Cách sơ cứu khi bị bỏng do pháo nổ

Dịp Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương do pháo nổ gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi.

Bệnh nhân A. bị bỏng độ hai, bội nhiễm. Ảnh: BVCC

Vào dịp Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương do pháo nổ gia tăng nhiều, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi. Các vết thương này thường nặng và phức tạp.

Vết thương nặng và phức tạp

Chỉ tính từ đầu tháng 12/2023 đến nay, toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do pháo tự chế. Chỉ cần lên các trang mạng xã hội, gõ từ khóa liên quan đến chế tạo pháo nổ, hàng loạt tài khoản như “Pháo nổ”, “Cách làm pháo hoa”... lập tức xuất hiện với lời giới thiệu hấp dẫn về nguyên liệu chế tạo pháo, cùng các công thức làm pháo.

Các trang bán hàng còn giới thiệu, chào bán các loại giấy làm thân pháo, dây cháy chậm, các túi thuốc pháo... Với giá từ 80 - 400 nghìn đồng, người mua có thể làm ra các loại pháo nổ cỡ nhỏ, cỡ lớn, pháo hoa hay pháo dàn.

Trước đó, tối ngày 25/1, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân N.B.H.D. (17 tuổi, trú tại thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) trong tình trạng đa chấn thương, dập nát cổ bàn tay trái, phải, vết thương rộng từ đùi xuống bàn chân, nhiều vết thương vùng ngực, bụng, đa vết thương vùng hàm mặt, tổn thương niêm mạc 2 mắt, mắt phải có nguy cơ mù.

Theo người nhà, bệnh nhân tự đặt mua các hóa chất về chế tạo pháo thì bị nổ. Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền 2 đơn vị máu, cắt bỏ toàn bộ cổ bàn tay trái, cắt bỏ nửa bàn tay phải, cắt lọc và khâu các vết thương vùng ngực, bụng, 2 chân. Các bác sĩ Khoa Mắt của bệnh viện cũng phối hợp tiến hành xử lý vết thương vùng mắt cho bệnh nhân. Hiện tại, sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Theo bác sĩ Trực, vào dịp Tết Nguyên đán, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương do pháo nổ gia tăng nhiều, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi. Các vết thương này thường nặng và phức tạp. Từ đó, khiến việc điều trị rất khó khăn và để lại di chứng nặng nề cho các bệnh nhân.

Một trong những loại bỏng nguy hiểm nhất

Chị V.H.A. (26 tuổi, TPHCM) đến khám tại chuyên khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng chân trái sưng phù, rộp nước, rỉ dịch vàng… không đi lại được, phải hỗ trợ di chuyển bằng xe lăn. Trước đó, chị A. tham dự tiệc cuối năm cùng công ty và bị tia lửa pháo hoa phụt thẳng vào mu bàn chân kéo dài lên giữa ống chân trái.

Bác sĩ CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, chị A. bị bỏng độ hai, bội nhiễm (có tình trạng nhiễm trùng kèm theo).

Theo bác sĩ Vân, ngày đầu tiên bị bỏng, vết thương của người bệnh không quá nghiêm trọng, nhưng dần diễn tiến nặng là do các hóa chất có trong pháo hoa (phốt pho, lưu huỳnh, kali clorat…).

Hóa chất không được loại bỏ hoàn toàn hoặc rửa sạch kịp thời sẽ thấm sâu hoặc lan rộng ra các vùng mô xung quanh, gây tổn thương cấu trúc và chức năng của da, mô dưới da.

Phản ứng dị ứng hoặc kích ứng đối với hóa chất cũng gây ra hiện tượng viêm dẫn đến đỏ, ngứa, sưng, đau kéo dài. Ngoài ra, vết bỏng bị nhiễm khuẩn thêm do chưa được điều trị và chăm sóc đúng cách.

Bác sĩ Vân cho biết, tai nạn do pháo dịp gần Tết rất thường gặp. Bỏng pháo được xem là một trong những loại bỏng nguy hiểm nhất. Pháo hoa phát nổ tạo ra nhiệt độ cao và áp suất mạnh, nếu bắn trúng người sẽ gây bỏng sâu và nghiêm trọng hơn so với bỏng nhiệt thông thường.

Tia lửa còn gây cháy và bỏng đối với người đứng ở cự ly gần. Các mảnh vỡ của pháo bay ra phía ngoài với tốc độ rất nhanh và thường có nhiệt độ cao, ngoài bỏng còn có thể gây ra các vết cắt hoặc chấn thương đi kèm, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nếu bị tai nạn do pháo, cần nhanh chóng ngâm, rửa vùng da bị bỏng bằng nước sạch trong 30 phút. Người gặp nạn nên cởi bỏ quần áo chật, loại bỏ các dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám dính trên bề mặt da.

Che phủ bề mặt vết bỏng bằng gạc hoặc khăn sạch và đưa người gặp nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

“Không được sơ cứu vết bỏng bằng bôi nước vôi, kem đánh răng, mỡ trăn hoặc đắp các loại lá lên vùng bị thương để tránh nhiễm trùng, biến chứng nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Vân khuyến cáo.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-so-cuu-khi-bi-bong-do-phao-no-post670573.html