Cách sơ cứu người bị tai nạn vùng cổ

Theo TS Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp bị đứt động mạch máu như 2 nạn nhân bị tấm tôn lá gây thương tích vùng cổ nếu được sơ cứu đúng cách ngay tại hiện trường, thì có thể có cơ hội sống. Vụ bé trai bị tôn cứa cổ: Tạm giữ hình sự lái xe xích lô chở tôn/ Lãnh đòn từ "máy chém" trên đường phố

Chỉ trong vòng 3 ngày, đã có 2 trường hợp tử vong do bị tấm lá tôn gây thương tích. Đó là một em bé 9 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và bà Bùi Thị X. (64 tuổi, ở Yên Lạc, Yên Thường, Hòa Bình). Cháu bé đâm vào chiếc xích lô chở tôn đang dừng ở bên đường với tốc độ lớn, còn bà X. đang đứng bên đường thì bị tấm tôn trên xe ba gác rơi xuống văng trúng. Cả 2 trường hợp đều bị tôn cứa đứt cổ và tử vong ngay sau đó do bị mất quá nhiều máu, dù đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo TS Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp bị đứt động mạch máu như 2 nạn nhân trên nếu được sơ cứu đúng cách ngay tại hiện trường, thì có thể có cơ hội sống.

Để sơ cứu cho nạn nhân bị thương ở cổ, trước hết cần bình tĩnh lấy một mảnh vải hoặc xé áo ra lấy miếng vải ép chặt vào vết thương để cầm máu, đồng thời xé một miếng thành sợi dây để buộc vết thương.

Dùng chính tay nạn nhân làm “vật chống” để băng chặt vết thương. (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Để băng chặt được vết thương ở cổ mà không làm nạn nhân nghẹt thở, phải dùng một cành cây nhỏ, hoặc chiếc thước kẻ áp vào cổ phía bên không bị thường rồi mới buộc chặt vết thương.

Trong trường hợp ở nơi bị nạn không tìm được vật dụng nào khác, thì dùng chính một tay của nạn nhân giơ lên làm “vật chống” để buộc chặt vết thương và xoắn nút buộc lại bằng chiếc bút hay cành cây. Sau khi cầm máu được mới đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ xử lý.

TS Dương Đức Hùng nhấn mạnh: Kỹ năng sơ cứu vết thương mạch máu không quá phức tạp. Vì thế, phải sơ cứu tại chỗ để cầm máu rồi hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất, nếu không, sẽ không kịp. Nếu vết thương ở tay hay chân thì cần băng chặt phía trên vết thương, hoặc garo để cầm máu.

Những kiến thức sơ cứu rất quan trọng có thể cứu sống được nhiều người nhưng tiếc rằng rất ít người biết, nên đã có những hậu quả rất đáng tiếc. Với cách sơ cứu đúng cách, kịp thời như trên, hy vọng nhiều người sẽ có cơ hội sống với chi phí thấp nhất.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/cach-so-cuu-hieu-qua-nguoi-bi-tai-nan-vung-co-409927/