước khi "qua đời" ở Mỹ, con robot này đã gặp được nhiều người tử tế. Họ đã giúp HitchBOT đi hết nơi này tới nơi khác.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nó đã được ngồi trong buồng lái của một chiếc máy bay Air Canada, tham quan nhiều phòng trưng bày nghệ thuật tại Hà Lan, gặp ông già Noel... Nhìn chung, hành trình của HitchBOT tương đối suôn sẻ.

Con robot ra đời để trả lời cho câu hỏi "liệu robot có thể tin tưởng con người không?". Trong một thoáng nào đó, "cha đẻ" của nó dường như đã trả lời có.

HitchBOT trong chuyến hành trình tại Canada. Ảnh: Whyy.

HitchBOT được tích hợp GPS và micro, máy ảnh. Thông qua đó, nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí và chụp ảnh, ghi lại hành trình. Nó không thể cử động ngoài việc giơ tay phải lên. Ngón tay cái được cố định để phát thông điệp "xin quá giang" theo chuẩn quốc tế.

Bằng công nghệ nhận dạng giọng nói, robot HitchBOT thu thập các từ, cụm từ từ chính con người nó tiếp xúc. Sau đó, nó sẽ trả lời bằng dữ liệu do người sáng tạo cung cấp hoặc thu thập từ những tài liệu trên Internet. Khi không biết trả lời thế nào, nó sẽ đưa ra câu trả lời tương đối vô nghĩa.

HitchBOT được những người tốt bụng đưa đi khắp nơi. Ảnh: Independent.

Phóng viên Jonathan Forani đã hỏi HitchBOT: "Bạn có thắt dây an toàn khi đi nhờ xe không?". Đáp lại, nó trả lời: "Tôi biết anh sống ở đâu".

Vào năm 2015, HitchBOT tới Mỹ để tiếp tục hành trình đi nhờ xe. Tuy nhiên, chuyến phiêu lưu đã nhanh chóng kết thúc. HitchBOT được trả về với "cha đẻ" trong tình trạng nát vụn, mất đầu. Không ai biết điều gì thực sự đã xảy ra với nó, trừ những người tạo ra HitchBOT.

Kết cục buồn

Trước khi chết, HitchBOT đã có vài ngày vui vẻ ở Mỹ. Nó đi thuyền ra khỏi Gloucester Mass, trải nghiệm tàu điện ngầm ở New York và đến công viên Fenway.

Một người tốt bụng còn đưa HitchBOT tới xem trận bóng chày tại San Fransisco (Mỹ). Jesse Wellens, một vlogger nổi tiếng, cũng đã đưa HitchBOT lên xe và chụp hình kỷ niệm cùng nó.

Vào một ngày thứ 7 bình thường, Zeller và Smith đang trên đường tới nhà một người bạn. Họ nhận được bức ảnh chụp cơ thể HitchBOT đã vỡ thành từng mảnh, cánh tay bị gãy, linh kiện bên trong đã bị móc hết ra. Phần đầu của HitchBOT cho tới nay vẫn chưa được tìm thấy.

HitchBOT bị đập nát trong hành trình tại Mỹ. Ảnh: BBC.

Cái chết của HitchBOT nhanh chóng trở thành chủ đề lớn. Rất nhiều người đã gửi lời hỏi thăm và thư tới cho "cha đẻ" của HitchBOT trong ngày "đưa tang" nó.

"Tôi không nghĩ công nghệ có thể thực sự chạm đến chúng ta như thế. Thật tuyệt khi biết thứ nhỏ bé này có thể tạo nên tinh thần cộng đồng như vậy", Zeller nói.

Thực tế, việc xác định danh tính kẻ đã phá hoại HitchBOT không khó. Người bạn vlogger của HitchBOT - Welles - thông báo đã có trong tay video về những gì diễn ra với con robot. Vấn đề nằm ở chỗ cả Zeller lẫn Smith đều không có nhu cầu trả thù.

Trao đổi với CNN, Smith cho biết: "Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi không quan tâm việc xác định người đã gây ra việc này là ai. Nhóm nghiên cứu xem đó là hành động ngẫu nhiên có thể xảy ra bất cứ khi nào trên hành trình của HitchBOT".

Hoài Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-robot-du-lich-noi-tieng-post1340363.html