Cái chết bí ẩn của con gái tỷ phú Mỹ

Tiểu thư Georgette Bauedorf được phát hiện qua đời trong phòng tắm tại biệt thự riêng ở thành phố Los Angeles, Mỹ vào năm 1944.

Biệt thự El Palacio ngày nay.

Tiểu thư Georgette Bauedorf được phát hiện qua đời trong phòng tắm tại biệt thự riêng ở thành phố Los Angeles, Mỹ vào năm 1944. Đến nay, vụ án vẫn chưa có lời giải và chìm vào quên lãng.

Xác chết trong phòng tắm

Chân dung Georgette Bauerdorf.

Ngày 12/11/1944, như thông lệ, ông Frederick Atwood và vợ, bà Lulu, có mặt tại biệt thự El Palacio, thành phố Los Angeles, Mỹ, vào lúc 11 giờ sáng, nơi họ làm quản gia kiêm dọn vệ sinh cho gia đình tỷ phú George Bauerdorf. Sau khi dọn dẹp xong gian nhà chính, cả hai băng qua hành lang để dọn dẹp gian nhà hai tầng liền kề.

Nghe thấy tiếng nước nhỏ giọt trên lầu, bà Lulu liền đi lên kiểm tra phòng tắm. Tại đây, bà phát hiện thi thể con gái của tỷ phú George, Georgette Bauedorf, trong tư thế nằm úp mặt vào bồn tắm. Bồn đầy nước và vòi vẫn đang chảy. Nạn nhân qua đời trong tư thế nằm nghiêng về bên trái, cánh tay phải duỗi thẳng ra sau. Cô mặc một chiếc áo ngủ màu hồng, nửa dưới để trần.

Ông Atwood nhớ lại: “Nước dâng lên khá cao, chiếm khoảng 3/4 bồn. Ban đầu, chúng tôi tưởng cô ấy bị ngất nên vội vàng xả nước trong bồn. Nước nóng và cơ thể cô ấy còn khá ấm. Chúng tôi rất hốt hoảng, không biết phải làm gì”.

Cảnh sát ngay lập tức có mặt tại hiện trường. Ông AL Hutchinson, Phó Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Los Angeles, kể: Đồ đạc trong phòng tắm bị xáo trộn, khăn tắm nằm vương dưới đất. Vì không có nhiều điểm đáng ngờ trong phòng tắm, chúng tôi tiếp tục kiểm tra phòng ngủ nằm bên cạnh.

Trong phòng ngủ, chiếc giường không có dấu hiệu bị xáo trộn. Ga trải giường vẫn nằm nguyên vị trí nhưng chăn bị vò xuống cuối giường. Trên gối có một vết lõm giống như có một người đã nằm trên giường và dùng chăn đắp. Tờ báo Daily News được gấp gọn gàng, đặt cạnh gối.

Điểm đáng chú ý là vệt máu trên sàn phòng ngủ, nằm ở vị trí giữa giường và cửa dẫn vào phòng tắm. Bên cạnh là một tấm khăn ướt mà cảnh sát nghi ngờ ai đó đã dùng nó để chà xát vết máu nhưng không thành công.

Cuốn sổ tay của nạn nhân nằm rơi trên sàn cạnh giường, cạnh đó là vài cái gạt tàn chứa đầy tàn thuốc. Trong tủ, nhiều đồ trang sức có giá trị nhưng không bị xáo trộn hay đánh cắp. Cảnh sát không tìm thấy dấu hiệu xô xát.

Đèn ngủ tự động bên ngoài cửa phòng của Georgette không hoạt động. Ai đó đã nới lỏng bóng đèn, đủ để nó ngừng hoạt động nhưng trông vẫn bình thường trừ khi được kiểm tra chặt chẽ. Cảnh sát tin rằng nghi phạm đã làm điều này để ngăn Georgette nhìn thấy hoặc ít nhất là xác định danh tính.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi, Georgette đã qua đời trước đó 8 - 10 tiếng. Nguyên nhân cái chết được xác định là bị siết cổ và trước đó bị cưỡng hiếp. Có vết bầm tím ở bên phải bụng và mặt của nạn nhân, có thể do bị đấm mạnh.

Trên môi, mặt, đùi và bụng của Georgette cũng xuất hiện các vết hằn thâm tím hình bàn tay. Trên da của nạn nhân cũng lưu lại vết móng tay in của kẻ giết người.

Một miếng vải hình vuông dài khoảng 23 cm buộc quanh cổ nạn nhân. Cảnh sát nghi ngờ hung thủ dùng chiếc khăn này để siết cổ nạn nhân sau đó kéo giật nó xuống dưới cổ.

Miếng vải này làm từ băng crepe tetra, thường được sử dụng cho các vết thương như bong gân, căng cơ. Mỹ đã ngừng bán loại vải cứu thương này hơn 20 năm nên nhiều khả năng nó được nhập khẩu từ Anh hoặc Pháp. Tuy nhiên, manh mối này cũng không dẫn đến kết quả nào.

Gắn bó với quân nhân

Georgette Bauerdorf, sinh năm 1924 tại New York, là con gái của ông trùm dầu mỏ George Bauerdorf. Sau khi mẹ qua đời, Georgette và chị gái chuyển về sống trong căn biệt thự El Palacio, Los Angeles. Căn biệt thự gồm nhiều gian phòng rộng lớn, được xây theo phong cách Baroque của Tây Ban Nha. Trước khi được bán cho gia đình Bauerdorf, El Palacio từng là nơi ở của nhiều nhân vật nổi tiếng.

Tháng 8/1944, sau khi anh rể qua đời, chị gái của Georgette đến sống với cha ở Nevada. Một mình Georgette ở lại biệt thự El Palacio. Tuy nhiên, sống giữa kinh đô điện ảnh Hollywood nên Georgette không cảm thấy nhàm chán, trái lại, cô làm quen và kết bạn với nhiều diễn viên nổi tiếng.

Thời điểm đó, một số nghệ sĩ Hollywood đã biến nhà kho cũ trong một xưởng phim thành địa điểm giải trí về đêm dành cho quân nhân. Nơi đây có bar, nhà hàng, quán cafe... thích hợp cho nam nữ thanh niên đến gặp mặt, khiêu vũ và ca hát. Địa điểm sầm uất này được đặt tên là Canteen Hollywood và hoạt động rầm rộ trong 3 năm.

Vì là nơi dành cho quân nhân, các phụ nữ trẻ tại Los Angeles được Hội Chữ thập đỏ lựa chọn và được FBI lấy dấu vân tay, cấp thẻ nhận dạng có ảnh để trở thành tình nguyện viên phục vụ. Georgette là một trong số đó.

Ái nữ nhà tỷ phú rất quý mến quân nhân và thường viết tên những chàng lính đã quen vào một cuốn sổ tay bìa đỏ. Lúc bấy giờ, Chiến tranh Thế giới thứ hai đang diễn ra, tinh thần yêu nước dâng cao nên những người lính rất được yêu mến, coi trọng và tin tưởng.

Không chỉ phục vụ trong căng-tin, Georgette thường mời những người lính đi ăn, đi chơi và hẹn hò qua đêm. Cô còn giao chìa khóa nhà cho những người tình.

Nghi ngờ Georgette bị sát hại vì chuyện tình cảm, cảnh sát đã hỏi thăm bạn bè và các mối quan hệ xung quanh Georgette tại Canteen Hollywood. Theo đó, ngày 11/10, Georgette đi chơi với thư kí riêng của gia đình.

Tâm trạng của cô rất vui vẻ, không có dấu hiệu bất thường. Thậm chí, Georgette còn mua vé máy bay đến El Paso để tham dự lễ tốt nghiệp chương trình tập huấn quân sự của bạn trai. Hai người đã yêu xa 5 tháng.

Tối đó, Georgette đến làm tình nguyện viên cho Canteen Hollywood. Một quân nhân đã một mực yêu cầu Georgette khiêu vũ cùng mình. Dù không muốn, cô nàng vẫn chiều theo ý anh ta để mọi chuyện không căng thẳng. Sau khi tan làm lúc 23 giờ 30 phút, Georgette đi về nhà một mình và còn chào người gác cổng.

Sau đó, người gác cổng nghe thấy tiếng Georgette nấu ăn và đi lại trong bếp. Đến khoảng nửa đêm, anh ta nghe thấy tiếng khay rơi xuống sàn. Rồi đến 2 giờ 30 phút sáng, hàng xóm nghe thấy một tiếng hét thất thanh: “Dừng lại, dừng lại. Tôi chết mất”.

Canteen Hollywood là nơi tụ họp cho các nam nữ thanh niên ở Los Angeles, Mỹ.

Nữ diễn viên Dale Evans (phải) giao lưu với quân nhân tại Canteen Hollywood năm 1944.

Hung thủ giấu mặt

Nghi phạm đầu tiên là Cosmo Volpe, người lính đã nài ép Georgette khiêu vũ cùng anh vào tối hôm trước tại Canteen Hollywood. Tuy nhiên, Volpe đã phủ nhận mọi nghi ngờ. Theo lời kể của anh ta, Georgette là người đã yêu cầu Volpe dạy nhảy và hoàn toàn vui vẻ khi được khiêu vũ cùng anh ta. Chỉ huy của Volpe cũng xác nhận cấp dưới đã về doanh trại trước giờ giới nghiêm.

Bạn trai của Georgette cũng bị tra hỏi nhưng thời điểm án mạng xảy ra, anh ta đang tập huấn quân sự ở Texas nên không thể nào về kịp. Vụ án nhanh chóng rơi vào bế tắc do cảnh sát có quá ít manh mối. Trong khoảng một năm tiếp theo, họ vẫn tiếp tục theo đuổi vụ án và phát hiện thêm 3 nghi phạm khác.

Nghi phạm đầu tiên là Kenneth Raymond, 23 tuổi, một quân nhân. Sau vụ án của Georgette, cảnh sát phát hiện Raymond là nghi phạm trong vụ sát hại bé gái 5 tuổi nên đã đưa anh ta vào diện tình nghi trong vụ án của Georgette. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không có đủ bằng chứng kết luận tên này là hung thủ.

Nghi phạm thứ hai là John Sumter. Người này đã chủ động ra đầu thú, khai rằng mình đã sát hại Georgette. Nhưng khi cảnh sát thẩm vấn, mọi thông tin mà Sumter cung cấp đều khác so với tình tiết vụ án.

Cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra người này nói dối. Hắn ta muốn nhận án tử hình vì không còn lý do để sống tiếp. Gia đình Sumter cũng làm chứng anh ta mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Người cuối cùng là Robert George Pollock White. Robert bị bắt khi đang ra tay sát hại một người phụ nữ 65 tuổi. Trong lúc tấn công, hắn ta đã siết cổ nạn nhân bằng một miếng vải, giống với cách thức Georgette bị sát hại. Tuy nhiên, chi tiết này không thể liên kết đến vụ án của Georgette nên Robert được loại khỏi diện tình nghi.

Khi vụ việc rơi vào bế tắc, tháng 9/1945, một bức thư gửi nặc danh đến tờ Los Angeles Examiner được cho là do thủ phạm viết. Nội dung bức thư nhằm đe dọa sẽ lặp lại hành vi tàn bạo trước đây của hắn.

Bức thư viết: “Georgette Bauerdorf, 20 tuổi của Canteen Hollywood, bị tôi sát hại trong biệt thự riêng. Từ nay đến 11/10, tôi sẽ tái xuất hiện tại đây, mặc quân phục và kiếm tìm những cô gái dại khờ tiếp theo. Cảnh sát Los Angeles hãy cứ bắt tôi nếu họ có thể”.

Tuy nhiên, sau đó không có chuyện gì xảy ra. Thi thể của Georgette được đưa đến New York và chôn cất trong phần mộ gia đình ở Nghĩa trang

Woodlawn. Chiến tranh kết thúc một năm sau đó. Canteen Hollywood đóng cửa vào tháng 11/1945. Những người lính trở về nhà còn vụ án của Georgette thì chìm vào quên lãng.

Trong các đồ vật của Georgette, chỉ chiếc ô tô hiệu Oldsmobile năm 1936 bị lấy mất. Cảnh sát tìm thấy nó nằm cách biệt thự khoảng 15 km và bị bỏ lại bên đường vì hết xăng. Dấu vân tay thu thập được trên xe không trùng khớp với cơ sở dữ liệu tội phạm của cảnh sát nên họ không phát hiện thêm chứng cứ về kẻ tình nghi. Từ thông tin trên, cảnh sát đã loại trừ khả năng đây là vụ cướp tiền vì ngoài chiếc ô tô, có thể hung thủ dùng để bỏ trốn, tiền và những món đồ đắt giá khác không bị lấy đi. Hung thủ có thể đã lẻn vào căn hộ và cưỡng hiếp, sau đó giết chết Georgette trong khi nạn nhân chuẩn bị đi ngủ.

Nguyễn Minh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cai-chet-bi-an-cua-con-gai-ty-phu-my-post659786.html