Cách ứng phó và phòng tránh nguy cơ đuối nước khi tắm biển

Khi rơi vào vùng nước xoáy hoặc dòng rip trên biển, người dân cần có các kiến thức ứng phó đúng cách mới bảo vệ được tính mạng, phòng rủi ro tiềm ẩn khi tắm biển.

Bơi ngang khi gặp dòng chảy ngược

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ đuối nước khi tắm biển xảy ra ở nhiều địa phương. Khoảng 18h chiều 5/6, do nắng nóng nên em N.T.S. và H.N.H. (cùng 9 tuổi, ngụ xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu) cùng người thân xuống tắm biển ở khu vực xóm 2 của xã. Trong lúc hai em đang tắm thì bất ngờ gặp sóng to, nước xoáy mạnh cuốn trôi ra xa mất tích.

Theo thông tin từ UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), ngày 4/6, đoàn du lịch gồm 45 người ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội đi du lịch ra đảo Quan Lạn. Đến khoảng 16h ngày 5/6, 4 người phụ nữ trong đoàn gồm bà Nguyễn Thị Kim Sinh, bà Vũ Thị Nga (đều 61 tuổi), bà Trần Thị Hảo (66 tuổi) và bà Tống Thị Lĩnh (74 tuổi) ra khu vực bãi biển Đầu Núi, xã Quan Lạn để tắm trước. Do biển động, có sóng to; 4 phụ nữ tuổi đã cao, trong đó có người không biết bơi nhưng lại đi ra khu vực sâu, bị sóng đẩy ra ngoài dẫn đến đuối nước. Bốn nạn nhân đã được một số thanh niên tại bãi biển cứu vào bờ và sơ cứu nhưng 1 người tử vong sau đó.

Nhiều vụ tai nạn đuối nước khi tắm biển xảy ra gần đây, người dân cần có những kiến thức cơ bản để phòng ngừa.

Nhiều vụ tai nạn đuối nước khi tắm biển xảy ra gần đây, người dân cần có những kiến thức cơ bản để phòng ngừa.

TS Lê Đình Mầu, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, trong đó có mất kiểm soát, không có kỹ năng bơi, thiếu kiến thức về phòng chống đuối nước, người dân tắm ở các điểm không an toàn; Không có biển cảnh báo mực nước, khu vực gặp nạn không có người quản lý; Mưa lớn, thay đổi thời tiết đột ngột có thể tạo ra các điều kiện gây nguy hiểm cho người dân, nhất là người dân đang ở gần khu vực sông, suối; công tác tuyên truyền giáo dục còn hạn chế, chưa được đẩy mạnh.

Đặc biệt, khi đang tắm biển mà gặp phải vùng xoáy, dòng chảy mạnh, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và hiểu rằng, dòng nước không cuốn bạn chìm xuống đáy mà chỉ kéo bạn ra xa bờ. Tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy. Đối với người biết bơi hãy bơi ngang hoặc theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy và dần tách ra khỏi dòng chảy, sau đó bơi vòng cung dần tiến vào bờ.

Đối với người không biết bơi hoặc đã đuối sức thì cần thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng chảy. Đến khi thấy dòng chảy đã yếu thì cố gắng ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người ứng cứu.

Những vùng biển thường có dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ hay còn gọi là dòng rip (Rip Current) là một loại hình cấu trúc dòng chảy tách bờ hướng ra khơi, xảy ra trong vùng sóng đổ, có hình thái và kích thước của một luồng nước mạnh với bề ngang hẹp (khoảng 15-20 m). Do được tạo thành từ sự bức ngang với luồng chảy song song dọc bờ, nên người ta thường gọi nó là dòng rip. Có nơi gọi là dòng đứt ngang, dòng rút, ao nước xoáy, dòng nước lừa…

TS Lê Đình Mầu cho biết, các bãi tắm ở miền Trung (từ Thanh Hóa đến Vũng Tàu), nơi có nhiều bãi biển đẹp, trực tiếp tiếp xúc với biển sâu nên bị tác động mạnh của sóng biển, nhất là sóng lừng từ các cơn bão trên Biển Đông nên nguy cơ tai nạn tắm biển do dòng rip lớn nhất.

Các bãi tắm ở phía bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình) và phía nam (Tiền Giang - Kiên Giang) nơi có đà sóng ngắn và độ sâu vùng biển ven bờ nhỏ, năng lượng sóng tới bờ đã bị suy giảm, ít bị tác động của sóng dài (sóng lừng) nên dòng rip ít nguy hiểm hơn.

Dòng rip xuất hiện nhiều, nguy hiểm vào thời kỳ gió mùa đông bắc thịnh hành (tháng 11 đến tháng 3 năm sau) với các đặc trưng sóng hướng đông bắc với cường độ mạnh, ổn định. Thời kỳ chuyển mùa từ mùa gió tây nam sang mùa gió đông bắc (tháng 9-10) thường bị tác động mạnh bởi sóng lừng từ các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Riêng khu vực từ Bình Thuận đến Vũng Tàu, dòng rip xuất hiện nguy hiểm cả ở thời kỳ gió mùa tây nam, nhất là các tháng 7-9 do đường bờ khu vực này có hướng đông bắc - tây nam trùng với hướng gió tây nam.

Nhìn chung, tại các bãi tắm truyền thống dòng rip thường có cấu trúc xác định, ít biến động về vị trí, hơn nữa là nơi thường có sẵn lực lượng cứu hộ, do vậy ít nguy hiểm hơn. Dòng rip tại các bãi ngang do bị tác động của nhiều hướng sóng nên dòng rip có hình dáng, cấu trúc, cường độ, vị trí dễ thay đổi, do vậy nguy hiểm hơn.

Tại một số địa phương như Hà Tĩnh - Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam có đường bờ nằm theo hướng tây bắc - đông nam nên thời kỳ mùa hè sóng tới từ hướng đông nam tuy không hình thành dạng dòng rip xác định, nhưng hình thành dòng rip xiên góc với bờ hoặc dòng chảy song song dọc bờ trong đới sóng đổ nhào nhiều khi gây nguy hiểm cho người tắm biển.

Tại Việt Nam, số người bị đuối nước tại các bãi ngang, bãi mới phát triển, nơi không có lực lượng cứu hộ đang có xu hướng gia tăng. Nạn nhân chủ yếu là thanh niên, du khách, người thích mạo hiểm.

Cách nhận biết và phòng tránh dòng rip

Dòng rip luôn biến động mạnh theo không gian và thời gian. Chính do sự đột biến và nguy hiểm của hiện tượng này, nên người ta còn gọi đó là một dạng tai biến thiên nhiên, chúng thường gây ra tai nạn chết người khi tắm biển hoặc đang làm việc trong dải ven biển, do người tắm bị bất ngờ, không biết bơi, bơi yếu hoặc không hiểu biết về cách phòng tránh.

TS Lê Đình Mầu cho biết, bằng mắt thường chúng ta có thể nhận dạng dòng rip xuất hiện khá rõ nét trên nền chung tương đối đồng nhất của nước biển tại các bãi tắm, nơi mà các dòng rip xuất hiện thường để lại những dấu vết khác biệt như sự xuất hiện của một vùng nước xáo trộn lăn tăn hay một vùng bọt nước trắng xóa trên mặt biển gần sát bờ; một dấu hiệu rõ nét về màu sắc của nước biển so với xung quanh khi nhìn từ trên cao xuống; một dải hẹp tập trung rác và vật trôi nổi trên mặt nước.

Người tắm biển cũng có thể tự mình nhận biết sự tác động của dòng rip ở khu vực mình đang tắm, thông qua dấu hiệu sụt lún rất nhanh của cát dưới chân chỗ mình đang đứng. Trong trường hợp này nên rời khỏi ngay vị trí bạn đang đứng càng nhanh càng tốt.

"Khi phát hiện mình đang bị dòng nước đưa ra xa bờ, bạn cần bình tĩnh và luôn nhớ là không được bơi ngược dòng rip để vào bờ vì sẽ rất nhanh mất sức và đuối nước. Bạn cần quan sát nhanh để lấy phương hướng sau đó bơi song song với đường bờ, khi đã ra khỏi dòng rip thì bơi vào bờ. Nếu bạn không có khả năng bơi ra khỏi dòng rip hãy giữ người nổi để tự trôi ra khỏi dòng rip, sau đó tìm cách bơi vào bờ. Nếu không đủ sức để bơi hãy dùng tay để ra hiệu cầu cứu", TS Lê Đình Mầu hướng dẫn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-ung-pho-va-phong-tranh-nguy-co-duoi-nuoc-khi-tam-bien-169230606161401148.htm