Cách thời tiết ảnh hưởng đến lượng đường trong máu con người

Dù người dùng đang nóng đổ mồ hôi hay run rẩy vì lạnh thì cũng nên thận trọng để tránh lượng đường trong máu tăng cao.

Theo EverydayHealth, khi nhiệt độ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nóng quá hay lạnh quá sẽ ảnh hưởng tới lượng đường trong máu con người. Nhiệt độ nóng hoặc lạnh quá đều có tác động tiêu cực đến khả năng cơ thể sản xuất insulin.

Các nhà khoa học cho biết qua một nghiên cứu, số người tử vong do bệnh đái tháo đường tăng nhanh vào mùa hè khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh qua những lời khuyên để tránh những hậu quả khôn lường khi nhiệt độ tăng cao cũng như khi trời lạnh.

Uống nhiều nước: Theo Lori Roust, bác sĩ nội tiết tại Bệnh viện Mayo ở Arizona cho biết, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, con người dễ bị mất nước, lượng đường trong máu cao. Hơn thế nữa, do mất nước nên lượng máu chảy qua thận giảm xuống khiến thận không thể làm việc hiệu quả để loại bỏ lượng đường dư thừa. Vì thế, khi trời nóng, người dùng cần uống nhiều nước thay vì uống nước khi khát.

Khi nhiệt độ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nóng quá hay lạnh quá sẽ ảnh hưởng tới lượng đường trong máu con người. Ảnh: Internet

Cất thuốc vào chỗ mát: Nhiệt độ vào mùa hè tăng cao gây ảnh hưởng tới thuốc của bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, máy đo lượng đường trong máu, que thử tiểu đường…. Vì thế, Tiến sĩ Roust khuyến cáo người dùng cần cất thuốc ở vị trí có nhiệt độ thích hợp, tránh ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

Tránh sức nóng của thời tiết: Tập thể dục là một trong những phương pháp hiệu quả để quản lý bệnh tiểu đường và kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh tập luyện vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Người dùng có thể tập luyện vào sáng sớm, tối hoặc có thể tập trong nhà với điều hòa nhiệt độ.

Nhận biết dấu hiệu của hạ đường huyết: Một số biểu hiện kiệt sức do nhiệt độ cao khi lượng đường trong máu giảm như đổ mồ hôi, choáng váng, run rẩy…. Lúc này, lượng đường trong máu của người dùng đã giảm đến mức nguy hiểm. Người dùng cần bổ sung các loại thực phẩm giàu carbohydrate để tăng lượng đường trong máu.

Quan tâm đến bàn chân: Ở những người bị bệnh tiểu đường, biến chứng bàn chân do bệnh thần kinh, khó khăn trong lưu thông có thể khiến quá trình chữa lành các vết loét, vết cắt trở nên khó khăn hơn. Vì thế, người bệnh cần sử dụng giày phù hợp với bàn chân.

Giữ ấm cơ thể: Khi nhiệt độ ngoài trời giảm sâu cũng sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất insulin trong cơ thể. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân bị tiểu đường cần giữ ấm cơ thể để tránh gặp phải những ảnh hưởng tiêu cực từ bệnh tiểu đường.

Tránh nhiễm lạnh và cúm vào mùa đông: Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, khi căng thẳng sẽ dễ làm tăng lượng đường trong máu. Hơn thế nữa, việc nhiễm lạnh và bị cúm sẽ gây ra những hậu quả nặng nề. Vì thế, người bệnh cần chú ý hạn chế căng thẳng và vệ sinh sạch sẽ, tránh cảm cúm.

Chú ý đến chế độ ăn và kiểm soát cân nặng: Mùa lạnh thường tập trung những món ăn giàu carbohydrate khiến lượng đường trong máu tăng cao. Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần lập một chế độ ăn phù hợp.

Thường xuyên tập luyện thể dục: Lạnh là lý do khiến nhiều người không có động lực tập thể dục. Tuy nhiên, việc tập luyện là một phần quan trọng trong việc giữ ổn định lượng đường trong máu. Vì thế, người bệnh cần chăm chỉ tập luyện ngay cả khi trời lạnh.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Cảnh báo

Khánh Đan

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cach-thoi-tiet-anh-huong-den-luong-duong-trong-mau-con-nguoi-d49386.html