Cách Ukraine có thể sử dụng F-16 và giải pháp khắc chế của Nga

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, tiêm kích F-16 sẽ không giúp Ukraine làm thay đổi tình hình chiến trường. Các chuyên gia quân sự hàng đầu cũng chỉ ra những công cụ mà Nga có thể sử dụng để đối phó với mối đe dọa từ F-16.

Dự kiến vào tháng 7 tới, Ukraine sẽ nhận khoảng 6 máy bay F-16 đầu tiên vào trong số 45 chiếc mà các nước phương Tây đã cam kết cung cấp. Việc bàn giao bị trì hoãn do thời gian đào tạo phi công kéo dài hơn kế hoạch và những khó khăn trong việc tìm căn cứ phù hợp cho loại tiêm kích này.

Trong chuyến thăm các phi công quân sự ở Tver hôm 27/3, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ bắn hạ F-16 “giống như đã tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các thiết bị khác, bao gồm cả bệ phóng tên lửa”. Ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga cần phải tính đến khả năng F-16 mang vũ khí hạt nhân.

Một máy bay F-16. Ảnh: AFP

Nga có đủ mọi công cụ để hạ F-16

Các nhà phân tích quân sự đã nhiều lần cảnh báo về những nguy hiểm mà các phi công Ukraine sẽ phải đối mặt khi điều khiển máy bay F-16 chống lại Nga. Không giống như nhiều loại vũ khí phương Tây gửi cho Kiev được phát triển trong những thập kỷ gần đây như gồm máy bay không người lái, đạn pháo hay tên lửa chính xác, F-16 là một “di sản công nghệ” mà Nga đã có đủ mọi công cụ để phá hủy từ những năm 1970. Nói cách khác, máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ 4 có thể phù hợp để ném bom các nước có lực lượng quân sự non yếu chứ hoàn toàn không phù hợp để nhắm vào đối thủ ngang hàng của Mỹ và NATO.

Nikolai Bodrikhin, chuyên gia quân sự hàng đầu về lĩnh vực hàng không của Nga, đồng tình với đánh giá của Tổng thống Putin về số phận những chiếc F-16 có thể gặp phải nếu chúng được đưa đến Ukraine.

“Chúng khó có thể thay đổi bất cứ điều gì, vì những máy bay loại này đã khá cũ. Nó đã rất quen thuộc với Nga. Các phương tiện tác chiến điện tử mà nó sử dụng đều không có gì xa lạ. Nga có một loạt vũ khí chống lại nó, cả không đối không và đất đối không”, ông Bodrikhin nói với Sputnik.

Các vũ khí không đối không mà Nga có thể sử dụng để đối phó F-16 bao gồm tên lửa tầm ngắn R-73 và R-77 (tầm bắn 40-160km), tên lửa tầm trung R-27 (tầm bắn lên tới 170km), tên lửa tầm xa tầm bắn R-33 (biến thể mới nhất có thể bay tới 304 km) và tên lửa siêu thanh ngoài tầm nhìn R-37 (tầm bắn 150-400km, tốc độ tối đa Mach 6).

Hệ thống phòng thủ trên mặt đất của Nga có tên lửa dẫn đường hồng ngoại 9K333 Verba (tầm bắn tối đa 4,5km), tên lửa siêu thanh hai tầng dẫn đường bằng laser 9M337 Sosna-R (tầm bắn tối đa 10km), hệ thống Pantsir (tầm bắn 20 km khi sử dụng tên lửa Hermes-K và 57E6), hệ thống tên lửa di động 2K12 Kub (tầm bắn lên tới 25km). Ngoài ra, cũng phải kể đến các hệ thống tên lửa S-200, S-300, S-350, S-400 và S-500. Các hệ thống này có thể phóng tên lửa bắn trúng mục tiêu cách xa 200-600km, vượt tầm bắn của bất kỳ loại vũ khí hiện có nào trên F-16.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: AP

“Các lực lượng của Nga đều có tên lửa với tầm bắn cũng không kém gì tên lửa không đối không của F-16. Nga có các tổ hợp trên mặt đất, thậm chí cả tổ hợp S-200 cũ cũng có thể dễ dàng tấn công F-16 chứ chưa nói đến S-300, S-400 hiện đại hơn và các hệ thống khác như các biến thể của hệ thống Buk”, ông Bodrikhin nói.

“Nói cách khác, Nga có rất nhiều hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ một số lượng đáng kể những máy bay này, ngay cả khi chúng tấn công đồng thời”, ông Bodrikhin cho biết thêm.

Ukraine có thể sử dụng F-16 như máy bay kamikaze

Theo ông Bodrikh, mối đe dọa thực tế duy nhất mà F-16 có thể gây ra cho Nga là nó được sử dụng như một phương tiện mang tên lửa thực hiện nhiệm vụ cảm tử.

“Tôi không dự đoán những chiếc máy bay này sẽ đóng bất kỳ vai trò quan trọng nào, nhưng chúng có thể mang theo và đẩy nhanh gia tốc của những quả tên lửa. Khi đó, bản thân chiếc máy bay sẽ dễ bị bắn hạ nhưng tên lửa sẽ trở nên khó bị đánh chặn. Đây là cách duy nhất mà F-16 có thể tạo ra mối nguy hiểm cho Nga”, nhà phân tích quân sự Nga nói.

Theo ông, để chống lại mối đe dọa này, Lực lượng Phòng không và Không quân Nga sẽ phải theo dõi các máy bay F-16 ngay từ thời điểm nó cất cánh và khi chúng đạt được độ cao thích hợp (thông thường là trên 3.000 mét), chúng phải bị tấn công và tiêu diệt.

Đối với những lo ngại mà Tổng thống Putin và trước đó là Ngoại trưởng Sergey Lavrov bày tỏ rằng F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, ông Bodrikihin cho hay thực tế đúng là như vậy. Tuy nhiên, Kiev và các nước phương Tây sẽ không làm như vậy, vì điều đó có thể khiến cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang thành xung đột trực tiếp Nga-NATO và khiến Moscow phải phản ứng tương xứng.

Trong khi một số quan chức và phương tiện truyền thông phương Tây ca ngợi F-16 như một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” tiềm năng đối với Ukraine trên tiền tuyến, nhưng nhiều người cũng tỏ ra thận trọng.

Hồi tháng 5/2023, Rand Corporation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cảnh báo rằng các radar và tên lửa tiên tiến của máy bay Nga có “tầm bắn xa hơn nhiều” so với các loại tương tự do NATO cung cấp có thể khiến các máy bay F-16 của Ukraine trở thành mục tiêu dễ bị tấn công.

“Nói cách khác, máy bay Nga có khả năng phát hiện ra những chiếc F-16 của Ukraine và bắn hạ chúng trước khi các phi công Ukraine nhìn thấy máy bay đối phương đang lao tới. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với phi đội máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 hiện tại của Ukraine. Khả năng tiên tiến hơn của F-16 là không đủ để cán cân lợi thế nghiêng về phía Ukraine”, báo cáo của Rand Corporation nhận định.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Sputnik

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cach-ukraine-co-the-su-dung-f-16-va-giai-phap-khac-che-cua-nga-post1085772.vov