Cách tránh nhầm lẫn khi dùng mẫu đơn trị bệnh

Ngoài làm cảnh, mẫu đơn còn là dược liệu chữa nhiều bệnh. Tuy nhiên, có hai loại mẫu đơn khác nhau. Một loại được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền và một loại sử dụng theo kinh nghiệm dân gian. Do đó, người dùng cần nhận biết và lựa chọn đúng để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

1. Vị thuốc mẫu đơn bì (Trung Quốc) dùng phổ biến trong y học cổ truyền

- Nhận diện cây thuốc: Giống hoa mẫu đơn này được nhập từ Trung Quốc, còn được gọi là hoa Bạch lượng kim hoặc mộc thược dược, với tên khoa học là Paeonia suffruticosa.

Loại mẫu đơn này cao 1 – 1.5m, rễ phát triển thành củ. Lá mọc so le, hoa mọc đơn độc đầu cành, rất to, màu đỏ hoặc tím trắng, mùi thơm gần giống mùi hoa hồng. Bên cạnh sắc uống trong thang thuốc, bột mẫu đơn bì còn là một vị thuốc dưỡng trắng da.

+ Bộ phận dùng làm thuốc: Là vỏ rễ phơi sấy khô của cây mẫu đơn gốc ở Trung Quốc (Paeonia suffruticosa),

+ Vị thuốc: Mẫu đơn bì (Paeonia suffruticosa)...

Mẫu đơn và vị thuốc mẫu đơn bì.

- Tác dụng chữa bệnh của mẫu đơn bì

Theo sách 'Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam' của GS. TS. Đỗ Tất Lợi, mẫu đơn bì có vị cay, đắng, tính hơi hàn, vào 4 kinh tâm, can, thận và tâm bào; có tác dụng thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết; dùng chữa nhiệt nhập doanh phận, phát cuồng kinh giản, thổ huyết, máu cam, lao nhiệt cốt trưng, kinh bế.

Hiện nay, mẫu đơn bì được dùng làm thuốc trấn kinh, giảm đau, chữa nhức đầu, đau lưng, kinh nguyệt đau đớn, đau khớp. Còn dùng chữa kinh nguyệt không đều, những bệnh sau khi sinh nở.

Ngày dùng 5-10g dưới dạng thuốc sắc.

- Đơn thuốc có mẫu đơn bì (Đơn bì thang): Mẫu đơn bì 5g, đương quy 5g, thược dược 3g, sinh địa 6g, trần bì 4g, bạch truật 4g, hương phụ 3g, sài hồ 2g, hoàng cầm 2g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Tác dụng: Chữa bệnh phụ nữ, kinh nguyệt không đều, bệnh sau khi sinh nở.

Vị thuốc mẫu đơn bì giảm đau bụng kinh.

2. Hoa mẫu đơn Việt Nam (thường dùng theo kinh nghiệm dân gian)

Ở Việt Nam, đặc biệt từ khu vực miền Trung trở vào Nam, cũng có một loại cây có tên mẫu đơn, hay còn gọi là bông trang đỏ, với tên khoa học là Ixora coccinea L..

Chính sự trùng tên này khiến nhiều người dân nhầm lẫn công dụng làm thuốc của hai loại cây mẫu đơn.

- Nhận diện cây mẫu đơn Việt Nam: Cây mẫu đơn Việt Nam hay bông trang đỏ (Ixora coccinea L.) thường thấy ven ở vùng đồi trọc, nhiều nắng, hoặc trồng ở hàng rào làm cảnh, còn gọi là bông trang đỏ, có hoa nhỏ dài, màu đỏ, mọc thành xim dày đặc.

Quả màu đỏ tím, cao 5 – 6cm, mỗi ô có 1 hạt, cao 4 – 5mm, phía lưng phồng lên còn phía bụng hõm vào. Thân cây nhỏ, cao 0.6 – 1m.

+ Bộ phận dùng: Rễ, hoa.

- Tác dụng chữa bệnh

Trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS. Đỗ Tất Lợi có ghi nhận sử dụng:

+ Rễ đơn đỏ dùng làm thuốc lợi tiểu, dùng trong những trường hợp đái đục, còn dùng chữa cảm sốt, đau nhức và chữa lỵ.

+ Hoa của cây cũng được dùng chữa lỵ dưới dạng thuốc sắc.

Các nghiên cứu về thành phần hóa học hiện nay cho thấy tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống tiêu chảy… Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu thực hiện trên chiết xuất, chưa có đầy đủ bằng chứng về hiệu quả ở dạng thành phẩm.

Mẫu đơn Việt Nam hay còn gọi là bông trang đỏ.

Để không bị nhầm lẫn và sử dụng thuốc điều trị đúng bệnh, người dùng cần phân biệt hai loại mẫu đơn hoặc sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng dược liệu mà chưa có sự kiểm chứng của người có chuyên môn.

Mời bạn xem tiếp video:

Những loài hoa đẹp nhưng chứa độc tố có thể gây chết người | SKĐS

BS. Phạm Ánh Ngân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-tranh-nham-lan-khi-dung-mau-don-tri-benh-169240115114136561.htm