Cách Việt Á vươn 'vòi bạch tuộc' độc quyền bán kit test khắp các địa phương

Chi hối lộ hơn 106 tỷ đồng, Việt Á có được sự giúp đỡ một số cựu lãnh đạo cấp bộ, vụ, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ... để bán kit test Covid-19 khắp nơi.

Mạnh tay chiếm lĩnh thị trường bằng tiền hối lộ

Cáo trạng đại án Việt Á ban hành hôm 29/9, ngoài xác định hành vi gồm 6 tội danh của 38 bị can, Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân Tối cao cũng đã làm rõ cách thức Phan Quốc Việt (SN 1980, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) luồn lách đưa test xét nghiệm Covid-19 len lỏi khắp các CDC, bệnh viện... ở hàng chục tỉnh, thành trên cả nước.

Theo VKS, Việt có mối quan hệ thân thiết từ trước với ông Trịnh Thanh Hùng (bị can trong vụ án, cựu Vụ phó thuộc Bộ KH&CN). Đầu năm 2020, ông Hùng nghe ông Hồ Anh Sơn (cựu Giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự) nói về việc Học viện Quân y có văn bản đề xuất Bộ này giao Học viện triển khai nhiệm vụ phát triển test xét nghiệm (đề tài).

Phan Quốc Việt và kit test Covid-19 do Việt Á chiếm hữu.

Ông Hùng kể lại chuyện này với Phan Quốc Việt. Ngay sau đó, Việt đã đặt vấn đề, nhờ cựu vụ phó giúp Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu, sử dụng kết quả đề tài để sản xuất, bán test ra thị trường. Đây cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, nhu cầu về sinh phẩm phòng chống dịch cần thiết hơn cả.

Để việc tham gia, sử dụng kết quả đề tài thuộc sở hữu Nhà nước nhằm bán thương mại kit test Covid-19, từ đó thu lời bất chính, Phan Quốc Việt đã không ngại ngần chi tổng cộng 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng (tương đương hơn 106,6 tỷ đồng) để đút lót, thỏa thuận ăn chia % ngoài hợp đồng với nhiều cựu quan chức từ cấp bộ đến địa phương.

Theo VKS, trong những nguyên nhân, điều kiện phạm tội của 38 bị can có nguyên nhân xuất phát từ vi phạm, thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của một số bộ, ngành và UBND cấp tỉnh. Đây cũng là lý do gây hậu quả thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước và tổ chức, cá nhân.

Trong đó, Việt chi cho người có mối quan hệ thân thiết Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; thông qua Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp đưa cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; cựu thư ký của ông Long 4 tỷ đồng...

Nhờ "mạnh tay" chi hối lộ, Việt Á dễ dàng có được sự ưu ái, giúp đỡ của ông Long và một số cựu lãnh đạo cấp vụ, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ, cũng như cựu cán bộ, địa phương. Cũng từ đây, test xét nghiệm của công ty này len lỏi về khắp các địa phương mà không gặp phải trở ngại nào, dù quy trình được thực hiện trái pháp luật.

Ứng kit test dùng trước, hợp thức đấu thầu sau

Hải Dương là một trong những tỉnh đầu tiên mà Phan Quốc Việt sử dụng cách thức trái quy định để bán kit test. Đây là cũng địa phương khởi phát đại án Việt Á từ vụ việc vi phạm trong đấu thầu xảy ra tại CDC Hải Dương, sau đó là các bộ, ngành và tỉnh, thành phố khác.

Từ tháng 1 đến tháng 9/2020, Hải Dương hứng chịu nhiều đợt dịch Covid-19. Chính quyền đã mua và sử dụng 3 loại test, trong đó có sản phẩm của hãng Thermofisher (Mỹ) với đơn giá 185.000 đồng/test.

Từ trái qua là các bị can: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc.

Cuối tháng 1/2021, khi UBND tỉnh Hải Dương công bố đợt dịch thứ 3, Phan Quốc Việt lập tức "nắm lấy cơ hội" tiêu thụ sản phẩm ở đây. Để chiếm lĩnh thị trường từ đối thủ, Việt đã nhờ ông Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh tác động về địa phương thông qua cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Trong các cuộc họp đầu năm 2021 do ông Thăng chủ trì, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ban hành một số văn bản, gồm nhiều nội dung "giao CDC ký hợp đồng với Công ty Việt Á". Cũng theo đề nghị của Việt, vị cựu Bí thư Tỉnh ủy còn chỉ đạo giúp Việt Á độc quyền bán kit test Covid-19 ở Hải Dương, các đơn vị khác đang hỗ trợ tỉnh chống dịch không được tiếp tục công việc.

Một mặt, Phan Quốc Việt tác động để có được chỉ đạo của ông Phạm Xuân Thăng. Mặt khác, Việt thỏa thuận hứa chi 20 - 25% giá trị hợp đồng cho cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, để ông Tuyến yêu cầu đơn vị này ứng trước test để sử dụng, sau đó mới hợp thức hồ sơ thanh toán. Từ đây, Hải Dương thay vì dùng test với đơn giá 185.000 đồng/test, đã sử dụng test Việt Á với giá 470.000 đồng, cao gấp 2,5 lần. Hành vi của các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 73 tỷ.

Sau thành công của phi vụ chiếm độc quyền bán kit test Covid-19 ở Hải Dương, Việt Á đã chi cho ông Tuyến 27 tỷ đồng. Nhận được tiền, lãnh đạo CDC đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD, sau đó ăn chia nhau số tiền còn lại.

Tại Bắc Giang, tháng 3 và 4/2020 là thời điểm chính quyền và nhân dân tỉnh này căng mình chống dịch. Đây cũng là lúc Phan Quốc Việt tìm cách vươn 'vòi bạch tuộc' Việt Á để phân phối test xét nghiệm, sau Hải Dương.

Cáo trạng của VKS Tối cao nêu rõ, từ tháng 3/2020, Việt thống nhất với cựu Giám đốc CDC Bắc Giang Đặng Thanh Minh và cán bộ dưới quyền ứng trước kit test Covid-19 của Việt Á để sử dụng trong phòng, chống dịch.

Ngay sau đó, CDC Bắc Giang đã mua 2.000 kit test của Việt Á, rồi hợp thức chứng thư thẩm định giá và thủ tục đấu thầu. Cuối cùng, ông Minh ký hợp thức, thanh toán cho Việt Á hợp đồng trị giá hơn 1,018 tỷ đồng. Đến nửa cuối năm 2020, CDC Bắc Giang tiếp tục ký với Công ty Phan Anh (do Việt Á ủy quyền) 2 hợp đồng có tổng trị giá trên 7,6 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, sau khi ông Lâm Văn Tuấn kế nhiệm ông Đặng Thanh Minh vào tháng 12/2020, CDC Bắc Giang tiếp tục con đường hợp thức hồ sơ, ứng trước kit test thanh toán sau. Qua đó, thêm 8 gói thầu với tổng trị giá gần 143 tỷ đồng.

Như các địa phương khác, sau khi chiếm lĩnh thị trường, Việt Á chi lại quả cho CDC Bắc Giang gần 45 tỷ đồng, riêng ông Lâm Văn Tuấn được cám ơn 5 tỷ đồng.

Tại tỉnh này, VKS xác định mức giá thực tế cho mỗi kit test chỉ 143.000 đồng, song sau khi len lỏi được vào địa phương, Việt Á bán với giá 570.000 đồng (cao gấp gần 4 lần). Tổng thiệt hại mà các bị can gây ra cho Nhà nước là trên 105 tỷ đồng.

Bên trong khu sản xuất test của Công ty Việt Á.

Gây thiệt hại trên 1.230 tỷ, nộp lại hơn 140 tỷ

Cũng với chiêu thức ứng sản phẩm trước và hợp thức hồ sơ sau, Việt Á lần lượt hợp thức hàng loạt hồ sơ đấu thầu trong đại dịch để được phân phối độc quyền kit test Covid-19 tại hàng loạt tỉnh khác. Như tại Nghệ An có 6 hợp đồng với hơn 35 tỷ đồng; Bình Dương 7 hợp đồng với trên 40 tỷ đồng; Đồng Tháp 5 hợp đồng với trên 79 tỷ đồng ; Hà Nội 5 hợp đồng gây thiệt hại hơn 14 tỷ đồng...

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Phan Quốc Việt lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, đã thông đồng, cấu kết với các bị can là những người có chức vụ, quyền hạn để Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện đề tài", VKS nêu rõ hành vi.

Sau đó, Phan Quốc Việt và đồng phạm biến sản phẩm thuộc sở hữu Nhà nước thành kit test thuộc sở hữu của Việt Á, phân phối ra thị trường với giá đã nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.

Hậu quả, hành vi của các bị can gây thiệt hại trên 1.230 tỷ đồng cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức... Trong đó, những sai phạm về đấu thầu khiến Nhà nước bị thiệt hại hơn 402 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, trong giai đoạn tố tụng, các bị can đã tự nguyện nộp lại tiền hoặc tác động gia đình nộp tổng số tiền hơn 2,6 triệu USD và gần 80 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

VKS truy tố các ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Phạm Duy Tuyến, Trịnh Thanh Hùng... về tội nhận hối lộ.

Ông Chu Ngọc Anh cùng ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về hai tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cach-viet-a-vuon-voi-bach-tuoc-doc-quyen-ban-kit-test-khap-cac-dia-phuong-192231003095750816.htm